Thời điểm này, nông dân cần thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, theo dõi để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại.
Hiện nay, vải ở Thanh Hà, Chí Linh đang trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa. Vải sớm đã báo hoa. Thời điểm này, nông dân cần thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, theo dõi để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại. Để chăm sóc vải thiều hiệu quả ở thời kỳ này, bà con cần thực hiện tốt các kỹ thuật chăm sóc sau:
Các đối tượng sâu bệnh gây hại chủ yếu trong giai đoạn này là sâu xanh, sâu đo, sâu róm, bọ xít, nhện lông nhung và một số bệnh như sương mai, thán thư. Để phòng trừ hiệu quả, người dân cần tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn. Đối với các vườn vải đã báo rõ hoa có thể tỉa tất cả các cành tăm, cành sâu bệnh, cành dầy xít, cành trong tán... Nên tỉa thưa để tạo điều kiện cho các cành hoa chính phát triển tốt, giảm trú ngụ của sâu bệnh và phun phòng trừ sâu bệnh sau này thuận lợi hơn.
Đối với trà vải chính vụ, bà con có thể phun thuốc ủ mầm hoa, kích thích cây ra hoa bằng các loại thuốc như dòng siêu lân 10: 55:10 + TE hoặc 5: 50: 10 + TE. Phun định kỳ để phòng trừ các đối tượng gây hại hoa và quả non vào các đợt khi cây báo rõ hoa, trước khi hoa nở và sau khi hình thành quả non. Mỗi đợt phun thuốc phòng trừ các đối tượng gây hại nên kết hợp phun với các loại phân bón lá giàu vi lượng như Bortract, HVP... Riêng đợt phun sau khi hoa tàn, hình thành quả non thì khuyến cáo bà con nên rung cành để các tàn hoa còn bám lại trên cây rụng hết sau đó mới phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Nếu trời hanh khô, nhiệt độ thấp, khi thấy vải đã báo hoa rõ có thể kết hợp bón phân và tưới nước nhẹ để thúc cho hoa phát triển tốt. Loại phân bón có thể chọn NPK tổng hợp hoặc sử dụng riêng đạm, lân, kali (lưu ý thời điểm này nên dùng phân bón có tỷ lệ đạm thấp), rắc đều trên mặt đất dưới tán cây rồi lấp đất mỏng, sau đó tưới nước cho cây. Nếu thời tiết ấm không nên tưới nước. Cùng với đó, nông dân cần dọn sạch vườn, kết hợp rắc vôi bột để khử các đối tượng nấm bệnh và trung hòa pH trong đất.
Khi vườn vải đã hình thành quả non, bà con cần thường xuyên kiểm tra vườn để có biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Người dân cần thực hiện việc bón bổ sung dinh dưỡng để cây đủ sức nuôi quả.
Ngoài lượng phân bón vào gốc giai đoạn cây mang quả cần bổ sung thêm các nguyên tố vi lượng như Fe, Bo, Zn, Ca, Mg... qua phân bón lá. Có thể phun phân bón lá cùng với các đợt phun thuốc bảo vệ thực vật, không nên cộng phân bón lá với các loại thuốc bệnh đặc biệt là thuốc có gốc đồng. Nông dân các vùng trồng vải xuất khẩu cần chú ý lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo, liều lượng đúng quy định.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh