Tôi đã từng đi qua bao nhiêu cây cầu rồi mà tôi cũng không nhớ hết.
Tôi đã từng đi qua bao nhiêu cây cầu rồi mà tôi cũng không nhớ hết. Từ chiếc cầu nhỏ bằng thân cau, thân dừa, thân tre hay thân gỗ bắc qua mương, qua cừ nơi ruộng đồng thôn dã. Từ những chiếc cầu phao bắc nổi trên con sông quê thao thiết nước chảy đôi dòng. Từ những cây cầu bê tông có chiều ngang khiêm tốn, hình dạng thô sơ được xây dựng từ thời chống Pháp, đánh Mỹ đến những nhịp cầu bê tông hiện đại, rộng dài vắt ngang qua dòng sông cái, trên trải nhựa đường phẳng lì, ba bốn làn đường xe chạy vèo vèo, đêm về rực rỡ ánh đèn điện lung linh như sao, như hoa... Cây cầu nào cũng "nối những bờ vui". Bởi nhờ có nó mà người ta đi lại, giao thương với nhau thật dễ dàng, gần gũi.
Nhưng có lẽ cây cầu mà tôi khó quên nhất là cầu Phú Lương cũ bắc qua sông Thái Bình. Tôi không rõ cây cầu được xây từ bao giờ, chỉ biết rằng khi tôi về làm dâu Nam Sách, cây cầu ấy đã sừng sững bắc qua con sông cuồn cuộn phù sa rồi. Làn giữa cầu là đường đi của tàu hỏa và ô tô. Khi tàu đến, người ta dùng ba-ri-e chắn lại, khi tàu qua rồi, ba-ri-e mở, ô tô mới được đi, thay nhau mà đi. Còn hai bên lan can bắc bằng gỗ, không bằng phẳng lắm mà cập kênh, lại có những cái khe hở, mặt hẹp, thành lan can hở nhìn rõ nước sông cuồn cuộn, sâu hun hút. Tôi yếu bóng vía, sợ độ cao nên có vài lần đi qua mà hồn bay phách lạc, run như cầy sấy.
Giờ thì làn giữa của cây cầu lịch sử và huyền thoại đó chỉ dành riêng cho tàu hỏa. Ô tô, xe máy đã đi cầu Phú Lương mới rộng dài, hiện đại, phẳng phiu y như đường nhựa, khiến cho người ta có cảm giác an toàn như chẳng phải qua sông, qua cầu.
Đã lâu lắm rồi, tôi không còn đi qua cây cầu cũ ấy nữa. Nhưng mỗi khi nhớ về kỷ niệm cũ, tôi lại thấy vừa sợ, vừa thương, vừa biết ơn cây cầu ấy. Tôi sợ vì cầu hẹp, lại hở và bấp bênh. Tôi thương vì thời chiến tranh, cây cầu ấy là mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ, bị đánh sập nhiều lần. Dân mình phải bắc cầu tạm, cầu phao để qua sông. Cũng như con người Việt Nam kiên cường, bất khuất, cầu Phú Lương lành vết thương, thay da đổi thịt, anh dũng vươn lên để nối những bờ vui cho Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương...
Tôi biết ơn vì cây cầu đó đã nối liền quê hương tôi với quê hương của chồng tôi. Chiếc xe hoa cô dâu chạy trên cây cầu mới rộng dài, phẳng phiu như lụa mới khánh thành. Còn cây cầu cũ ấy, các con tôi đi học qua lại luôn an toàn, còn để lại trong lòng chúng bao nhiêu là kỷ niệm giống như tôi.
Vạn vật đều có linh hồn. Tôi luôn nghĩ và tôi tin như thế. Tôi thương, tôi nhớ và tôi biết ơn cây cầu Phú Lương vì những lý do ấy, dù bây giờ, nếu có đi qua hai bên lan can gỗ, tôi vẫn còn cảm giác sợ bởi sự cập kênh và chơi vơi. Năm tháng có qua đi. Lịch sử có sang trang. Kinh tế có phát triển. Những cây cầu, những con đường hiện đại sẽ ra đời. Nhưng tôi tin, cầu Phú Lương cũ luôn là chứng nhân lịch sử, luôn sống mãi trong lòng bao thế hệ đã từng đi qua nó.
Tản văn củaHIỀN HÒA