Nếu mô hình này thử nghiệm thành công trên diện rộng sẽ giúp nông dân giảm chi phí về sức kéo đồng thời tăng năng suất lúa...
Tham quan mô hình cấy lúa không làm đất ở thôn Du Tái, xã Tiền Tiến (Thanh Hà)
Vụ mùa 2011, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà phối hợp với Công ty Syngenta xây dựng mô hình cấy lúa theo phương pháp không làm đất. Mô hình được thực hiện trên diện tích 1 sào lúa Q5 của gia đình ông Nguyễn Văn Đáo ở thôn Du Tái, xã Tiền Tiến.
Về cơ bản, cấy lúa theo phương pháp không làm đất dựa theo truyền thống canh tác của người dân địa phương. Thu hoạch lúa mùa xong, thay vì làm đất như mọi năm, ông Đáo phun thuốc trừ cỏ Gramoxone 20 SL vào các gốc rạ trước khi cấy 3-5 ngày. Sử dụng mạ sân để tăng sức sống cho mạ sau khi cấy; cấy theo kỹ thuật cấy nền cứng, đặt dảnh mạ vào giữa hai hàng rạ của vụ trước. Sau khi cấy, lúa được chăm sóc theo phương pháp truyền thống. Ông Đáo chia sẻ: “Lúc mới cấy xong, do mạ chỉ được đặt trên mặt ruộng nên cây ngả nghiêng, tôi rất lo lắng. Nhưng chỉ sau 1 tuần, cây bắt đầu bén rễ, dần đứng thẳng, tươi tốt. Lúa hấp thụ các chất dinh dưỡng do gốc rạ phân hủy cùng với phân bón trên mặt ruộng nên phát triển nhanh, lúa cứng cây, to dảnh, kháng sâu bệnh tốt”. Hiện ruộng lúa của ông Đáo cho thu hoạch, năng suất đạt 2,3-2,4 tạ/sào, cao hơn ruộng cấy theo phương pháp truyền thống khoảng 30 kg/sào.
Thực tế sản xuất vụ mùa, do ảnh hưởng của thời tiết, thời vụ cập rập, bà con làm đất khi gốc rạ chưa kịp phân hủy nên nhiều diện tích lúa bị nghẹt rễ. Sử dụng thuốc Gramoxone, gốc rạ phân hủy nhanh, đồng thời trừ được các loại cỏ dại, mầm bệnh gây hại cho lúa. Thời vụ cũng được rút ngắn, vì không phải làm đất nên chỉ trên dưới 10 ngày sau khi thu hoạch, cây mạ đã ra ruộng. Bên cạnh đó, tiết kiệm được 150-160 nghìn đồng/sào tiền công làm đất, giảm thiểu công lao động, nước tưới. Ông Ngô Bá Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết: "Huyện có gần 4.000 ha cấy lúa, vào những thời điểm chuyển vụ rất khó khăn trong khâu làm đất do thiếu lao động, sức kéo. Nếu cấy lúa theo phương pháp không làm đất chỉ khoảng 50% diện tích, mỗi vụ người dân trong huyện tiết kiệm được khoảng 10 tỷ đồng công làm đất".
Tuy nhiên, theo phương pháp thâm canh truyền thống, làm đất là khâu quan trọng giúp điều hòa chất dinh dưỡng, làm cho đất thoáng khí, tạo điều kiện cải tạo hệ vi sinh vật trong đất. Vì vậy, phương pháp này cần được thử nghiệm trên nhiều diện tích để làm rõ hệ số chặt đất, rửa trôi. Thử nghiệm trên nhiều chân ruộng để thấy rõ hiệu quả, góp phần định hướng cho người dân, nhất là những địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông.
HỒNG HẠNH