Chăm sóc lúa mùa

28/07/2011 08:57

Hiện nay, trà mùa sớm đối với những giống lúa gieo thẳng đang trong giai đoạn mạ non phát triển thân, lá, rễ, trà mùa trung đang trong thời điểm gieo cấy.

Do ảnh hưởng của nhiều trận mưa lớn đầu vụ kèm theo nắng nóng, nhiều diện tích lúa gieo thẳng đang trong tình trạng ngập mống, rễ thối, chết cây. Các cây lúa còn sống bị quăn lá non, cây vàng úa, khác hẳn với những diện tích lúa cấy. Theo thói quen như ở đầu vụ xuân, nhiều hộ đã sử dụng thuốc trừ sâu trị bọ trĩ, ruồi vàng để phun cho lúa. Vì họ cho rằng, cây lúa bị như vậy là do bọ trĩ gây hại.

Bọ trĩ hại lúa là loài côn trùng chích hút lá cây non. Trưởng thành đẻ trứng trong tổ lá làm lá non quăn lại. Khi xé tổ lá ra nhìn kỹ thấy có tổ bọ trĩ non bên trong cơ thể nhỏ như rệp gà màu nâu, đỏ. Đặc điểm loài này là chỉ phát sinh gây hại ở điều kiện thời tiết mát mẻ (nhiệt độ dao động từ 18-26oC). Vì vậy rất hiếm khi bọ trĩ xuất hiện, gây hại lúa mùa.

Để khắc phục lúa bị quăn lá, vàng úa, xin khuyến cáo một số biện pháp khắc phục như sau:

- Duy trì mức nước nông 1-2cm (ngập chân lúa) trên những ruộng lúa gieo thẳng. Không nên để nước lớn trong ruộng, cây lúa sẽ mềm yếu. Nếu những chân ruộng rắc nhiều lân phát sinh nhiều rêu nên tháo gần cạn nước trong ruộng chỉ để xấp xảnh rồi rắc 4-5 kg vôi tả hoặc 0,5kg sun-phát đồng trộn cát/sào. Khi thấy rêu chết ngả vàng rồi mới cho nước trở lại ruộng ngập khoảng 2 cm.

- Tiến hành dặm tỉa bổ sung mạ vào những chỗ bị chết nhiều để bảo đảm mật độ, tạo tiền đề cho năng suất sau này.

- Phun các chế phẩm phân bón lá có khả năng kích thích cây ra rễ, lá nhanh, phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày. Trong thời điểm cây bị héo thân lá, thậm chí rễ bị thâm đen, tuyệt đối không được dùng đạm u-rê và ka-li clo-rua hoặc NPK để bón cho lúa, vì như vậy dễ gây ngộ độc đạm, lúa sẽ chết nhiều hơn. Chỉ bón các loại phân trên cho lúa khi bộ rễ đã được hồi phục (rễ nhú trắng); nên phối trộn đạm với chế phẩm Neb26 bón sẽ tốt hơn.

Chú ý:

+ Không được dùng các loại thuốc trừ sâu phun kèm phân bón lá nhằm bảo vệ lượng thiên địch (bọ rùa, ong, kiến, chân chạy...) có trong ruộng từ đầu vụ tạo được mối cân bằng sinh thái đồng ruộng cho đến giữa và cuối vụ.

+ Những chân ruộng cấy giống mới không có mạ dự phòng dặm vào thì nên dồn cây lại (nếu thưa quá) hoặc bón nhiều phân hơn các chân ruộng đủ mạ (nếu thưa vừa) nhằm bảo đảm cho lúa đẻ nhanh và nhiều hơn. Do lúa gieo thẳng còn non yếu gặp điều kiện thời tiết không ưu tiên nên nông dân cần chọn đúng thời điểm để bón phân cho lúa mới đạt năng suất. Công thức bón thúc cho lúa gieo thẳng như sau:

+ Thúc đợt 1: Khi cây lúa có khả năng hút dinh dưỡng nhờ hệ rễ (cây lúa bắt đầu có 3 lá thật- 2 lá xoè và 1 lá mũi chông).

+ Thúc đợt 2: Khi lúa bắt đầu có khả năng đẻ nhánh (lúc cây lúa bắt đầu có 4 lá thật).

+ Thúc đợt 3: Khi cây lúa bắt đầu làm đòng (lúa có cứt gián).

+ Thúc đợt 4: Khi lúa thấp tho trỗ hoặc sau trỗ 1 tuần bằng sản phẩm Ka-li sun-phát (K2SO4) phun trên bông (2lạng/2bình phun/sào).

KS TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm sóc lúa mùa