Chưa đầy 30 tuổi đã có hơn 10 năm tuổi nghề, với gần trăm kịch bản sân khấu được công diễn - đó là gia tài đáng nể của Phương Hạnh, cây bút trẻ tài hoa của sân khấu kịch Hải Dương.
Tác giả Phương Hạnh tâm đắc nhất với đề tài về người lính và nhân vật lịch sử
Đam mê đề tài lịch sửĐề tài lịch sử là một lĩnh vực khó mà nhiều cây bút “ngại” đặt chân vào nhưng với Phương Hạnh đó là niềm say mê không thể dứt.
|
|
Phương Hạnh (tên thật là Trần Thị Hạnh) say mê sân khấu kịch từ rất sớm. Khi còn học phổ thông, cô bé Hạnh đã thường xuyên ngồi bên chiếc đài nhỏ mỗi khi có chương trình kịch nói phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Niềm say mê ấy là động lực để Phương Hạnh thi vào Khoa Lý luận biên kịch, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh và gắn bó với sân khấu kịch từ ngày ấy tới bây giờ.
“Khi tôi bước lên chuyến xe bus đầu tiên đi nhập học ở Hà Nội, đài phát thanh trên xe đang phát một câu chuyện truyền thanh trong chương trình quân đội. Tôi đứng nghe và bâng khuâng nghĩ, mình đã lựa chọn và sẽ làm nghề này đây, không biết đến khi nào tác phẩm của mình mới được phát đi như thế này. Sau này nhớ lại, tôi thấy đó như là một cái duyên, một điềm báo để mình gắn bó nhiều với kịch truyền thanh cũng như các đề tài lịch sử”, Phương Hạnh bồi hồi kể lại kỷ niệm của ngày đầu dấn thân vào con đường đeo đuổi sân khấu kịch. Khi ấy, Hạnh cũng không thể nghĩ được rằng, chỉ 3 năm sau đó chị đã có kịch bản đầu tiên được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Và vở kịch dài để tốt nghiệp của tác giả Phương Hạnh đã được dàn dựng, công chiếu trên kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), điều mà không phải nhà biên kịch nào cũng làm được, nhất là các tác giả trẻ. Lần đầu tiên được xem kịch của mình chiếu trên truyền hình, chị xúc động tới run người và lòng thầm hứa dù khó khăn đến mấy cũng sẽ quyết tâm gắn bó với nghề.
Trong hơn 10 năm qua, kể từ khi cầm bút viết những trang kịch bản đầu tiên, Hạnh đã thử sức với nhiều đề tài nhưng cô vẫn tâm đắc nhất với những đề tài về người lính và các nhân vật lịch sử. Chị đã sáng tác kịch về Bác Hồ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, khi Bác bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bác sĩ Đặng Thùy Trâm...
Trăn trở cùng con chữKhóa học của Hạnh tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh có 12 sinh viên. 7 năm sau khi ra trường, chỉ còn mình Hạnh giữ niềm đam mê với sân khấu kịch. “Công việc của tôi hiện tại ở Trung tâm Văn hóa tỉnh không phải là sáng tác mà chỉ là biên tập các kịch bản sân khấu không chuyên. Công việc không bắt buộc mình phải sáng tác nhưng tôi vẫn giữ quyết tâm của thuở sinh viên là mình đã học nghề gì thì phải theo đuổi và làm cho tốt nghề đó, nên tôi vẫn thường xuyên cho ra đời các kịch bản mới”, Phương Hạnh tâm sự.
Được đào tạo bài bản trong trường đại học để sáng tác những kịch bản theo “khuôn vàng thước ngọc” của ngành sân khấu, Phương Hạnh luôn cố gắng bảo đảm 3 đặc trưng của sân khấu trong tác phẩm của mình là: thoại, hành động và xung đột. Nhưng ngòi bút của chị cũng rất linh hoạt chứ không cứng nhắc. Khi sáng tác cho sân khấu không chuyên, chị bám sát đặc trưng các ngành nghề, địa phương, nhiệm vụ chính trị của năm, yêu cầu của đơn vị đặt hàng kịch bản để có những vở kịch diễn không quá khó mà vẫn hấp dẫn và sát với chủ đề. Những kịch bản của tác giả Phương Hạnh phần lớn là sáng tác cho sân khấu gỗ, diễn cho khán giả xem, nhưng cũng có thể dễ dàng chuyển thành kịch truyền thanh phát trên đài. Mỗi vở kịch đều gửi gắm những thông điệp tích cực tới người nghe, người xem. Mỗi nhân vật do chị dựng lên đều có một cá tính, giọng điệu, ngôn ngữ khác nhau. Để sáng tạo ra hàng trăm nhân vật trong cả trăm vở kịch, chị đã phải đóng vai, phải sống hàng trăm tính cách, hàng trăm cuộc đời. Đó là nỗ lực lớn của một người còn trẻ, chưa từng trải nhiều chuyện đời, nỗ lực đã mang tới thành công vì trong chị luôn cháy ngọn lửa đam mê cùng sân khấu kịch.
Gắn bó cùng sân khấu kịch nói, điều khiến tác giả Phương Hạnh băn khoăn, trăn trở nhiều nhất là tại Hải Dương hiện nay “đất diễn” cho loại hình này không nhiều. Các tác phẩm của chị chủ yếu được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trong các hội diễn sân khấu không chuyên chứ không có đất trên sân khấu gỗ. Đội ngũ tác giả kịch bản sân khấu của tỉnh hiện còn thưa thớt và có thể nói Phương Hạnh là tác giả trẻ duy nhất sáng tác thường xuyên. Không mong ước cao xa về nghề, chị chỉ quyết tâm gắn bó cùng sân khấu, giữ cho ngòi bút luôn tươi mới, không mỏi mệt. Quyết tâm và đam mê ấy của những người trẻ như Phương Hạnh chính là niềm hy vọng cho tương lai sân khấu tỉnh nhà.
Tác giả Phương Hạnh (sinh năm 1985) đã đoạt giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ VI do UBND tỉnh trao tặng năm 2011 với chùm 3 tác phẩm kịch bản: “Một tuần của một đời”, “Bác đâu phải là vua”, “Huyền thoại người lính” và là một trong những tác giả trẻ nhất được trao giải Côn Sơn. Chị đã có hàng chục tác phẩm được phát trên đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Chị còn thường xuyên viết lý luận phê bình sân khấu cho các báo và tạp chí.
|
VIỆT HÒA