Cây trồng mới trên đồng ruộng Nam Sách

21/09/2014 03:52

Những năm gần đây trên đồng ruộng Nam Sách đã xuất hiện nhiều cây trồng mới, góp phần xóa ruộng hoang, nâng cao thu nhập cho nông dân.



Gia đình ông Nguyễn Quốc Tuấn ở xã Hồng Phong (Nam Sách) thu vài trăm nghìn đồng
 mỗi ngày từ trồng 1 sào thiên lý


Làm chơi, ăn thật

Cần mẫn chăm sóc giàn thiên lý đang lên xanh tốt, ông Nguyễn Quốc Tuấn ở thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong (Nam Sách) giới thiệu cho chúng tôi về đặc tính của một loại cây mà ông gọi là cây "làm chơi, ăn thật". Ông Tuấn lý giải, sở dĩ ông gọi cây thiên lý với cái tên như vậy là vì trồng cây này nhàn nhưng lại cho thu nhập khá. Ông Tuấn cho biết, trước đây, có mấy người hàng xóm mang cây thiên lý ra trồng ngoài đồng, cứ cách mấy ngày họ lại hái hoa đem bán cho các tiểu thương ở thị trấn Nam Sách. Hỏi ra mới biết, hoa thiên lý không chỉ được trồng để làm cảnh trong nhà mà còn trở thành một loại rau xanh được sử dụng trong các nhà hàng, khách sạn và bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình. Điều bất ngờ hơn là mỗi kg hoa thiên lý bán được 30-40 nghìn đồng. Thấy vậy, ông cũng dành 1 sào ruộng để trồng hoa thiên lý. Nhờ trồng cây này, mỗi ngày ông "bỏ túi" được vài trăm nghìn đồng.

Ở xã Hồng Phong, thiên lý đã trở thành cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông dân. Với đặc tính dễ trồng, lại cho thu hoạch dài ngày nên diện tích trồng thiên lý ở đây ngày càng được mở rộng. Bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Phù Liễn cho biết: "Cây thiên lý khá dễ tính, không tốn công chăm sóc, chỉ cần đầu tư 1 lần có thể cho thu hoạch nhiều năm liên tiếp. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cũng không nhiều. Mỗi tháng có thể thu hoạch từ 5-6 lần, mỗi lần từ 4-5 kg hoa/sào". Theo UBND xã Hồng Phong, 2 năm qua, hoa thiên lý trở thành cây trồng phổ biến ở Hồng Phong. Trước đây, cây này được trồng chủ yếu ở thôn Phù Liễn, nay được nhân rộng ra nhiều thôn trong xã, nhiều gia đình trồng tới 2-3 sào.   

Bén rễ đất Đồng Lạc từ đầu năm 2013, cây gấc cũng đang trở thành cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông dân nơi đây. Khu vực trồng gấc của gia đình anh Nguyễn Trung Vương có diện tích hơn 3 ha nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa của thôn Tháp Phan. Anh Vương cho biết, trước đây cây gấc chủ yếu được trồng ở cạnh bờ rào hoặc cây cối trong vườn nhà để lấy quả đồ xôi. Gần đây có nhiều thương lái thu mua gấc làm dược liệu nên anh đã mạnh dạn xin UBND xã cho thuê lại mảnh đất bỏ hoang ở thôn Tháp Phan để trồng gấc. Vùng đất này thường xuyên thiếu nước, cấy lúa không hiệu quả nhưng lại rất hợp với cây gấc. Sau gần 1 năm trồng và chăm sóc, gấc phát triển tốt, sai quả, ít sâu bệnh. Cuối năm 2013, vụ gấc đầu tiên gia đình anh thu hoạch được 12 tấn quả, với giá 13 triệu đồng/tấn gấc chín, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Thấy anh Vương trồng gấc cho thu nhập cao nên nhiều gia đình ở Đồng Lạc đã chủ động cải tạo đất ruộng cấy lúa không hiệu quả sang trồng cây này. Toàn bộ gấc tươi sẽ được Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương thu mua. Ông Đinh Văn Huynh, cán bộ văn phòng UBND xã Đồng Lạc cho biết: "Hiện nay, ngoài cây gấc, nhiều hộ trong xã còn trồng cây đinh lăng để bán cho các doanh nghiệp chế biến dược liệu. Đây cũng là cây trồng mới được đưa vào trồng thử nghiệm đầu năm 2013. Hiện nay, cây đinh lăng đã ở tuổi 1 - 2, mới chỉ cho thu hoạch cành và lá. 3 năm sau, loại cây này sẽ tiếp tục cho thu hoạch cả phần thân và rễ.  Hiện nay, xã chưa thống kê cụ thể nhưng ước tính cũng có khoảng từ 30-40 hộ trồng đinh lăng và gấc với diện tích gần 10 ha".

Hiện nay, không chỉ gấc, thiên lý, đinh lăng mà nông dân nhiều xã ở Nam Sách như Thanh Quang, Quốc Tuấn... còn trồng mướp đắng, mồng tơi, rau đay, rau ngót, mùi tàu ở An Sơn, Đồng Lạc... Những cây này trước đây chỉ trồng trong vườn nhà nay cũng được đưa ra đồng canh tác với quy mô từ 1-2 ha.

Góp phần xóa ruộng hoang

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, nhờ đưa những cây trồng mới vào đồng ruộng mà diện tích đất bỏ hoang của huyện giảm đáng kể. Vụ mùa năm 2013, huyện có khoảng 3 ha đất nông nghiệp bỏ hoang thì vụ này chỉ còn vài sào. Nhiều xã đã chủ động hướng dẫn nông dân chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những cây khác để nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang. Theo kỹ sư Trần Thị Liên, Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách, thời gian gần đây, trên đồng ruộng Nam Sách xuất hiện nhiều cây trồng mới do cấy lúa ở những vùng này gặp nhiều khó khăn như: thường xuyên thiếu nước, đất đai cằn cỗi hoặc bị chuột phá hoại. Chẳng hạn, cây mùi tàu hiện đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ thôn Quan Sơn (xã An Sơn) do vùng đất này khó khăn về nguồn nước. Cây thiên lý được trồng trên đất vừa thiếu nước vừa kém màu mỡ ở nhiều thôn của xã Hồng Phong... Chị Đào Thị Làn, cán bộ phụ trách trồng trọt của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Sách khẳng định, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã vào cuộc giúp nông dân phát triển cây trồng mới như: Công ty CP Bến Thành, Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương. Các doanh nghiệp đã chủ động thu mua nông sản nên nông dân có đầu ra ổn định. Thời gian tới, Nam Sách tiếp tục quan tâm phát triển cây trồng mới nhưng sẽ quy hoạch vùng sản xuất cụ thể, không để nông dân trồng tràn lan, theo phong trào. Ngoài ra, huyện cũng sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp nông dân duy trì và nhân rộng những mô hình cây mới cho hiệu quả kinh tế cao.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây trồng mới trên đồng ruộng Nam Sách