Nhân ông chú là tổng giám đốc công ty đánh xe con từ Hà Nội về quê bàn việc giỗ tổ, cậu Quýnh liền nhảy xe đi theo. Sáng ấy, vừa bảnh mắt, cậu Quýnh đã dậy nói với chú:
- Rất may cho cháu, hôm nay chú về quê, cháu nhờ bác cả nữa. Bác và chú giúp cháu về quê có lời với gia đình Thoa, gọi là chỗ người lớn, chính thức giáp ất với nhau chú nhé.
- Mày quyết định lấy vợ rồi hả? - Ông chú hỏi.
Quýnh thưa:
- Cháu cũng phải quyết cho xong béng việc này chú ạ. Ngoài băm rồi. Chưa già nhưng cũng chẳng trẻ trung gì nữa. Với lại, "nàng” đã "ngất" hẳn. Gái hăm nhăm. Báo động cấp ba rồi. Nửa tháng gặp nàng, bắt mồi chặt lắm. Bây giờ dứt, có lẽ nàng “xỉu” mất.
- Mới có nửa tháng thôi à? - Ông chú tròn mắt hỏi.
Giọng Quýnh tự tin:
-Thế thôi. Thời đại “công nghiệp” mà chú. Nhưng biết nhau cũng đủ độ rồi. Nửa tháng là tính từ buổi cô ấy lên thăm bà mợ ở vùng kinh tế mới gần nhà cháu thôi. Nàng ăn ý ở tịt lại. Mới về thăm nhà gần một tuần nay mà.
Quýnh phấn chấn bình luận:
- Được cái, người to khoẻ, “kéo cày” tốt. Chúng cháu đã bàn nát cỏ gà. Tuy xa, nhưng Thoa là người đồng hương xứ Đông mình. Quanh bản cháu ở, Thoa cũng có vài bà con tộc thuộc.
Nghe đứa cháu giãi bày chuyện vợ con, việc duyên nợ đời người, ông chú suy nghĩ một lúc rồi gật đầu hỏi lại:
- Hai đứa đã bàn tính thật kỹ lưỡng chưa? Chú biết, cháu là đứa “chúa” đơn giản những việc đại phức tạp.
Ông chú đổi giọng, mặt nghiêm lại, nhìn chằm chằm vào Quýnh.
- Cháu nhớ xem? Đã bao lần, nay nói lấy đứa này, mai đứa khác. Việc trăm năm đâu phải bỡn cợt?
Quýnh thề thốt, năn nỉ. Thực tình, Quýnh muốn nương bóng sang trọng của ông, có chuyến xe “xịch” về cửa nhà người yêu cho đẹp mẽ. Phần nữa, bố mẹ Quýnh “hoàn cảnh” quá. Xa xôi, ông bà chẳng một chốc một lát cất bước đi được đâu. Rồi, phải có đại diện nhà trai “bề bậc” mới nói được với họ nhà gái việc hệ trọng này.
Nể cháu, ông chú và người bác nhận lời Quýnh, thay mặt họ nhà trai ra đi.
Sáng ấy, khi chiếc xe vòng qua thành phố để về quê hỏi vợ cho Quýnh, ông chú cẩn thận hỏi Quýnh lần nữa:
- Hôm nay xuống nhà gái, anh Quýnh định bác và chú phải bàn được những việc gì?
Quýnh nhanh nhảu, giọng thản nhiên:
- Chắc là gia đình “chịu” rồi. Chú và bác xin cho chúng cháu tổ chức cưới luôn vào đầu tháng này thì tốt nhất.
- Hôm nay là bao nhiêu?
- Còn hai chục ngày nữa. Rểnh rang chán.
- Anh định lo thế nào?
- Chà - Quýnh chép miệng - Thưa chú. Cứ bắc rạp lên. Ngả lợn ra. Thiếu, vay hàng xóm. Cưới xong, tiền mừng, không lãi chắc cũng “huề”. Việc nhẹ như bấc, lo chi cho mệt hả chú.
- Đấy. Anh lại gió mây, đơn giản sự việc rồi - Ông chú gắt lên.
Quýnh cười vui:
- Chú yên tâm. Mấy đám cưới trong làng vừa qua, cháu biết.
Khi chiếc xe đột ngột rẽ vào con đường rời khỏi thành phố, ông chú lại hỏi Quýnh:
- Buổi ra mắt hôm nay anh đã chuẩn bị lễ vật gì chưa?
- Không lo.
Quýnh lúng túng, cười xoà.
- Đến đầu làng, có cửa hàng bánh kẹo chú ạ. Ở nông thôn cầu kỳ gì. Thuốc Điện Biên đầu lọc là “xôm” rồi. Oách, làm chai vang Thăng Long nữa. Yên chí. Đến gần đấy, hẵng liệu.
- Không được.
Ông chú nổi cáu, giục lái xe phanh kít lại. Ông kéo Quýnh vào đại lý bên đường, móc tiền giục Quýnh mua đủ thứ kẹo bánh, thuốc lá, rượu ngon. Quýnh lễ mễ xách hai làn đầy nặng bỏ vào xe…
Xe chạy bon bon dọc theo đường liên xã. Ông chú vẫn chưa nguôi cơn giận. Ông giảng giải cho Quýnh về đường ăn, lẽ ở, sự chu tất trong xử thế với nét lịch lãm trong giao tiếp, nhất là việc kéo nhau về một vùng đất quê người làm cái việc bỏ ngõ, cưới xin…
Quýnh im lặng, nhăn nhở cười. Bỗng cậu kêu thốt lên:
- Ấy, rẽ phải, rồi lại rẽ trái nhé. Cái làng xanh um nằm ở trước mặt kia kìa…
Chiếc xe bỗng khựng lại rồi chậm chạp bò qua khu chợ lộn xộn họp ngay bên đường đến khóm tre um tùm trước mặt. Quýnh mở cửa nhảy ra, ngơ ngác nhìn hồi lâu rồi xoa hai bàn tay, nói nhỏ với tài xế:
- Nhờ anh quay lại giúp. Không phải làng này, anh ạ.
- Nhầm đường hở? - Ông chú lại bắt đầu bực dọc - Cô ấy ở làng nào?
Quýnh đứng ngẩn người, bần thần một lúc.
- Hình như ở làng rượu “Phú… gì” nổi tiếng lắm.
- Trời ơi, sao lại hình như. Mày đã về đấy lần nào chưa?
- Có - Quýnh khẽ gật - Cháu đã lưu lại quê ấy ba ngày. Nhưng chỉ đến tối mới dẫn nhau lên gò đất, chỗ bến dốc có quán nước dưới cây bàng già thì cháu nhớ rất rõ.
Mọi người cười ồ, vẻ chế giễu Quýnh. Chiếc xe lại quay đầu kiên trì bò quanh con đường tới hai ba khóm tre phía xa mà Quýnh bảo nom nó na ná, giống làng quê người yêu sắp sửa trở thành người vợ thân yêu của cậu.
Bữa ấy, mãi gần trưa, xe ông chú mới đưa Quýnh tìm được nhà bố mẹ vợ tương lai để thưa trình mọi chuyện. Với Quýnh, coi như là xong. Đại diện hai họ đã ấn định hai mươi ngày nữa sẽ tổ chức lễ cưới cho hai đứa. Nhà trai phải có mặt vào giờ nào, ngày nào? Họ nhà gái liên hoan vào lúc mấy giờ? Lễ vật ra sao? Xe đón ở đâu? Xe bao nhiêu chỗ ngồi? Hai họ cử những ai đại diện?… Quýnh nghĩ: “Hai mươi ngày nữa, rồi Quýnh sẽ có vợ. Mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy. Rồi, sẽ trớ ra, chẳng còn việc gì nữa để mà bàn, mà lo. Vậy mà, ai nấy cứ quan trọng, cuống lên, làm nặng, rối thêm cái nghĩ...".
Buổi ấy, tạm biệt quê vợ, Quýnh ngồi trên xe theo ông chú qua Hà Nội về quê. Lòng Quýnh vui, nhẹ lâng. Qua tấm kính cửa xe, cậu ngắm nhìn hai hàng cây lao vun vút bên đường. Cậu bỗng ngáy và ngủ thiếp đi trong giấc mơ mãn nguyện.
***
Một trưa, trong gian nhà bên phố nhỏ Hà Thành, ông chú Quýnh đang đi đi, lại lại, vẻ rầu rĩ. Đã sắp đến ngày Quýnh, đứa cháu sẽ tổ chức lễ cưới, ông là người đã đại diện họ nhà trai nói lời hệ trọng với họ nhà gái, vậy mà, từ bấy đến nay, nó không chút hồi âm. Tại sao vậy? Thằng Quýnh đã đẩy ông đi làm trò đùa cợt thế à? Nó nghĩ mọi chuyện là đơn giản vậy ư? Nó có biết, người con gái kia sẽ liệt nó vào loại dối lừa? Bạn bè cô gái, rồi xóm giềng quen cô sẽ bàn tán ầm ĩ chuyện này. Danh dự của nó ra sao? Người lớn nhìn nhau sẽ muối mặt thế nào? Nó đã đơn giản việc không thể đơn giản để đẻ ra những phức tạp đến đâu? Từ đạo đức, danh dự, niềm tin ở những gì mà con người dù đơn giản cũng không được phép bước qua… Vậy mà, Quýnh, cháu ông đã bông đùa, xử sự như vậy. Sốt ruột quá, ông phái người về tận quê gặp Quýnh. Lúc này, Quýnh vẫn đeo trên mặt một dáng vẻ bình thản, lạnh nguội. Quýnh bảo: “Cháu quyết định dẹp rồi chú ạ. Dẹp đi cho đỡ rách việc. Xa xôi quá. Xe cộ đón đưa, lại phức tạp. Vợ con, kể có cũng tốt. Không, cứ như thế này cũng chửa chết ai”.
“Trời ơi. Thanh niên bây giờ là thế, hay chỉ riêng thằng Quýnh? Cháu ông, lại bố láo, đùa cợt làm vậy?”. Ông chú Quýnh đang thả từng bước trong nỗi dày vò như vậy, bỗng có người con gái rụt rè xuất hiện trước cửa nhà. Ông ngước lên, sững sờ. Đúng rồi. Cái Thoa! Người yêu thằng Quýnh. Đứa cháu dâu hụt của ông, bằng cách nào đã tìm đường đến tận nơi này? Mới gặp Thoa buổi theo Quýnh về quê, nhưng ông nhớ rất rõ. Một cô gái nông thôn hiền lành, chân thật. Ông mời cô gái vào nhà, rót nước cho cô uống. Chưa để ông hỏi gì, Thoa, cô gái nhà quê đã oà lên khóc.
- Thưa chú. Cháu không dám trách gì các bậc cha mẹ đôi bên. Cháu không cần nói thêm một lời nào với một người như cái anh Quýnh vớ vẩn ấy. Cháu chỉ thấy buồn khổ cho cái số, cái kiếp của cháu trong đám bạn bè. Cháu xấu hổ lắm. Cháu không thể ở lại cái làng cháu đã sinh ra và lớn lên ấy được nữa. Cháu phải đi...
- Cháu đi đâu?
- Cháu sẽ đi thật xa. Ở đấy có bạn bè và người làng quê cháu trên vùng kinh tế mới.
Ông chú Quýnh chẳng biết nói gì trước những dòng nước mắt trong trẻo, đáng thương của cô gái. Ông cố gắng kiếm tìm những lời có sức vuốt ve, xoa dịu nhất từ cái chung của văn chương, câu chữ, về thân phận, nỗi đời để an ủi, động viên cô.
Một tuần sau nữa, khi cô gái đến gặp và nói lời từ biệt, thì Quýnh, cháu ông bỗng dưng lại mò tới. Ông giận dữ đuổi Quýnh ra khỏi nhà, kiên quyết không tiếp chuyện. Ông bảo, lũ trẻ con đã bôi tro, trát trấu, làm ê mặt người lớn. Một góc xã hội bây giờ không ít người đã đùa cợt, vi phạm với đạo đức, phẩm giá con người. Họ xấu xa, tồi tệ đến không thể tha thứ…
Buổi ấy, mặc ông chú chan tương, đổ mẻ lên mình, Quýnh vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cậu nói:
- Thưa chú, cháu thấy, hình như chú cứ soi quá sâu vào mỗi việc, rồi phóng lên thành nhiều chuyện to tát. Đơn giản với chả phức tạp. Chú nhớ không? Chuyện “xanh rờn” ở quê mình mới ngày nào, thật một trăm phần trăm, đã xa gì cơ chứ? Ai chả biết ông Phác nhà ta chứ phải ai xa lạ? Ông Phác hiền lành, tốt nhất xã. Thế mà mấy bố lãnh đạo trong đảng uỷ xã gặp lúc bầu bán, tranh cử, đã đẩy việc cô Mơ chửa hoang cho thật to, thật phức tạp, nhằm lột mặt được một tên nào đó đã ngủ với cô Mơ để “diệt”. Ai cũng biết, ông Phác không phải thủ phạm nhưng thương bạn trẻ, lại có tài, không nỡ để đồng đội quý yêu của mình bị “bắn” gục, ông đã xử lý việc ấy rất đơn giản. Ông tự đứng lên ôm tội xấu về mình. Ông bảo: “Các bố phức tạp bỏ mẹ. Ông không làm thế, tất còn choảng nhau thập tử nhất sinh. Phần nữa, cô Mơ trẻ đẹp. Có chịu tiếng xấu với cô, thì trường hợp này giống như đi máy bay bỗng dưng bị tai hoạ, chứ không phải ông đã lội xuống ao móc bùn mà đâm phải cọc tre...”.
Ông chú càng mắng Quýnh dữ dội. Ông bảo, ví von cái kiểu gì mà kỳ quặc như vậy? Rồi, nhất là, khi ông nghe Quýnh lại đột nhiên tuyên bố:
- Ngày mai, cháu sẽ lên vùng kinh tế mới ở Đăk Nông để tìm Thoa, chú ạ.
- Lại tìm nó?
- Vâng. Bây giờ cháu bỗng thấy thương nàng.
- Đồ mặt mo. Mày không sợ nó sẽ trát… lên mặt?
- Chú cứ phức tạp. Làm gì có chuyện ấy. Chú biết không? Cái kiểu lửng dửng của cháu lại không giải quyết được ối việc đấy à? Đâu sẽ vào đấy cả. Có khi ở đây, chuyện cách núi, ngăn sông, chuyện cưới xin không thành. Đến nơi ấy lại thuận hợp, dễ cảm thông hơn. Vấn đề là còn nhớ, còn lặn lội tìm nhau, đúng không nào? Cháu cứ đi. Cháu không nghĩ, việc gì cũng phải căng lên, phải phức tạp như chú nghĩ.
Bây giờ, Quýnh đã mua vé đi thật. Cậu khoác trên vai một chiếc túi, gọi xe ôm, chào ông chú rồi vù thẳng ra ga.
Ông chú đứng nhìn theo đứa cháu đi theo một lối với cách nghĩ, cách hoà nhập riêng vào nẻo đời phía trước. Ông vẫn đứng trầm lặng. Và, từ nhà ga, tiếng còi tàu đã rú lên vang lảnh.
KIM CHUÔNG