Đến nay tác giả Nguyễn Long Nhiêm, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã có một khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn, thơ, sách nghiên cứu văn hóa...
Tác giả Long Nhiêm luôn tâm huyết với các tác phẩm về miền đất Thanh Hà
Trong mỗi trang viết của ông đều thấm đẫm hồn cốt, nét văn hóa truyền thống của mảnh đất quê hương Thanh Hà.
Miệt mài sáng tác
Ở tuổi 80, song mỗi dịp gặp tác giả Nguyễn Long Nhiêm tôi đều thấy ông hứng khởi khoe đang ấp ủ tư liệu hay viết dở một tác phẩm mới. Và cứ đều đặn, các tác phẩm của ông lần lượt ra đời để minh chứng cho thành quả lao động miệt mài của mình. Ông Nhiêm chia sẻ từ nhỏ ước mơ văn chương đã thôi thúc. Sau này trở thành thầy giáo dạy văn, dạy sử, ước mơ đó càng cháy bỏng. Quá trình công tác, ngoài việc dạy học, ông thường xuyên cộng tác với các báo trung ương, địa phương. Từ năm 1962, ông đã có các tin, bài nghiên cứu về văn hóa, dân gian đăng trên báo Tiền phong, báo Hải Dương...
Nhưng phải đến lúc về hưu, mơ ước đến với văn chương của ông mới được toại nguyện. Sau khi nghỉ hưu, ông được Huyện ủy Thanh Hà triệu tập cùng tham gia nghiên cứu viết cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện và Lịch sử lực lượng vũ trang huyện. Quá trình đi khắp các làng, xã tìm tư liệu, các chất liệu đời sống, văn hóa ngồn ngộn của vùng đất Thanh Hà đã thổi bùng đam mê văn chương bấy lâu ấp ủ.
Thế là hàng loạt truyện ngắn, tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân gian, thơ lấy cảm hứng từ vùng đất Thanh Hà ra đời đã khẳng định tên tuổi của ông trong làng văn học tỉnh nhà. Hầu hết các tác phẩm của ông đều lấy chủ đề, cảm hứng từ cuộc sống bình dị chốn thôn quê. Mỗi truyện ngắn là một mảnh đời, một số phận người thôn quê, gắn với những đổi thay của mảnh đất Thanh Hà và của chính ngôi làng ông đang sống. Tính đến nay, ông đã cho ra đời 4 tập truyện ngắn: "Làng Vành lắm chuyện", "Duyên đất", "Hoa lúa" và "Tóc bão". Nhiều tác phẩm của ông đã giành các giải thưởng văn học của tỉnh. Truyện ngắn “Người khóc thuê” đoạt giải B truyện ngắn năm 1996 của tạp chí Văn nghệ Hải Hưng. Truyện ngắn "Cô trưởng thôn" cũng giành giải khuyến khích truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Côn Sơn. Năm 2011, tập truyện ngắn “Duyên đất” của ông giành giải C, giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ VI của UBND tỉnh.
Văn hóa của miền đất Thanh Hà còn thấm đẫm trong thơ của tác giả Nguyễn Long Nhiêm. Năm 2017, ông xuất bản tập thơ "Giọt nắng ngõ quê". Trong thơ của ông, ta dễ dàng bắt gặp những chất liệu dân gian của mảnh đất Thanh Hà như chợ, mái đình, hội làng... được thể hiện một cách tinh tế: "Tiếng thoi thao thức đêm dài/Câu Kiều đứt nối kịp mai chợ Vàng"...
Miền đất khơi nguồn cảm hứng
Với tác giả Nguyễn Long Nhiêm, Thanh Hà thực sự là miền đất khơi nguồn cảm hứng bất tận cho ông. Ngoài văn thơ, ông còn có các tập sách về văn hóa, dân gian.
Trước hết phải kể đến cuốn “Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá”, viết về sự hình thành, các phong tục tập quán, các công trình kiến trúc của làng cổ Hoàng Xá, nơi ông đã sinh ra và gắn bó đến bây giờ. Cuốn sách dày trên 300 trang được ông nghiên cứu và viết trong thời gian 2 năm. Tác phẩm được tặng giải C giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ VII (giai đoạn 2011-2016). Sau khi xuất bản, rất nhiều người làng Hoàng Xá hiện đang sinh sống tại các vùng miền của đất nước và nước ngoài tìm về mua sách. Song ai đến mua ông cũng chỉ tặng chứ không bán. Đến nay đã có hàng chục cuốn xuất ngoại.
Cuốn sách "Văn hóa cổ truyền đất Thanh Hà" xuất bản năm 2014 do ông chủ biên, chắp bút được đánh giá là kho tư liệu quý, phong phú về văn hóa dân gian huyện Thanh Hà. Cuốn sách có 657 trang, gồm 4 phần: đất và người Thanh Hà; tín ngưỡng, các trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa dân gian; văn học nghệ thuật; Thanh Hà ngày nay. Ông cho biết, ý tưởng viết tác phẩm này nảy ra sau khi viết cuốn "Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá” và được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo huyện Thanh Hà. Để viết tác phẩm, ông và nhóm biên soạn đã dành cả một năm trời đi từng làng xã trong huyện ghi chép, sưu tập, nghiên cứu tư liệu. Cuốn sách ra đời được giới chuyên môn đánh giá cao, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng giải ba (không có giải nhất) năm 2014.
Một cuốn sách khá độc đáo khác về văn hóa dân gian huyện Thanh Hà do ông cùng các hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sưu tầm vừa xuất bản năm 2017 là "Thơ ca dân gian Thanh Hà". Cuốn sách sưu tầm từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ, vè, câu đối đến các bài hát dân ca, truyện thơ, thơ khuyết danh... gắn với các địa danh, di tích, phong tục, tập quán của người Thanh Hà. Trong cuốn sách, người Thanh Hà sẽ bắt gặp các câu ca dao rất dung dị, gần gũi như: "Đã là con mẹ con cha/ Sinh ra ở đất Thanh Hà xứ Đông".
Với tác giả Long Nhiêm, việc cầm bút không chỉ thể hiện niềm đam mê mà ý nghĩa hơn là trách nhiệm với miền đất nơi mình sinh ra. Ông bảo, mảnh đất Thanh Hà rất giàu văn hóa truyền thống. Nếu ông không viết, một ngày kia những nét quý báu đó sẽ mai một, mất đi thì tiếc lắm.
Quả vậy, sau một loạt tác phẩm về đất Thanh Hà, hiện tại ông đang dồn sức để hoàn thiện cuốn tiểu thuyết về đề tài lịch sử "Nơi ấy là hậu phương". Cuốn tiểu thuyết viết về thời kỳ nhà Trần chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13, khai thác câu chuyện đức vua Trần Nhân Tông về đất Thanh Hà để xây dựng căn cứ huấn luyện thủy quân đánh giặc. Đây đều là những câu chuyện lịch sử có thật gắn với những di tích, địa danh, các câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian trên đất Thanh Hà. Cuốn tiểu thuyết dày khoảng 400 trang in hiện đã cơ bản hoàn thành.
Ngoài ra, tác giả Nguyễn Long Nhiêm cũng đang hoàn thiện tập thơ "Gái làng" và ấp ủ thực hiện một số tác phẩm về lịch sử, văn hóa của các làng cổ, dòng họ đất Thanh Hà. Nhìn vào những gì ông cống hiến cho mảnh đất Thanh Hà cũng đủ thấy sự nặng lòng của tác giả với miền đất mình sinh ra.
NGỌC HÙNG