Vì sao người nghèo luôn chật vật để kiếm tiền còn người giàu thì ngày càng giàu lên? Các bạn đã bao giờ thắc mắc như vậy chưa?
Bìa sách Cha giàu cha nghèo
Cha giàu cha nghèo là cuốn sách sẽ chỉ cho bạn biết sự khác nhau cơ bản giữa suy nghĩ của “người giàu” và “người nghèo”. Đây không chỉ là cuốn sách ai cũng nên đọc một lần mà còn là cuốn sách cha mẹ có thể sử dụng để giáo dục sớm cho con cái về tài chính.
Là một chủ đề bị lãng quên ở Việt Nam, quản lý tài chính cá nhân được phổ cập rộng rãi từ gia đình, trường học đến cơ quan ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản… Nó cũng được coi là một bước để làm giàu.
Thực tế, nhiều đại gia, tỷ phú còn thừa nhận rằng khối tài sản mà họ tích lũy được một phần là nhờ biết cách quản lý tài chính tốt.
Hiểu rõ điều này, Robert Kiyosaki - nhà đầu tư, diễn giả và tác giả nổi tiếng về lĩnh vực tài chính tại Mỹ - đã phát triển một quan điểm kinh tế độc đáo liên quan đến quản lý tài chính cá nhân từ hai ảnh hưởng trái ngược – hai người cha của ông.
Cha ruột của Robert Kiyosaki là một người có học thức cao nhưng nghèo về tài chính. Người cha còn lại – cha của bạn thân và là cố vấn tài chính của Robert – lại là một người bỏ học từ lớp 8 nhưng đã trở nên giàu có nhất tiểu bang với khối tài sản hàng chục triệu đô.
Người cha ruột thường nói: “Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”. Người cha nuôi lại bảo: “Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”.
Những sự khác nhau trong quan điểm của họ, nhất là khi đề cập đến tiền bạc, khiến Kiyosaki trở nên tò mò và bắt đầu suy nghĩ và tổng kết trong cuốn sách Rich Dad, Poor Dad (Cha giàu, cha nghèo). Đây là một trong những cuốn sách về tài chính cá nhân bán chạy nhất trên toàn thế giới với hơn 26 triệu bản.
Cha giàu cha nghèo chủ yếu là tích hợp các lời dạy của người cha giàu, và đó là sự lựa chọn của Kiyosaki. Cuốn sách này khiến bạn suy nghĩ. Nó buộc bạn phải tập trung không chỉ về đầu tư vào tài sản mà còn phân tích thái độ của chúng ta trong cuộc sống và công việc.
Ông chủ của đồng tiền
Những người nghèo học tập chăm chỉ ở trường, đạt điểm cao và kiếm một công việc an toàn với đãi ngộ tốt ở những công ty lớn. Nhưng những bài học để trở nên giàu có thì rất khác, hầu hết mọi người không có thời gian để tìm hiểu nó. Họ mắc kẹt trong chu kì bất tận của sự sợ hãi và tham lam.
Làm việc để kiếm tiền chắc chắn dễ dàng hơn. Nhưng chỉ khi bạn đầu tư thời gian để tạo ra tiền, tài chính của bạn mới được bảo đảm. Theo Kiyosaki, người giàu không chú trọng lắm đến khoản tiền trả công sau khi hoàn thành công việc; điều mà họ quan tâm nhiều hơn chính là thứ làm ra tiền ngay cả khi họ không có mặt ở đó. Không những tìm kiếm công việc, họ còn mở rộng và tìm kiếm thứ tài sản có thể mang lại cho họ nguồn thu nhập.
Nói cách khác, hãy tìm cách để bắt đồng tiền làm việc trong khi bạn sắm vai ông chủ của nó.
Kiến thức tài chính không bao giờ thừa
Cha giàu có lần nói với Kiyosaki rằng kế toán là một câu chuyện bằng số, và nếu bạn hiểu cũng như biết đọc câu chuyện này thì bạn sẽ có lợi thế vô cùng lớn. Hiểu biết về tài chính cũng quan trọng như biết đọc và biết viết. “Mù chữ, về cả chữ viết và con số, là nền tảng của sự khốn khó, vất vả về tài chính”, Kiyosaki nói.
Có nghĩa là nếu học nấu ăn, bạn sẽ trở thành đầu bếp và nếu bạn học ngành y, công việc của bạn sẽ gắn liền với vai trò bác sĩ hay một bác sĩ chuyên khoa.
Vì khi biết sâu về lĩnh vực của mình, bạn sẽ có giá đối với bất kỳ ai thuê bạn làm việc. Nhưng đừng do dành nhiều thời gian cho việc kiếm tiền và trau dồi bản thân mình mà quên nghĩ cách phát triển độc lập công việc của chính bản thân.
Và yếu tố quan trọng không thể thiếu của nó là kỹ năng tài chính. Hãy bảo đảm kiến thức tài chính không bị bỏ sót trong quá trình học của mỗi người.
Hãy tự kinh doanh
Người nghèo và tầng lớp trung lưu dành hầu hết thời gian và công sức để làm việc cho người khác. Thực tế là nếu tính tất cả số tiền thuế mỗi công dân phải nộp cho Chính phủ, một người Mỹ phải làm việc 6 tháng để đóng thuế.
Bạn đừng nhầm lẫn giữa nghề nghiệp với một doanh nghiệp riêng. Đa số mọi người học tập ở trường và làm việc theo những gì họ được học. Con đường đó không thể giúp bạn giàu có.
Thay vào đó, hãy tập trung vào con đường riêng của bạn, cho phép bản thân thử sức để vươn tới ước mơ riêng.
Theo Zing