Cây chanh dây trên đồi núi Ðác Nông

16/03/2010 07:00

Hai năm trở lại đây, nhiều nông dân ở Ðác Nông đưa cây chanh dây (còngọi là cây lạc tiên, cây mác mác...) vào trồng, bước đầu mang lại hiệuquả kinh tế cao, bình quân mỗi ha thu nhập 400 triệu đồng đến 500 triệuđồng/năm.

Ông Tạ Văn Mạnh, xã Nam Bình,
huyện Đác Rlấp phun thuốc phòng
trừ sâu bệnh cho vườn chanh dây

 Mặc dù đây là một cây trồng mới, đang được ngành nông nghiệptỉnh cấp phép trồng thử nghiệm, nhưng do hiệu quả kinh tế cao cho nênnhiều người đua nhau trồng, đưa diện tích cây chanh dây lên tới hàngtrăm ha và tiếp tục tăng lên bỏ qua những khuyến cáo của ngành nôngnghiệp.


Cây trồng "siêu lợi nhuận"


Trong hàng trăm hộ trồng chanh dây ở Ðác Nông thì ông Vũ Xuân Nhật, ở bon N'jiêng, xã Ðác Nia, thị xã Gia Nghĩa là một trong những người đầu tư khá táo bạo. Bên giàn cây chanh dây xanh ngắt và trĩu quả, ông Nhật kể: "Giữa năm 2008, trong một lần sang thăm người quen tại TP Ðà Lạt, tôi được giới thiệu về cây chanh dây này, thấy hiệu quả kinh tế quá cao nên cũng mua một ít giống chanh dây về trồng. Ban đầu chỉ trồng năm sào, đầu tư hết 20 triệu đồng, gồm mua giống, dây kẽm và trụ để làm giàn. Chỉ sau bốn tháng, cây sinh trưởng nhanh và cho năng suất bình quân mỗi tháng năm tấn quả, bán được từ 25 đến 30 triệu đồng. Chỉ mấy tháng cuối năm 2009, tôi đã thu về được hơn 150 triệu đồng. Nhận thấy cây chanh dây phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở đây,vừa qua, tôi đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng thêm hai ha chanh dây nữa, hiện nay cây sinh trưởng rất tốt và chuẩn bị cho thu hoạch". Không chỉ trồng chanh dây, gia đình ông Nhật còn mở điểm thu mua chanh dây của nông dân trong xã để cung cấp cho các công ty chế biến nước giải khát ngoài tỉnh. Từ mô hình trang trại chanh dây của gia đình ông Nhật, nhiều nông dân trong xã Ðác Nia đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm, rồi vay vốn đầu tư trồng chanh dây, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.


Chủ tịch UBND xã Ðác Nia, Phan Xuân Luyến cho biết: "Mặc dù là một loại cây trồng mới, ngành nông nghiệp chỉ mới cho phép trồng thử nghiệm nhưng do hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều nông dân xác định chanh dây là cây xóa đói, giảm nghèo nhanh và hiệu quả nhất hiện nay. Mỗi hộ dân chỉ cần trồng vài sào là đã có một nguồn thu nhập khá. Chỉ sau một năm đưa vào trồng, đến nay, Ðác Nia đã có 30 hộ trồng 60 ha chanh dây, trong đó gần 40 ha đã cho thu hoạch, dự kiến năm nay, diện tích trồng chanh dây có thể tăng gấp hai, ba lần. Chính quyền xã cũng đã liên hệ các công ty bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ về giống và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất...". Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này, chính gia đình đồng chí Phó Bí thư Ðảng ủy xã Ðác Nia, Phạm Nghĩa Tuấn cũng đầu tư hơn 300 triệu đồng trồng một ha chanh dây và xây dựng kho lạnh với quy mô chứa gần 30 tấn để sơ chế sản phẩm, thu mua quả chanh dây cho nhân dân, làm "cầu nối" cung cấp sản phẩm cho các công ty chế biến nước giải khát.

Huyện vùng sâu Krông Nô, tại xã Ðác Drô, ông Bùi Ðức Hóa là một trong những người đầu tiên trồng chanh dây, hiện có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cho biết: "Gia đình tôi có sáu sào đất, trước đây chủ yếu trồng điều, sắn nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Nghe bạn bè giới thiệu, tôi đã tìm đến các vườn chanh dây, gặp chủ vườn để tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, đào hố, bón phân, bắc giàn và phòng ngừa sâu bệnh... Sau đó về tôi chuyển toàn bộ diện tích sang trồng chanh dây. Với số vốn tích lũy được, tôi vay ngân hàng thêm 20 triệu đồng để đầu tư ban đầu. Chỉ sau một năm, sáu sào chanh dây cho thu nhập mỗi tháng từ 20 đến 25 triệu đồng". Theo lời ông Hóa, thì hiện nay nhiều nông dân trong xã, trong huyện đã đầu tư trồng chanh dây, cho dù họ "mù tịt" về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như thị trường "đầu ra" của quả chanh dây.



Gia đình ông Vũ Xuân Nhật, Bon N'jiêng, xã Đác Nia,
thị xã Gia Nghĩa, ngoài trồng chanh dây
còn mở đại lý thu mua quả chanh dây.


Ðác R'lấp là huyện có phong trào trồng cây chanh dây mạnh nhất Ðác Nông, đến cuối năm 2009, toàn huyện trồng 80 ha chanh dây, trong đó riêng xã vùng sâu Ðác Sin có 150 hộ trồng 70 ha. Ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 10, xã Ðác Sin, chỉ sau một năm trồng chanh dây đã giàu lên nhanh chóng. Ðến thăm trang trại của ông Hùng, đập vào mắt chúng tôi là vườn chanh dây rộng một ha, xanh tốt, thân thả dài từ giàn xuống sát đất trĩu quả. Ông Hùng hồ hởi nói: "Ngày nào cũng có trái chín, gia đình phải bám vườn liên tục. Bình quân mỗi tháng cũng thu được 10 tấn trái và với giá bán như hiện nay là 6.000 đồng/kg thì tôi chưa thấy cây trồng nào có hiệu quả cao như vậy". Theo ông Hùng thì qua thực tế sản xuất, vốn đầu tư ban đầu cho mỗi ha chanh dây khoảng 40 triệu đồng, nhưng nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau vài tháng thu hoạch đã thu hồi vốn. Hiện tại gia đình đã chuẩn bị cây giống, dây thép, cọc để trồng thêm một ha chanh dây nữa vào mùa mưa năm sau". Khi chúng tôi hỏi học kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh ở đâu? Ông Hùng cười rồi nói: "Chủ yếu là kinh nghiệm của mình thôi chú ơi! Ðây là loại cây trồng mới, chưa được phép trồng rộng rãi nhưng thấy hiệu quả kinh tế cao nên mua về vừa trồng vừa tích lũy kinh nghiệm".


Cũng vì là loại cây trồng "siêu lợi nhuận" nên gia đình ông Tạ Văn Mạnh ở xã Nam Bình, huyện Ðác R'lấp đã chuyển toàn bộ bốn ha tiêu bị sâu bệnh sang trồng cây chanh dây. Giải thích với chúng tôi về sự mạo hiểm của mình, ông cho biết: Chanh dây là một loại quả hiện đang tiêu thụ mạnh trên thị trường, có lúc giá lên 7.000 đồng/kg mà không có bán. Trồng loại cây này lãi tương đối cao. Thời gian phát triển của cây chanh dây tương đối ngắn nhưng năng suất lại rất cao. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm một ha có thể thu hoạch 100 tấn quả tươi, chỉ cần tính giá 3.000 đồng/kg cũng cho thu về 300 triệu đồng, gấp hơn năm lần so với trồng cà-phê, tiêu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ðác R'lấp Nguyễn Ðắc Nhơn, vừa cùng đoàn cán bộ của huyện lặn lội xuống tận các tỉnh Tây Nam Bộ để tìm hiểu về cây chanh dây trở về cho biết: "Hiện ở tỉnh Long An đã có nhà máy chế biến quả chanh dây với công suất lớn. Lãnh đạo nhà máy cho biết, nếu địa phương trồng đạt diện tích chanh dây khoảng 500 ha thì họ sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất ngay tại chỗ. Tuy nhiên, đây là một loại cây trồng mới, hiệu quả kinh tế bước đầu khá cao, nhưng chúng tôi cũng như người dân chưa am hiểu về kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh, vì vậy huyện đang chờ hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển cây chanh dây".


Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, nhiều nông dân ở các huyện như Ðác Song, Ðác Min, Ðác R'lấp, Ðác Glong Cư Giút, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Ðác Nông đã đầu tư trồng hàng trăm ha cây chanh dây. Chỉ riêng HTX Nông, lâm nghiệp, Thương mại và Du lịch Tia Sáng ở xã Nam Dong, huyện Cư Giút đến nay đã trồng 120 ha cây chanh dây, trong đó có 40 ha đã cho thu hoạch với năng suất trung bình từ 80 đến 90 tấn/ha/năm, cá biệt, có những xã viên chăm sóc tốt đạt khoảng 120 đến 130 tấn/ha/năm. Chủ nhiệm HTX, Phạm Hương Quê, cho biết: "Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chanh dây lên 200 ha và có thể cao hơn khi điều kiện thuận lợi".


Nhiều vườn chanh dây ở huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông
đạt năng suất từ 120 đến 130 tấn/ha/năm.


Cẩn trọng khi mở rộng diện tích


Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðác Nông, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 ha chanh dây. Trên thực tế, diện tích còn cao hơn nhiều lần do chưa thống kê được các hộ trồng nhỏ lẻ và có xu hướng tăng nhanh trong những năm tới. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðác Nông, Nguyễn Ðức Luyện khẳng định: Ðến nay, Sở chỉ mới cho phép HTX Nông lâm nghiệp, Thương mại và Du lịch Tia Sáng trồng khoảng 180 ha. Do đây là cây trồng mới, nên cần phải trồng thí điểm ba đến bốn năm để tìm hiểu. Hiện ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh cũng như "đầu ra" của cây trồng này và khuyến cáo người nông dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt vì ngành nông nghiệp vẫn chưa nắm hết kỹ thuật gieo trồng, tình hình dịch bệnh cũng như thị trường "đầu ra" của loại cây trồng này. Do trồng cây chanh dây có lãi cao nên nhiều hộ nông dân đã tự động mua giống về trồng, mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Ðầu tư như vậy rất mạo hiểm, vì giá cả trên thị trường luôn lên, xuống thất thường. Mặt khác, nếu không nắm vững kỹ thuật thì sẽ dẫn đến cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công, kéo theo chi phí đầu tư lớn mà năng suất lại không cao. Vì vậy, dù là cây trồng siêu lợi nhuận, nhưng người nông dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng cây chanh dây.


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mặc dù hiện nay nông dân ở nhiều địa phương như: Lâm Ðồng, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Cần Thơ và một số tỉnh phía bắc đã trồng cây chanh dây. Chỉ riêng tỉnh Lâm Ðồng, nông dân đã trồng hơn 500 ha chanh dây, nhưng có thời gian, hàng trăm ha nhiễm bệnh, làm hàng trăm hộ dân điêu đứng. Nhiều vườn cây chanh dây đang phát triển tốt bỗng nhiên bị nhiễm bệnh như: nhện đỏ, bọ xít, rệp, phấn trắng, nấm rễ, nấm trái, quăn đọt... khiến trái chanh dây bị héo úa, rơi rụng dẫn đến năng suất giảm chỉ bằng một phần tư so với mọi năm, cho thu nhập thực tế chỉ khoảng 20 đến 25 triệu đồng/ha; trong khi đó, mỗi năm chi phí cho một ha chanh dây lên đến 40 triệu đồng. Do chưa nắm được kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, nhiều hộ nông dân đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng không mang lại hiệu quả. Nhiều người lại chặt phá chanh dây để trồng các loại cây khác. Bên cạnh đó, "đầu ra" của cây chanh dây hiện nay vẫn hết sức bấp bênh, chủ yếu được các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua. Nếu với đà phát triển như hiện nay thì trong một vài năm tới, khi diện tích cây chanh dây tăng mạnh, sản lượng nhiều, trong khi đó trên địa bàn tỉnh Ðác Nông chưa có nhà máy chế biến nước chanh dây thì vấn đề "khủng hoảng thừa", rớt giá là điều khó tránh khỏi, điệp khúc "trồng - chặt, chặt - trồng" lại xảy ra. Vì vậy, khi tỉnh chưa có chương trình, quy hoạch trồng loại cây này, các cấp, các ngành trong tỉnh cần có biện pháp hạn chế nông dân trồng cây chanh dây ồ ạt để giảm thiểu rủi ro.

(Theo Nhân dân)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây chanh dây trên đồi núi Ðác Nông