Mấy năm gần đây, cây ổi lê đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân xã Đồng Cẩm (huyện Kim Thành, Hải Dương).
Cây ổi lê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân địa phương
Từ chỗ chỉ vài hộ trồng với diện tích khoảng 5 mẫu, đến nay cây ổi lê đã được người dân xã Đồng Cẩm (huyện Kim Thành) nhân rộng ra diện tích trên 20 ha và đang trở thành cây trồng cho giá trị kinh tế khá cao.
Nhiều ưu điểm
Anh Nguyễn Đức Hải (ở thôn Đồng Xá Nam) là người đầu tiên đưa cây ổi lê về trồng trên đất Đồng Cẩm. Khoảng 5 năm trước, anh Hải lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tìm hiểu về một số giống cây trồng. Sau khi tham khảo, nhận thấy cây ổi lê Đài Loan cho quả thơm ngon, năng suất khá cao, anh đã mua giống về trồng thử nghiệm hơn 1 sào vườn nhà. Sau gần 1 năm, cây cho lứa quả đầu tiên. Quả thơm, giòn, ngon hơn các giống ổi truyền thống đang được trồng ở một số địa phương, thị trường tiêu thụ rất thuận lợi. Sau đó, anh Hải đã đầu tư thêm cây giống, mở rộng diện tích lên hơn 3 sào. Theo anh Hải, trồng ổi lê phải đầu tư ít, không tốn nhiều công chăm sóc. Cây trồng một lần cho khai thác từ 5 - 6 năm mới phải thay cây mới. Trung bình mỗi sào trồng từ 40 - 45 cây. Bình quân mỗi năm, mỗi cây cho thu hoạch từ 40 - 50 kg quả. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 18 triệu đồng/sào/năm.
Nhanh tay hái những quả ổi vàng ươm, căng bóng để kịp cho thương lái đến thu mua, bà Nguyễn Thị Tuyết (ở thôn Đồng Xá Nam) cho biết ổi lê năm nay tiêu thụ thuận lợi. Thời điểm này, thương lái thu mua với giá trung bình 10.000 đồng/kg. Hiện gia đình bà trồng hơn 1 mẫu ổi, mỗi ngày thu hoạch khoảng 5 tạ. “Ban đầu gia đình tôi chỉ có 3 sào, đến nay trồng trên 1 mẫu”, bà Tuyết nói. Với diện tích trồng ổi trên, trung bình mỗi năm gia đình bà Tuyết thu lãi từ 150 - 170 triệu đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết có hơn 1 mẫu ổi lê, trung bình mỗi năm thu lãi từ 150 - 170 triệu đồng
Xây dựng thương hiệu
Bà Lương Thị Tân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Xá Nam cũng là người trồng ổi lê trong thôn cho biết từ chỗ chỉ có một vài hộ trồng, đến nay toàn thôn đã có gần 200 hộ trồng trên 20 ha ổi lê. Toàn bộ diện tích trồng ổi lê này trước đây là vũng đất trũng, chủ yếu cấy lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Bà Tân cho biết thêm muốn cây ổi lê phân bố cành đều đặn, sau khi trồng 4 -5 tháng phải tỉa ngọn, cắt bớt cành, khống chế chiều cao để tiện chăm sóc, thu hoạch. Vào mùa khô nên tưới nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm, bón các loại đạm, kali, lân... Khi ổi cho thu hoạch, sau mỗi đợt hái quả tiếp tục cắt tỉa cành, bón phân, chăm sóc để ổi cho sản lượng và chất lượng cao nhất. Ổi lê Đồng Xá Nam hiện đang tiêu thụ tại các thị trường Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội.
Ông Đồng Minh Hiến, Chủ tịch UBND xã Đồng Cẩm cho biết năm nay xã đang triển khai tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) cho ổi lê. Xã chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Gia hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 6.2023, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Gia và Hội Nông dân xã cũng đã hướng dẫn bà con trồng ổi thành lập mô hình “Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ ổi lê an toàn Đồng Cẩm”. Đầu tháng 8 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh tổ chức trao tem truy xuất nguồn gốc, túi đựng sản phẩm ổi lê cho các thành viên Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ ổi lê an toàn Đồng Cẩm. Đây là nông sản đầu tiên của huyện Kim Thành được dán tem truy xuất nguồn gốc. “Đó là những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng OCOP cho ổi lê Đồng Cẩm, tiến tới xây dựng nhãn hiệu ổi lê Đồng Cẩm. Điều này góp phần nâng cao vị thế của ổi lê Đồng Cẩm nói riêng và của huyện Kim Thành nói chung", ông Hiến nói.
TRƯƠNG HÀ