Đã có nhiều nhà báo làm thơ, tuy nhiên làm thơ về chính nghề báo của mình thì không nhiều. Nhưng
Gửi bạn phóng viên
Cứ mỗi lần cầm cây bút trên tay Trước trang giấy đối mặt cùng thực tại Một chữ viết ra, nửa khôn nửa dại Nửa giống mình nửa giống như ai...
Thương mẹ nghèo ta viết lúa viết khoai Ta quên viết những điều mẹ nghĩ Ở ngọn bút chứa bao điều giản dị Con chữ chồng lên con chữ trốn tìm...
Ai đã một lần bẻ bút, vứt nghiên Khi câu chữ viết ra vẫn khô cằn sự sống Cái nghiệp văn chương chẳng cần ô lọng Càng nắng mưa càng thắm sắc tươi màu
Cái để còn lại với mai sau Cả dân tộc đang vặn mình để lớn Chẳng có gì diễn ra trong tưởng tượng Câu chữ nào khơi dậy hết tiềm năng
Phút đam mê đi kiếm lẽ công bằng Phút đối mặt với những điều giả dối Phút nằm đất nghe thực lòng tiếng gọi Cây bút cầm như đá trĩu trên tay...
HUY TRỤ
|
khi báo chí thành nguồn cảm hứng thi ca thì thơ lại là nỗi niềm, là sự sẻ chia, lay động tâm can người cầm bút. Bài thơ Gửi bạn phóng viên của nhà thơ Huy Trụ (Thanh Hóa) là một trong những bài thơ như thế.
Gửi bạn phóng viên là một sự giãi bày của tác giả với đồng nghiệp. Là người viết báo, tác phẩm của họ, dù một bản tin hay bài phóng sự điều tra, một bài bình luận... chắc hẳn là rất nhiều. Nhưng không nhà báo nào tự bằng lòng với số lượng.
Cứ mỗi lần cầm cây bút trên tay
Trước trang giấy đối mặt cùng thực tại
Một chữ viết ra, nửa khôn nửa dại
Nửa giống mình nửa giống như ai...
Nhà thơ đã nhìn thẳng vào sự day dứt của người cùng nghề. Một chữ viết ra nửa khôn nửa dại, đó là về bút lực. Nửa giống mình nửa giống như ai, đó là về phong cách. Viết mà chỉ dừng lại trước các hiện tượng, thiếu chiều sâu thì sao thổi hồn được vào câu chữ.
Thương mẹ nghèo ta viết lúa viết khoai
Ta quên viết những điều mẹ nghĩ
Ở ngọn bút chứa bao điều giản dị
Con chữ chồng lên con chữ trốn tìm...
Người viết có trách nhiệm phải là người lăn lộn với cuộc sống, với cuộc đấu tranh trong đời sống kinh tế - xã hội. Một nhà báo lão làng trước đây từng tổng kết "Muốn là nhà báo giỏi phải có cây bút tốt". "Cây bút tốt" ở đây là vũ khí của người làm báo, xông xáo và dám đương đầu với mọi thách thức:
Cái nghiệp văn chương chẳng cần ô lọng
Càng nắng mưa càng thắm sắc tươi màu
Và như vậy, nhà báo trước hết là người công dân, đồng hành cùng dân tộc: Cái để còn lại với mai sau/Cả dân tộc đang vặn mình để lớn, để rồi:
Chẳng có gì diễn ra trong tưởng tượng
Câu chữ nào khơi dậy hết tiềm năng
Cuộc sống đang đặt ra bao nhiêu vấn đề. Kẻ thù bên ngoài luôn luôn rình rập. Giặc nội xâm như nạn tham nhũng, quan liêu, tha hóa còn phức tạp. Hơn lúc nào hết, nhà báo phải thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy, rằng mình phải là "chiến sĩ", cây bút trong tay là "vũ khí". Cây bút phải thực sự có sức nặng. Bốn câu cuối bài Gửi bạn phóng viên là câu kết mở để các nhà báo cùng suy ngẫm:
Phút đam mê đi kiếm lẽ công bằng
Phút đối mặt với những điều giả dối
Phút nằm đất nghe thực lòng tiếng gọi
Cây bút cầm như đá trĩu trên tay...
VƯƠNG BẠCH