Cây xương rồng

31/05/2015 10:06

- Mẹ ơi, tại sao người ta lại làm những chiếc cầu cong mà không phải là thẳng ạ?

- Con hỏi bố con - nhà vật lý tài giỏi kìa!

- Này con gái của bố, lớn lên rồi con sẽ hiểu thôi! Giờ con cứ nghĩ là làm những chiếc cầu cong cho đẹp đấy mà!

- Bố ơi! Sao loài cây xương rồng cũng sống được ở sa mạc nhỉ?

- Con hỏi mẹ con xem!

- Ơ kìa! Có chiếc ô-tô đang hướng về xe mình này bố!... Bố ơi, sao bố lại đẩy con ra?...

Một âm thanh lớn vang lên khô khốc. Chiếc xe máy văng ra. Và mẹ chưa kịp trả lời tôi…

*

Tôi bàng hoàng tỉnh giấc. Những giọt mồ hôi trên trán lăn xuống. Mấy hôm nay, những kỷ niệm cuối cùng về bố mẹ cứ hiện về trong những giấc mơ. Bố mẹ tôi là giáo viên dạy vật lý tại trường cấp 3 của huyện. Họ mất trong một vụ tai nạn giao thông. Khi ấy, tôi 7 tuổi. Sau đó, tôi đến sống cùng ông bà nội.

Năm tôi học lớp 10, tôi mới được học cô Huế nhưng tôi biết cô từ hồi tôi chuyển về sống cùng ông bà nội vì nhà cô ở gần nhà ông bà tôi. Từ ban công phòng tôi có thể nhìn thấy nhà cô. Không ngờ bây giờ cô vừa chủ nhiệm, vừa dạy môn vật lý ở lớp tôi.

Sau những mất mát lớn năm 7 tuổi, tôi trở nên trầm tính và ít nói. Ngồi trong lớp, tôi không nói chuyện với bạn cùng bàn, cũng không mấy khi giơ tay phát biểu. Chỉ nghe giảng và ghi chép. Mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi tôi nhận được bài kiểm tra 15 phút đầu tiên của môn vật lý. Tôi bất ngờ khi mình được 10 điểm và càng bất ngờ hơn với lời phê của cô Huế: “Em có khả năng học tốt môn vật lý. Tự tin và mạnh dạn lên nhé!”. Tôi không biết lớp tôi còn có bao nhiêu bạn được điểm 10 như thế, tôi đã cười thầm suốt quãng đường đi học về.

Những tiết học sau đó, tôi chăm chú nghe giảng và hay phát biểu hơn. Ngồi nghe cô Huế giảng bài, đôi lúc tôi thấy cô nghiêm nghị giống bố tôi, đôi lúc lại hiền dịu giống mẹ tôi. Hình ảnh cô làm tôi vô thức nhớ đến bố mẹ…

*

Một sáng thức dậy, mặc chiếc áo khoác và đẩy nhẹ cửa bước ra ban công, tôi nhìn thấy những thùng bìa các tông được sắp xếp gọn gàng trong căn phòng của cô. Bức ảnh con cô lúc nhỏ, chiếc đèn làm việc màu xanh, những cuốn sách trên giá sách… giờ không còn nữa, để lại một khoảng không trống vắng. Những chậu cây cảnh vẫn còn ở nơi ban công, nhưng trông chúng như đang co mình trước những cơn gió đông lạnh buốt ào tới.

Tiếng trống vang lên, báo hiệu tiết 5 đã đến. Lớp trưởng thông báo: “Bây giờ là tiết vật lý cuối cùng cô Huế dạy. Tuần sau lớp ta sẽ có giáo viên mới dạy thay cô. Tớ đề nghị các bạn chú ý lắng nghe cô giáo giảng bài và hăng hái phát biểu”. Lớp trưởng vừa dứt lời, cô bước vào lớp. Vẫn chiếc cặp màu đen. Vẫn nụ cười trìu mến của cô. Mọi thứ vẫn rất đỗi quen thuộc. Nhưng chỉ cần nghĩ tới lúc tan học, rồi tiết vậy lý tuần sau sẽ có giáo viên mới dạy thay, những điều thân thuộc ấy bỗng chốc chỉ còn là hoài niệm. Tôi giữ cho mình sự bình tĩnh nhất, cố tỏ ra rằng mọi chuyện vẫn ổn. Nhưng trong lòng tôi là nỗi sợ hãi. Tôi sợ lắm khi tiếng trống hết giờ vang lên! Sợ lắm khi cô nói lời chào tạm biệt… Không! Tôi chỉ muốn trốn chạy! Tôi không muốn đối mặt với sự chia ly này…!

“Tùng…tùng…tùng…”. Tiếng trống ròn rã vang lên một cách dứt khoát như đánh mạnh vào trái tim tôi! Mắt tôi bắt đầu nhòe đi khi cô lên tiếng: “Các em ạ! Tuần sau cô sẽ chuyển đến công tác tại một ngôi trường mới. Đây sẽ là tiết cuối cùng cô dạy các em” - cô dừng lại một lúc rồi nói tiếp: “Cô rất vui vì được đi cùng các em trong môn vật lý suốt quãng thời gian qua!”. Cô vẫn cười nhưng khóe mắt cô đã đỏ: “Đã đến lúc cô phải nói lời chào tạm biệt! Rồi tất cả sẽ qua đi thôi! Các em sẽ quen dần với những điều mới mẻ! Cô chúc các em học tập thật tốt!”. Nói rồi cô bước đi. Giây phút ấy, giây phút cô bước xuống bục giảng rồi hướng ra phía cửa lớp, tôi chỉ ước mình có đủ can đảm mà hét to rằng: “Cô ơi, cô ở lại đi cô! Dù chỉ một chút thôi cũng được ạ!”. Nhưng tôi không thể. Tôi chỉ chạy thật nhanh ra hành lang, dõi theo bóng cô xa dần rồi khuất vào dãy nhà hiệu bộ.

Cô là cô giáo của tôi nhưng tôi đã coi cô như một người cha, người mẹ. Và giờ đây, giống như bố mẹ tôi, cô lại đi rồi! Tôi không khóc, chỉ buồn thôi…!

*

Trời vẫn lạnh. Đằng xa, mặt trời bắt đầu chiếu tỏa những tia nắng vàng rực rỡ sau thời gian dài khuất sau một đám mây to. Tôi nhìn theo hướng của ánh nắng nơi ban công nhà mình. Một chậu cây xương rồng! Và đặt giữa những nhánh xương rồng đầy gai là một tấm thiệp. Tôi chạy ào ra! Đây chính là một trong những chậu cây cảnh của cô Huế. Tôi mở thiệp ra xem. Những nét chữ của cô tròn xoe, nắn nót:

“Cô tặng em chậu cây xương rồng này làm kỷ niệm! Này, em có biết vì sao ở sa mạc mà xương rồng vẫn sống được không? Em có biết vì sao người ta lại làm chiếc cầu cong mà không phải là thẳng không??? Hãy tìm câu trả lời từ chính sự cố gắng, nỗ lực của em! Cô tin ở nghị lực của em!!!”.

Có tiếng bước chân của bà! Cánh cửa phòng khẽ mở làm tôi vội gạt đi những giọt nước mắt nơi khóe mắt. Giọng bà ôn tồn:

- Cô Huế có gửi cho con chậu cây xương rồng bà đặt ở ban công đấy, và quyển sách này! Ráng học tập thật tốt, đừng phụ lòng cô nghe con!

- Vâng ạ! - Tôi lí nhí đáp.

Chia ly, mất mát, tổn thương vốn vẫn luôn là một phần tàn nhẫn mà người thầy mang tên “Cuộc sống” đã cho tôi thấy. Nhưng người thầy ấy cùng với những người thầy khác như ông bà tôi, bố mẹ tôi và đặc biệt là cô Huế đã cho bản thân tôi thấy rằng: phải biết vượt qua được những điều như thế, con người ta mới có thể trưởng thành. Trải qua được những điều như thế, con người mới biết tự tin vào bản thân, biết trân trọng những gì mình có. Dù ở sa mạc thì xương rồng vẫn sẽ vươn lên thì hà cớ gì tôi không thể làm được những điều tôi có thể?

VŨ PHƯƠNG THẢO PHƯỢNG (Lớp 10E, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây xương rồng