Ánh sáng cùng những màn trình diễn nghệ thuật bế mạc Olympic Pyeongchang đã kết thúc, và trước mắt Tổng thống Hàn Quốc bây giờ là 2 thách thức ngoại giao lớn.
Đó là liệu có nên nhận lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều, và liệu có nên thuyết phục Washington giảm bớt sức ép đang nhắm vào Bình Nhưỡng?
Mỹ và Triều Tiên - Hai câu hỏi khó đặt ra cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap
Hai vấn đề này đã đặt người đứng đầu Nhà Xanh vào tình huống khó xử. Một mặt, ông Moon muốn duy trì trạng thái “một lá cờ thống nhất” trong suốt kỳ Thế vận hội này, đặc biệt là sau khi bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, chuyển tới ông lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh vốn đã bị ngắt quãng tới 11 năm. Nhưng mặt khác, ông Moon lại không hề muốn làm “tổn thương” tới người đồng minh của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa tuyên bố sẽ “gia tăng tối đa sức ép” nhằm khiến cho Bình Nhưỡng buộc phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, bằng không sẽ dùng đến “sức mạnh quân sự” nếu cần thiết.
Trước lễ bế mạc Olympic ngày 25.2 vừa qua, đã có một vài dấu hiệu cho thấy “thế cờ ngoại giao Pyeongchang” đang rơi vào thế bí. Chính giới cũng như rất nhiều người dân Hàn Quốc lên tiếng phản đối việc đón tiếp phái đoàn Triều Tiên. Nguyên nhân là vì ông Kim Yong-chul, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, người dẫn đầu phái đoàn, bị cáo buộc có liên quan trong vụ việc đánh chìm tuần dương hạm Cheonan hồi tháng 10.2010. Trong một diễn biến khác, Washington đã ban bố một loạt các lệnh trừng phạt mới nhằm cô lập kinh tế Triều Tiên, đồng thời cảnh báo về một tương lai “cực kỳ u tối” nếu chiến dịch trừng phạt mới này thất bại.
Và để cho các lợi thế ngoại giao đã đạt được giữa hai miền Triều Tiên không đi vào ngõ cụt, Seoul buộc phải tìm kiếm một kịch bản nào đó có thể giúp cho cuộc tập trận chung với Mỹ sắp tớisẽ không làm cho Bình Nhưỡng phản ứng. Một quan chức Hàn Quốc phụ trách các vấn đề hạt nhân liên Triều cho biết, Seoul hy vọng Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đối thoại với Washington. Đối thoại Mỹ-Triều sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều, vị quan chức giấu tên này nhận định.
Trước đó, phía Triều Tiên đã đột ngột hủy bỏ cuộc đối thoại với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại thời điểm khai mạc Thế vận hội. Để rồi sau đó, tại lễ bế mạc, Bình Nhưỡng lại bày tỏ nguyện vọng được đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên, đối thoại Mỹ-Triều đã không diễn ra. Ivanka Trump, trưởng nữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng thời là cố vấn cấp cao Nhà Trắng hay kể cả bà Allison Hooker, nhân vật phụ trách vấn đề Hàn Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC), đã không hề đón chào bất kỳ cuộc gặp nào với phái đoàn Triều Tiên trong suốt lễ bế mạc Thế vận hội.
Và trong hoàn cảnh này, Seoul buộc phải tìm cách nào đó để giúp cho tình hình tiến triển tích cực hơn nữa, trước khi Thế vận hội dành cho Người khuyết tật (Paralympic) kết thúc vào ngày 18.3 tới đây.
Koh Yu-hwan, giảng viên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng Mỹ-Triều hoàn toàn có thể tiến hành các cuộc đối thoại sơ bộ “nếu các cuộc tập trận chung (Mỹ-Hàn) không quá ồn ào và Triều Tiên có thể kìm chế phản ứng thái quá”.
Về phần mình, truyền thông Triều Tiên hồi trung tuần tháng 2 vừa qua cũng đã phát đi những lời lẽ rằng Bình Nhưỡng “chuẩn bị sẵn sàng cho cả đối thoại lẫn chiến tranh”. Trong một động thái khác, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho rằng những lời lẽ đầy khiêu khích của Washington về việc tái khởi động các cuộc tập trận chung là những hành động “tàn nhẫn”, triệt tiêu đi những hy vọng hòa bình vừa được nhen nhóm giữa hai miền Triều Tiên.
Mỹ-Hàn trước đó đã đồng ý trì hoãn các cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn sau khi Triều Tiên đề xướng đối thoại tại Olympic.
Seoul không muốn châm ngòi cho các cuộc thử nghiệm vũ khí khác của Bình Nhưỡng dưới thời Kim Jong-un. Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vốn là điều màBình Nhưỡng theo đuổi hàng thập kỷ qua nhằm kìm chế sự bành trướng của Mỹ và đồng minh. Và sau lần phóng tên lửa cuối cùng ngày 29.11 năm ngoái, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bốchương trình vũ khí của Bình Nhưỡng “đã hoàn thành”. Đây là loại tên lửa xuyên lục địa mà giới chuyên gia tin rằng có thể bắn thẳng tới bất kỳ thành phố nào của Mỹ.
Sau một loạt các sự kiện đã xảy ra giữa hai miền Triều Tiên, các cường quốc có liên quan buộc phải đưa ra những quan điểm, dù rõ ràng hay không rõ ràng, đều nhằm duy trì một tiếng nói trong một cục diện chung. Về quan điểm của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này hồi cuối tuần trước cho rằng các bên cần tận dụng các cơ hội đã có được và cần phối hợp cùng nhau để duy trì đà đàm phán vốn vô cùng khó đạt được trong bối cảnh hiện nay. Về phần mình, Điện Kremlin khẳng định các chương trình hợp tác thương mại Nga-Triều vẫn sẽ được triển khai, song sẽ tuân theo các khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, Tokyo với vai trò là đồng minh của Mỹ, sẽ tiếp tục gây áp lực nhằm ép Bình Nhưỡng phải “tìm kiếm đối thoại” và từ bỏ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân. Động thái này diễn ra ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố “cánh cửa đối thoại” với Mỹ vẫn đang để mở. Trong khi đó, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố rằng đối thoại Mỹ-Triều chỉ có thể có được khi “có điều kiện thích hợp”.
Pyeongchang có thể là nơi tạo cơ hội và triển vọng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, nhưng thời gian không còn nhiều, và Seoul cần phải tìm ra đáp án cho hai vấn đề lớn hiện nay nếu không muốn hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 này bị hủy bỏ.
HÀ KIÊN(Theo Yonhap, Xinhua)