Nhà văn Nguyễn Hải Yến ở thị trấn Gia Lộc mới ghi dấu ấn trên văn đàn Việt Nam khi tập truyện ngắn “Quán thủy thần” là 1 trong 8 tác phẩm xuất sắc được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học năm 2019.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến và tập truyện ngắn "Quán thủy thần"
Cách nhìn mới mẻ về đời sống người nông dân
Tập truyện ngắn “Quán thủy thần” gồm 10 truyện, 200 trang do Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019, xuất bản lần đầu 1.000 cuốn. Lượng sách sau khi ấn hành đã bán hết trước khi chị Yến nhận giải thưởng. Thậm chí các nhà sách khu vực miền Bắc cũng chưa có được cuốn sách này trên kệ. Nhà xuất bản đang tiếp tục tái bản để phục vụ nhu cầu bạn đọc.
Chị Yến cho biết nguồn cảm hứng để sáng tác “Quán thủy thần” xuất phát từ lần chị đến một vùng nông thôn khu vực đền Vực (thờ bà Chúa Vực) ở tỉnh Hưng Yên và được nghe kể về câu chuyện của một bà cụ đứng ra bảo vệ lẽ phải cho cả khu vực đó. Đề tài xuyên suốt trong cuốn sách phản ánh đậm nét thân phận của những con người ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Chủ đề nhiều truyện tập trung phản ánh về tình cảm gia đình qua những biến cố, câu chuyện buồn vui ở nông thôn, niềm khát khao được sống, yêu thương của cô công nhân xa nhà, lái xe đường dài, của một hài nhi chưa được mẹ sinh ra đời...
Chị Yến chia sẻ: “Cuốn sách có 2 phần rõ rệt. Phần 1 được tôi thể hiện theo phong cách hiện thực, dí dỏm, trong cái bi lại có hài với câu từ đời thường, mộc mạc. Phần 2 là những truyện với phong cách hiện thực huyền ảo, trong đó có người âm, người dương, nhưng đây là sự giao duyên giữa hai thế giới. Tác phẩm thể hiện đậm chất nhân văn, đọc thấy bi nhưng vẫn khơi dậy tình yêu thương con người, muốn chạm tới những cái đẹp và khát khao trong cuộc sống”.
Đọc "Quán thủy thần", người đọc bắt gặp những hình ảnh rất đỗi thân thương của làng quê như giếng nước, sân đình, ngôi miếu, con đường lát gạch nghiêng, những ngôi nhà đã mủn tường, nhà tranh vách đất. Ngôn ngữ các truyện đậm chất đời thường.
Cái khó của chị Yến là viết về làng quê nhưng phải tìm lối viết mới để không bị theo lối mòn của các tiền bối. Và tập truyện này thể hiện chị đã và đang tìm được cho mình một lối đi riêng, giọng văn riêng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét chị là một phát hiện thú vị của Hội Nhà văn Việt Nam vì có cái nhìn khá mới mẻ về đời sống người nông dân, nhiều vấn đề nhạy cảm, khó viết nhưng vẫn viết rất nhuần nhuyễn, sâu sắc.
Yêu sách từ bé
Chị Yến sinh năm 1973, ở thôn Kim Trang Tây, xã Lam Sơn (Thanh Miện). Năm 14 tuổi, chị cùng gia đình lên phố nhưng lúc nào hình ảnh làng quê, đồng bãi, khói lam chiều cũng ám ảnh trong tâm trí của chị.
Chị Yến cho biết chị mê sách từ bé và người truyền cảm hứng đọc sách chính là mẹ chị. Ngày nào chị cũng được mẹ dẫn sang hiệu sách đối diện cơ quan của mẹ để đọc. Rồi chị mừng rỡ khi được mẹ mua cho 1 cuốn sách nào đó, còn nếu được mượn sách chị phải mượn những cuốn dày để đọc lâu hết cho đỡ phí. Cứ ngày nghỉ mẹ lại đưa chị vào Thư viện huyện Thanh Miện để đọc sách, chị mải mê đọc cả ngày không chán.
“Mỗi lần ngồi trong hiệu sách hay thư viện tôi có cảm giác như đang ngồi trong một ngôi đền thiêng và mê mẩn khi đọc tiêu đề của từng cuốn sách”, chị Yến kể.
Rồi từng ngày, văn chương thấm dần tâm hồn chị. Thời học sinh, chị đã khẳng định tiềm năng sáng tạo văn chương khi 2 lần đoạt giải tại cuộc thi học sinh giỏi văn toàn quốc.
Khi được hỏi nhà văn nào có ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách viết của mình, chị Yến cho biết đó là nhà văn Thạch Lam. Theo chị, ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam rất dung dị, đời thường.
Chị đang là giáo viên dạy văn của Trường THCS thị trấn Gia Lộc. Trong bộn bề lo toan của cuộc sống, công việc chuyên môn ở trường học nhưng chị vẫn tranh thủ giờ ra chơi, ngày nghỉ hay buổi đêm để sáng tác.
Tập truyện ngắn “Quán thủy thần” là tác phẩm đầu tay của chị Yến trong sự nghiệp sáng tác nhưng đã để lại dấu ấn đáng nể. Hầu hết các truyện ngắn đã được đưa vào chương trình đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam, có truyện còn được chuyển thể thành kịch nói truyền thanh. Nhiều người khâm phục cây bút Nguyễn Hải Yến vì mới bước chân vào sự nghiệp viết lách từ năm 2016 nhưng đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Hiện chị Yến đã cơ bản hoàn thành xong tác phẩm mới có tên “Hoa gạo đáy hồ” và sẽ phát hành trong thời gian gần nhất. Chủ đề tập truyện đề cập đến những người đồng tính, những người Việt Nam đi lao động bất hợp pháp. Chị Yến cũng bật mí tiếp sau nữa chị có thể "trình làng" truyện dài “Ma đồng bằng Bắc Bộ”.
THẾ ANH