Cây đàn của "hoàng tử tạo phản" thời Minh

21/07/2023 06:54

Cây đàn của Chu Quyền, hoàng tử từng tham gia lật ngôi vua thời Minh, gây chú ý khi xuất hiện trên thị trường đấu giá.

Theo The Value, tại phiên do hãng Poly tổ chức ở Bắc Kinh, hôm 6.7, cổ cầm của Chu Quyền được gõ búa ở mức xấp xỉ 42 triệu nhân dân tệ (5,9 triệu USD), mức khởi điểm là 8 triệu nhân dân tệ.

Đây là cây đàn duy nhất do Chu Quyền (1378-1448) chế tác còn được lưu giữ trên thế giới. Tác phẩm từng thuộc sở hữu của dòng họ Cố Mai Canh - gia tộc nổi tiếng về âm nhạc ở Trung Quốc.

Đàn gỗ được đặt tên Phi bạo liên châu, chiều dài 118 cm, ngang 20 cm. Sau khi tu sửa, đàn vẫn sử dụng được. Trước khi gõ búa, hãng đấu giá mời nghệ nhân biểu diễn cùng nhạc cụ.

Hình dáng cổ cầm được Chu Quyền cải tiến từ nhạc cụ có nguồn gốc thời Tùy. Tên Phi bạo liên châu mang ý nghĩa tiếng đàn như châu ngọc tuôn rơi. Trước tác phẩm được đấu giá lần này, một số cổ cầm được bán với giá cao. Kỷ lục đàn cổ đắt nhất Trung Quốc được xác lập năm 2010, là tác phẩm do vua Tống Huy Tông chế tạo, Càn Long đề chữ, có giá gần 140 triệu nhân dân tệ (19,6 triệu USD).

Phi bạo liên châu gắn liền chuyện đời của hoàng tử tài hoa thời Minh. Chu Quyền là con thứ 17 của hoàng đế khai quốc Chu Nguyên Chương. Sau khi lên ngôi, Chu Nguyên Chương phong hơn 20 hoàng tử làm thân vương chốt ở các vùng, nhằm củng cố vương triều họ Chu. Trong đó, Chu Quyền được phong làm Ninh Hiến Vương, hoàng tử thứ tư Chu Đệ được phong làm Yến Vương.


Cây đàn do Chu Quyền chế tạo

Chu Nguyên Chương chọn con trưởng - Chu Tiêu - làm thái tử nhưng Chu Tiêu chết sớm. Vì thế, con trai của Chu Tiêu là Chu Doãn Văn lên ngôi vua, hiệu Kiến Văn Đế.

Lo sợ các chú tạo phản khi nắm giữ binh quyền, Kiến Văn Đế bèn phế truất tước vị của một số thân vương. Hành động này khiến những thân vương còn lại cảnh giác, đối phó Kiến Văn Đế. Người đầu tiên khởi binh mưu phản là Yến Vương. Trong cuộc chiến giữa Kiến Văn Đế và Yến Vương, Chu Quyền trở thành "quân át chủ bài" có thể làm thay đổi cục diện, vì sở hữu lượng binh lính hùng mạnh.

Kiến Văn Đế sợ Chu Quyền hợp tác với Yến Vương, bèn triệu ông về kinh thành diện kiến. Chu Quyền lo ngại về kinh sẽ bị truất vương vị, vì thế chống lệnh của vua. Bấy giờ, thấy cục diện chưa sáng tỏ, ông giữ vị trí trung lập, chưa chủ động theo phe của ai.

Tuy nhiên, trúng kế sách của Yến Vương, cuối cùng Chu Quyền gia nhập đội quân của anh trai. Theo sách Minh sử, Yến Vương hứa sau khi đại sự thành công, ông và Chu Quyền sẽ cùng làm chủ thiên hạ.

Yến Vương đoạt vị, đăng cơ hoàng đế, hiệu Vĩnh Lạc. Không muốn lặp lại sai lầm của người cháu Kiến Văn Đế, Vĩnh Lạc tăng cường tập trung quyền lực, ông tước bỏ quyền lực của Chu Quyền, kiểm soát em trai.

Biết anh trai nghi ngờ bản thân, Chu Quyền thu mình, ngày ngày làm bạn với đàn, sách để bảo toàn tính mạng. Ông đặt các biệt hiệu mới cho bản thân, như Cù Tiên, Vân Yểm đạo nhân, để biểu đạt vương gia nắm giữ đội quân hùng mạnh hiện chỉ đặt tình cảm vào mây, hạc, nghệ thuật.

Sau khi từ bỏ các mưu đồ chính trị, Chu Quyền viết sử, viết kịch, nghiên cứu âm nhạc, trà đạo, Đạo giáo, nông nghiệp, y học. Hoàng tử say mê cổ cầm, biên soạn các cuốn sách như Thần kỳ mật phổ, Thái hòa chính âm phổ. Trong đó Thần kỳ mật phổ là một trong cuốn nhạc phổ lâu đời nhất còn được lưu giữ của Trung Quốc.

Cuối đời, Chu Quyền không gặp mối họa lớn nào, ông qua đời năm 1488, thọ 70 tuổi. Các cuốn sách của ông giữ vị trí quan trọng trong nghiên cứu nghệ thuật, trong đó tác phẩm Trà phổ do hoàng tử biên soạn có giá trị lớn với văn hóa trà Trung Quốc.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây đàn của "hoàng tử tạo phản" thời Minh
    ss