Việc chăm sóc tốt cho lúa từ nay đến cuối vụ sẽ bảo đảm cho năng suất, chất lượng lúa gạo sau này cao hơn.
Thăm đồng kiểm tra sâu bệnh hại lúa giữa vụ
Đại bộ phận các trà lúa chiêm xuân đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng.
Thực tế cho thấy giai đoạn đầu vụ xuân năm nay thời tiết liên tục có rét khiến cho lúa đẻ nhánh hữu hiệu bị hạn chế. Nông dân chủ yếu sử dụng lân và đạm, trong đó lượng đạm thường cao hơn so với các vụ xuân khác (9-11kg/sào) để bón cho lúa. Song kali lại được bón rất ít (do thói quen của nhiều nông dân). Thời tiết những ngày gần đây luôn có mưa nắng xen kẽ nên nhiều diện tích lúa có nguy cơ thừa đạm, thiếu kali, số rảnh vô hiệu nhiều. Vì vậy việc chăm sóc lúa sao cho đúng với nhu cầu của sinh lý cây là rất quan trọng. Cụ thể là:
- Bón đòng và bón nuôi hạt: Nông dân cần bón phân thúc đòng cho lúa, không nên thấy lúa tốt rồi mà bỏ qua không bón sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phân hóa mầm hoa. Thực tế cho thấy bón phân cho lúa vào giai đoạn phân hóa đòng đến phân hóa hoa có tác dụng làm làm tăng số lượng hoa phân hóa, tăng số gié, số hạt trên mỗi bông lúa.
Khi phân hóa hoa (giai đoạn 18-20 ngày trước trổ) cây lúa rất cần kali. Do đó cần tập trung bón phân để có được nhiều hoa thì bông mới to, chất lượng hoa tốt tỷ lệ lép mới thấp. Cần sử dụng khoảng 50% lượng kali cả vụ (3,5-4kg) + 10% đạm còn lại bón nốt vào giai đoạn này.
* Chú ý:
+ Với những ruộng lúa có nguy cơ thừa đạm do nông dân bón nhiều trước đó và gặp mưa rào nhiều trận thì không nên bón đạm lúc này. Tốt nhất trộn kaliclorua cùng đất bột để rắc cho lúa.
+ Nếu cuối vụ không có mưa kèm sấm chớp cần tăng thêm 0,5-1kg u rê + 1kg KCL/sào để rắc cho những ruộng lúa cao sản và phun Kalisunphat (2 lạng/sào) khi lúa trổ bông. Việc làm này giúp cho lúa cao sản có tỷ lệ chắc cao, hạt thóc mẩy đều và bộ lá lúa vẫn sống đến khi lúa chín.
+ Một số diện tích lúa hiện tại biểu hiện vàng lá sinh lý do thiếu vi lượng (đầu lá bị khô héo). Nông dân cần bổ sung thêm phân bón lá siêu vi lượng để phun cùng kali trắng cho lúa sẽ tốt hơn.
- Tưới nước:Với những ruộng lúa có nguy cơ tốt lốp, đẻ nhiều nhánh vô hiệu nông dân cần rút nước kiệt ruộng phơi cho ruộng nứt nẻ (chân vàn cao) hoặc dâng nước lên cao trong ruộng 5- 6cm (chân ruộng trũng) để hạn chế lúa đẻ và chống đổ tốt.
Khi lúa bước vào giai đoạn phân hóa thì giữ nước ở mức 3- 4cm (lúa có cứt gián).
Vào khoảng 10 ngày trước khi lúa trổ rút nước để lộ ruộng 2 ngày sau đó đưa nước trở lại sẽ giúp các nhánh đã phân hóa vươn đốt rất nhanh và đồng loạt.
Khi lúa trổ báo cần rút hết nước chỉ giữ ruộng mềm bùn. Lúa trổ gần xong ( đạt trên 85%) thì đưa nước trở lại ruộng ở mức 3-4cm. Thời điểm lúa chín đỏ đuôi tháo nước chỉ giữ ruộng đủ ẩm.
+ Phòng trừ sâu bệnh: Thời kỳ giữa đến cuối vụ là giai đoạn mẫn cảm của lúa đối với nhiều loài sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, đục thân 2 chấm, rầy nâu, khô vằn đạo ôn cổ bông... Muốn phòng trừ hiệu quả cần áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật đồng bộ để làm cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tạo ra ruộng lúa thông thoáng, ít hấp dẫn côn trùng (thân lá không xanh đậm, mềm yếu). Thăm đồng thường xuyên để nhận biết sớm các loài sâu bệnh hại và có hướng phòng trừ hiệu quả. Khi cần dùng đến thuốc phun trừ sâu nên sử dụng các thuốc an toàn, ít hoặc không gây hại hệ sinh vật có ích trong ruộng lúa. Cần phát hiện sớm các ổ bệnh khô vằn nhất là những chỗ trũng, những chân ruộng có nước, mất nước xen kẽ và xung quanh bờ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khi lúa thấp thoi (lúa nứt áo đòng) để có biện pháp phòng bệnh đạo ôn cổ bông đúng kĩ thuật.
KS TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương)