Trồng sắn dây muốn thu hoạch được sản lượng cao, nên trồng ở chỗ đủ ánh sáng, tầng đất dày, đất tơi xốp, tiện cho việc tưới và tiêu nước.
Có thể trồng ở xung quanh vườn, đầu bờ, mé bờ cây bụi…
+ Tưới nước và bón phân: Cây sắn dây thường được trồng trước hoặc sau tiết Thanh minh. Đất quá khô sẽ không tốt cho cây sinh trưởng và phát triển nhất là giai đoạn phát triển củ. Nói chung quá 15-20 ngày không mưa thì phải tưới đẫm nước. Tốt nhất là đưa nước vào ngâm 1-2 giờ rồi tháo đi. Như vậy, sẽ giữ ẩm cho cây được từ 15-20 ngày mà không phải tưới nước.
Sắn dây là cây cần nhiều phân, bón càng nhiều phân càng tốt. Phân kali có khả năng thúc đẩy củ lớn nhanh, do đó nên bón nhiều tro bếp và phân chuồng hoai mục. Nếu không có phân chuồng thì cần dùng phân xanh hoặc bèo tây + rơm rạ ủ cùng với phân NPK (theo tỷ lệ 10 chất thô : 1 NPK) hoặc chất thải sau biogas vừa đảm bảo cung cấp lượng kali cần thiết lại vừa tạo mùn cho đất được tơi xốp, củ sẽ phát triển to và nhanh hơn.
- Bón phân thúc: Nên bón thúc lần đầu vào lúc cây mọc cao 33cm bằng cách bới 1 rạch trên mặt luống cách gốc 7-10cm bỏ phân đã ủ hoai kín vào rạch rồi lấp đất. Cứ 1 tháng nên bón 1 lần, bón liền trong 10 tháng như thế là được.
- Làm giàn cho dây leo: Sắn dây leo quấn, dây dài mọc nhiều nhánh, nếu để nhánh chạm đất thì đâm rễ ngay, ăn mất nhiều dinh dưỡng, cho nên cần làm cọc giàn cho cây leo, tốt nhất làm xong lúc cây mọc cao 15-20cm. Làm chậm, dây sẽ quấn vào nhau khó chăm sóc. Nếu không có vật liệu làm cọc leo thì phải vén dây luồn, không để rễ cây mọc ra bám xuống đất, khó khăn cho việc vun xới, làm cỏ, bón phân.
- Tỉa cây, ngắt hoa: Mỗi cây có thể mọc 3-5 chồi, chỉ chọn chồi to, mập khỏe để lại còn các chồi khác thì tỉa bỏ. Chồi để lại, khi mọc dài 1,7 - 2m thì ngắt ngọn đi để sinh nhiều cành, mọc nhiều lá, tăng thêm khả năng quang hợp thúc đẩy củ lớn nhanh. Cây trồng 2 năm thường ra hoa vào tháng 5 - 7, chờ cho cuống hoa mọc thò dài 10-12cm thì ngắt đi. Nếu để ra hoa kết quả thì củ sẽ không to lớn được nữa.
- Xới đất, vun đắp gốc và làm cỏ: Vì làm luống cao nên khi gặp mưa đất thường trôi xuống rãnh. Vào những ngày nắng khô nên xới lớp đất dưới rãnh kéo vun đắp lên luống để lấp củ và làm cỏ cho sắn dây.
+ Phòng trừ sâu bệnh: Đến nay chưa phát hiện được sắn dây có những bệnh gì chỉ thấy bị các loài sâu dưới đây gây hại:
- Dế đầu to: Chuyên phá hại cây con lúc chiều mát. Nên bắt dế khi chúng ra ăn cây, ngoài ra ở chỗ trồng sắn dây không nên để đống cỏ dại (là nơi dế ẩn nấp).
- Bọ rùa: Thường ra cắn lá vào buổi tối trong các tháng 5-6. Dùng biện pháp đốt lửa ở gần chỗ trồng vào buổi tối, bọ rùa sẽ bay vào vì chúng có xu hướng thích ánh sáng.
- Rệp: Gây hại trên hoa. Nên dùng các loại thuốc trừ côn trùng chích hút như: Confidor 100SL, Actara 25WG,Supracide 40EC… khi mật độ cao.
+ Thu hoạch: Trồng vào tháng 3- 4 đến hết tháng 11 đã có thể đào lấy củ. Nhưng nếu cây sinh trưởng không tốt, củ chưa được to có thể đến mùa đông năm sau mới thu hoạch được.
KS. Trần Thị Liên (Trạm Khuyến nông Nam Sách)