Cây mùi tàu An Sơn lên ngôi

21/10/2011 07:09

Sau một năm trồng và thu hoạch, cây mùi tàu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện một sào mùi tàu cho thu nhập 25 triệu đồng/năm, cao gấp 4 lần trồng lúa.



Mỗi sào mùi tàu cho thu nhập 25 triệu đồng/năm, cao gấp 4 lần cấy lúa


Từ năm 2006 đến nay, nông dân xã An Sơn (Nam Sách) đưa cây mùi tàu vào gieo trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Sỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết: Năm 2006, một số hộ  nông dân trong xã trồng thử nghiệm cây mùi tàu với diện tích 7-8 sào. Sau một năm trồng và thu hoạch, cây mùi tàu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay đã có nhiều gia đình trồng cây mùi tàu thay thế cây lúa và một số cây trồng năng suất thấp với diện tích gần 8 ha.

Xã An Sơn hiện có 5 thôn: Quan Sơn, Cõi, An Giới, Hương Sơn, Nhuế Sơn, thôn nào cũng trồng cây mùi tàu nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn Quan Sơn với hơn 50 hộ. Hộ trồng nhiều khoảng 1 mẫu, hộ ít nhất cũng gần 1 sào. Nhiều hộ đi thuê thêm đất để trồng mùi tàu. Nhờ vậy, kinh tế nhiều gia đình khá lên nhờ trồng mùi tàu. Hiện một sào mùi tàu cho thu nhập 25 triệu đồng/năm, cao gấp 4 lần trồng lúa.

Trên cánh đồng thôn Quan Sơn, bà Nguyễn Thị Gấm đang thu hoạch mùi tàu, phấn khởi: "Gia đình tôi có gần một mẫu ruộng, trước kia chủ yếu là cấy lúa. Từ năm 2010, tôi đã chuyển 6 sào sang trồng mùi tàu. Sau 5 tháng trồng thì mùi tàu cho thu hoạch. Mỗi lần bóc tách mùi tàu để bán cách nhau từ 25-30 ngày. Mùi tàu cho thu hoạch khoảng từ 7-8 lứa/năm, mỗi lứa 3-4 tạ/sào. Với giá bán trung bình 10 nghìn đồng/kg, mỗi lứa tôi thu gần 4 triệu đồng/sào. Trừ chi phí, tôi lãi gần 100 triệu đồng từ 6 sào mùi tàu/năm". 

Ưu điểm của trồng mùi tàu là vốn đầu tư, công chăm sóc ít, cho thu hoạch nhiều lần trong năm và cho giá trị kinh tế cao. Vòng đời của cây mùi tàu khoảng một năm rưỡi.

Trồng mùi tàu rất thích hợp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông thôn hiện nay, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo công ăn việc làm cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân xã An Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thị trường tiêu thụ. Hiện chưa có doanh nghiệp, công ty nào đứng ra thu mua sản phẩm, nông dân chủ yếu “tự sản, tự tiêu”, cho nên giá cả bấp bênh, không ổn định. Chính quyền và bà con nông dân trong xã mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp đứng ra tiêu thụ rau mùi tàu cho nông dân. Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh, của huyện quan tâm hướng dẫn kỹ thuật để việc trồng mùi tàu đạt hiệu quả cao nhất trên một đơn vị diện tích.

NGUYỄN THỊ THUẬN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây mùi tàu An Sơn lên ngôi