Lợn mới sinh 20 phút đầu hạ nhiệt rất nhanh (từ 2-3 độ C), nhất là những con có trọng lượng dưới 0,5kg nên phải có thùng ủ sưởi ấm.
Trong tuần lễ đầu, cần duy trì nhiệt độ chuồng trong khoảng 32 - 34 độ C, quét dọn khô, thay lót chuồng bẩn, không rửa nước. Góc chuồng để một gói vôi bột. Để lợn con nằm trên sàn gỗ có lót rơm cắt ngắn hoặc cỏ khô. Lau sạch dãi nhớt ở mồm, mũi lợn con khi mới sinh. Với những lợn đẻ bọc phải nhanh chóng xé bọc để tránh bị ngạt. Nếu thấy lợn con có răng nanh chĩa ra ngoài, dùng kìm đã sát trùng cắt bỏ để tránh khi bú, lợn con làm nứt đầu vú lợn mẹ. Chú ý không cắt vào lợi gây nhiễm trùng cho lợn. Cắt rốn lợn bằng kéo sau khi đã được sát trùng bằng cồn 70 độ. Dùng tay vuốt ngược rốn vào phía bụng, dùng kéo cắt cách da bụng 2-3cm, sau đó dùng cồn sát trùng chỗ cắt.
Lợn con bú sữa lần đầu chậm nhất là 2 giờ sau khi đẻ để chống lạnh và tăng cường kháng thể chống đỡ bệnh tật và miễn dịch. Những con lợn có trọng lượng bé hơn thì cho bú ở những vú phải phía trước vì lượng sữa nhiều hơn. Chỉ cần cố định đầu vú 3-4 lần, lợn con sẽ quen và không cho con khác tranh chấp.
Khác với các loại gia súc khác, lợn nái không dự trữ sữa trong bầu vú mà chỉ tiết sữa do kích thích của lợn con tác động lên thần kinh đầu vú khi bú. Thời gian tiết sữa rất ngắn nên tránh làm ngắt quãng chu kỳ tiết sữa của lợn mẹ. Những ngày đầu lợn con bú mẹ 15-20 lần/ngày. Mỗi ngày một lợn con cần 7 - 11 mg Fe để tạo máu và chống đỡ bệnh tật, trong khi đó sữa mẹ chỉ cung cấp không quá 2mg Fe/ngày. Sau khi đẻ 3 ngày, lượng gờ-lu-cô do lợn mẹ cung cấp thiếu và chức năng điều chỉnh thân nhiệt của lợn con chưa hoàn chỉnh nên lượng gờ-lu-cô có sẵn trong lợn con bị tiêu tốn nhiều. Để tránh lợn con bị thiếu máu, gầy yếu thì vào thời điểm 2 - 3 ngày tuổi phải tiêm Dextran Fe loại 100mg, mỗi con 1cc và tiêm dung dịch gờ-lu-cô 40% nhằm tạo thêm hemoglobin.
(Nguồn: Kinh tế nông thôn)