Thời gian gần đây, một số nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đưa cây dưa lưới vào đồng ruộng và thu được giá trị kinh tế cao từ giống mới này.
Nông dân xã Long Xuyên (Kinh Môn) thu lãi cao nhờ cây dưa lưới
Lãi lớn
Trước kia, thu nhập của gia đình anh Lê Văn Dũng ở thôn Duẩn Khê, xã Long Xuyên (Kinh Môn) chỉ trông vào hơn 3 sào ruộng trồng các loại rau màu truyền thống như cải bắp, su hào, su lơ.
Vì lợi nhuận không cao nên sau khi tìm hiểu về mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, anh đã đầu tư xây dựng 1.200 m2 nhà màng vào cuối năm 2017. Mặc dù điều kiện canh tác mới nhưng cũng không giúp anh nâng cao hiệu quả của cây trồng cũ.
Thất bại bước đầu đã thôi thúc anh tìm loại cây phù hợp hơn. Qua giới thiệu, anh Dũng liên kết với một doanh nghiệp ở Cẩm Giàng để trồng dưa lưới. Công ty cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và cam kết thu mua toàn bộ sản lượng.
Anh Dũng phấn khởi nói: "Mới đầu tôi cũng lo lắng vì chưa có kinh nghiệm trồng giống dưa này nhưng kết quả thu về làm tôi rất bất ngờ".
Được doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật nên anh không gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Năng suất dưa lưới đạt 0,9-1,2 tạ/sào với giá bán ổn định từ 35.000-37.000 đồng/kg, mỗi vụ anh thu lãi hơn 20 triệu đồng/sào, gấp từ 6-7 lần so với trồng rau màu.
Không chỉ có nhà anh Dũng mà nhiều hộ khác ở xã Long Xuyên và các xã trong huyện Kinh Môn như Hiến Thành, An Sinh, Thất Hùng cũng học hỏi, áp dụng mô hình này.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tám ở thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ (Kim Thành) cũng đổi đời nhờ cây dưa lưới. Dù là cây trồng mới song ông Tám không quá vất vả để thành thạo các kỹ thuật chăm sóc.
Theo ông Tám, dưa lưới là loại cây nhập ngoại, chưa thích nghi với điều kiện sản xuất tại địa phương nên trồng trong nhà màng, nhà lưới là phù hợp nhất. Tuy kinh phí đầu tư lớn (khoảng 600 triệu đồng) nhưng do dưa lưới cho hiệu quả cao nên nhanh thu hồi vốn.
Mặt khác, người dân không phải lo về đầu ra sản phẩm vì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu. Mới trồng 3.000 m2 dưa lưới được 2 năm song gia đình ông Tám đã thu lãi hơn 350 triệu đồng/năm.
Cân nhắc khi mở rộng
Tuy chưa có thống kê đầy đủ về diện tích trồng dưa lưới trong toàn tỉnh nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đa số diện tích nhà màng, nhà lưới đều được sử dụng để trồng dưa lưới. Do mang lại giá trị kinh tế lớn nên nhu cầu xây dựng nhà màng, nhà lưới của nông dân tăng cao.
Năm 2017, tổng diện tích nhà màng, nhà lưới nông dân đăng ký nhận hỗ trợ là 100.000 m2, năm 2018 đã tăng lên 300.000 m2. Dù vậy, người dân cần phải cân nhắc, thận trọng khi đầu tư mở rộng giống cây trồng mới này vì bên cạnh hiệu quả vẫn còn không ít rủi ro.
Không phủ nhận lợi nhuận từ cây dưa lưới đem lại nhưng mới trồng được 2 năm, anh Nguyễn Văn Nam ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) đã phải chuyển sang trồng loại cây khác. Theo anh Nam, dưa lưới là giống cây khó tính, mẫn cảm với thời tiết nên dù đã trồng trong nhà màng vẫn phải kiểm soát tốt các khâu. Gia đình anh đã mất trắng 2 vụ vì lơ là trong sản xuất.
Anh Nam thừa nhận: "Thấy dưa bán được giá, tôi chủ quan không liên kết với doanh nghiệp nên khi xảy ra sự cố, tôi phải chịu toàn bộ thiệt hại. Dưa lưới cho lãi cao nhưng đầu tư tốn kém. Nếu sản xuất thuận lợi thì nhanh lấy lại vốn, còn không sẽ thua lỗ lớn. Từ khi trồng dưa lưới, anh Nam đã lỗ hơn 100 triệu đồng".
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình trồng dưa lưới cho kết quả khả quan.
Đây là giống cây đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao nên hầu hết nông dân đều liên kết với doanh nghiệp để hạn chế thấp nhất rủi ro. Sở khuyến khích nhân rộng các mô hình trồng dưa lưới có liên kết bao tiêu, khuyến cáo nông dân không nên trồng theo phong trào để tránh tình trạng cung vượt cầu. Mặt khác, người dân cần thay đổi tư duy, không vì lợi ích trước mắt mà phá bỏ liên kết, làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
PV