Những hàng cây xanh ven đường làng, kênh mương, trên đê, thậm chí là tại vườn nhà ngày một phát triển, đem lại giá trị lâu dài, bền vững cho mai sau.
Cây xanh tạo điểm nhấn cho nhiều làng quê trong tỉnh
Những năm qua, việc trồng cây xanh đã trở thành phong trào thiết thực, tạo được sự lan tỏa lớn. Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, trồng cây xanh đã và đang góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo của nhiều làng quê trong tỉnh.
Vài năm nay, hàng cây xanh mướt rủ bóng xuống con đường dẫn vào di tích đình Thạch Lỗi đã trở thành niềm tự hào của người dân xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng). Mọi người ở đây quen gọi là hàng cây quê hương bởi ai cũng cảm nhận được bầu không khí trong lành, yên ả mỗi khi ngước nhìn rặng cây kéo dài, thẳng tắp. Bà Vũ Thị Sam ở thôn Thích Lỗi chia sẻ: “Xã hội phát triển kéo theo ô nhiễm, khói bụi nhiều. Do đó, có được hàng cây này là vô cùng quý giá, giúp mọi người sống khỏe mạnh, thoải mái hơn. Những ngày nắng nóng, hàng cây còn giúp xua tan mệt mỏi cho người dân đi làm đồng".
Theo ông Nguyễn Đắc Gạo, Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi, trước đây một số hộ trong xã đã đấu thầu các diện tích đất là hành lang của đường giao thông, kênh mương thủy lợi để trồng cây. Việc làm này mang lại nhiều lợi ích, vừa tạo môi trường trong lành, vừa giúp các hộ có thêm thu nhập nhưng hàng cây ven đường dẫn vào đình Thạch Lỗi cho giá trị hơn cả vì nó gắn liền với di tích.
Ông Vũ Đình Nhận là một trong những người tạo nên điểm nhấn cho xã Quang Minh (Gia Lộc) khi nhận trồng và chăm sóc hàng cây xanh trên tuyến đường trục chính của xã. Gần 20 năm tận tụy chăm bẵm từng gốc cây bạch đàn, ông Nhận hiểu rõ những khó khăn, vất vả trong việc trông coi những “lá phổi xanh” của xã. Theo ông, không phải cứ trồng xuống, bỏ bẵng một thời gian là cây sẽ lớn. Muốn cây phát triển, ông phải bỏ nhiều công sức dọn sạch cỏ dại, gia cố, buộc nẹp từng gốc cây non để cây không bị gẫy đổ khi có mưa bão. “Vất vả là vậy nhưng với tôi đó là niềm vui. Trồng cây không những đem lại lợi nhuận kinh tế cho cá nhân tôi mà còn giúp ích cho cả cộng đồng”, ông Nhận bày tỏ.
Ngoài trồng cây lấy gỗ, cây phong cảnh, bóng mát, nông dân trong tỉnh còn tích cực trồng cây ăn quả tại vườn nhà. Đã thành thói quen, gần 20 năm nay, năm nào ông Mạc Văn Nhi ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) cũng chuẩn bị vài chục gốc chuối, cành ổi chiết để trồng tại khu chuyển đổi của gia đình mỗi dịp xuân về. Diện tích đất vẫn vậy nhưng ông Nhi chủ động thay thế những cây đã cằn cỗi, sâu bệnh bằng các cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao. Ông hào hứng nói: “Mưa xuân là điều kiện cho cây trồng sinh sôi, phát triển nên không năm nào tôi bỏ qua dịp này để trồng cây. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng làm cho cuộc sống trở nên bí bách, ngột ngạt, những cây ăn quả không chỉ tạo ra thu nhập mà còn giúp môi trường sinh thái trong lành, mọi người sống thoải mái, dễ chịu hơn”.
Nhận thấy giá trị to lớn do cây xanh mang lại, hằng năm tỉnh đều xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Để tránh tình trạng trồng cây vì thành tích trên giấy mà không có lợi ích thực tế, nhiều nơi đã thực hiện những biện pháp thiết thực làm cho việc trồng cây phát huy hiệu quả như trồng tập trung để tiện chăm sóc, bảo vệ, gắn trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân, nâng cao ý thức gìn giữ cây xanh của mọi người. Từ những hành động thiết thực đó, những hàng cây xanh ven đường làng, kênh mương, trên đê, thậm chí là tại vườn nhà ngày một phát triển, đem lại giá trị lâu dài, bền vững cho mai sau.
Năm 2019, toàn tỉnh sẽ trồng 1 triệu cây phân tán, gồm 600.000 cây ăn quả và 400.000 cây lấy gỗ, cây phong cảnh. Những địa phương đi đầu trong trồng cây mùa xuân của tỉnh các năm qua như Thanh Hà, Chí Linh, Kinh Môn … sẽ tiếp tục được giao số lượng trồng cây lớn. Điểm mới trong phong trào trồng cây mùa xuân năm nay là tỉnh khuyến khích các địa phương tập trung phát triển cây ăn quả theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đồng thời chú trọng chăm sóc những cây phong cảnh, bóng mát đã được trồng từ các năm trước, không chạy theo số lượng.
DŨNG CƯỜNG