Một số câu hỏi còn mang tính tìm hiểu thông tin kiểu “xin Bộ trưởng cho biết giải pháp...”. Bộ trưởng trả lời còn nặng về giải thích hơn là xác định trách nhiệm người đứng đầu.
Trong phiên họp chất vấn sáng 13.6 về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có rất nhiều câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề, nhưng có một số câu hỏi của đại biểu chưa “xứng tầm”, chưa cụ thể, chưa đi thẳng vào việc xác định trách nhiệm của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những bức xúc trong sản xuất nông nghiệp. Một số câu hỏi còn mang tính tìm hiểu thông tin kiểu “xin Bộ trưởng cho biết giải pháp...”. Bộ trưởng trả lời còn nặng về giải thích hơn là xác định trách nhiệm người đứng đầu ngành nông nghiệp, những giải pháp nêu ra chưa có tính thuyết phục, chưa rõ thời gian để giải quyết những vấn đề bức xúc mà đại biểu nêu. Ví dụ, đáng lẽ Bộ trưởng phải xác định trách nhiệm về việc lập quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi lợn khi năm 2017 chưa đạt quy mô theo quy hoạch mà thị trường đã “khủng hoảng thừa” thì ông lại đi vào giải trình về sự tăng trưởng ngành chăn nuôi trong những năm qua và coi đó là nguyên nhân của “khủng hoảng thừa”.
Nhìn một cách tổng quát, phiên chất vấn giống như một phiên họp thảo luận hơn là một phiên chất vấn, các câu hỏi chủ yếu nêu vấn đề và Bộ trưởng giải trình vấn đề đại biểu quan tâm. Nếu như người nêu câu hỏi ngắn gọn, đi đúng trọng tâm hơn, người trả lời đi thẳng vào vấn đề bức xúc, xác định trách nhiệm lãnh đạo và đưa ra những giải pháp rõ ràng, cụ thể để thực hiện trong thời gian tới thì phiên chất vấn của Quốc hội sẽ được cử tri đánh giá cao.
LƯƠNG ANH TẾ(Khu 12, phường Bình Hàn, TP Hải Dương)
Các Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệmChất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu đã tập trung vào những vấn đề dư luận xã hội và đông đảo cử tri quan tâm, liên quan đến những vấn đề dân sinh bức thiết, như việc dư thừa sản phẩm nông nghiệp, vấn đề chất lượng quy hoạch sản xuất, kinh tế hợp tác, cánh đồng mẫu lớn, đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, phân bón, thuốc trừ sâu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tình trạng sạt lở đất ven biển, ven sông, biến đổi khí hậu… Phần hỏi của đại biểu khá thẳng thắn, ngắn gọn, bảo đảm thời gian quy định, không khí tranh luận khá sôi động, đa chiều. Đặc biệt, khá nhiều đại biểu nữ đã lên tiếng trong cả phần chất vấn và tranh luận.
Nắm khá chắc những vấn đề đại biểu đặt ra, phần trả lời của Bộ trưởng đã đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu Quốc hội, không lòng vòng, né tránh, đặc biệt là thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực quản lý. Ví dụ việc tổ chức lại sản xuất, Bộ trưởng nhận trách nhiệm toàn bộ chứ không đẩy cho ngành khác, từ khâu sản xuất, chế biến đến việc tổ chức thị trường tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, việc Bộ trưởng gọi các đại biểu là anh, chị có vẻ không hợp lý với không khí nghị trường cho lắm. Các giải pháp đưa ra chưa có nhiều giải pháp mới có tính đột phá. Bộ trưởng chưa đưa ra được các thời hạn cụ thể để thực hiện các lời hứa của mình. Ví dụ những sai phạm trong việc đóng tàu cá theo Nghị định 67 đã chỉ ra khá rõ ràng, nhưng lại chưa có thời hạn cụ thể khắc phục. Hay vấn đề giải cứu thịt lợn, thời hạn đưa ra quá dài cho một giải pháp căn cơ là tìm cách xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc chẳng hạn, khiến cử tri không khỏi thất vọng.
Tôi đánh giá cao thái độ nghiêm túc, chân thành và cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch về một số sai phạm, khuyết điểm của cán bộ, công chức dưới quyền gây dư luận xấu thời gian qua. Cử tri rất hoan nghênh phần giải trình bổ sung của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam liên quan đến bán đảo Sơn Trà rất rõ ràng, mạch lạc, cung cấp cho cử tri nhiều thông tin. Tuy nhiên, qua giải trình của Phó Thủ tướng tôi băn khoăn tại sao Chính phủ lại quá dễ dãi khi nói rằng UBND Đà Nẵng quyết thế nào về dự án du lịch bán đảo Sơn Trà thì Chính phủ cũng chấp thuận. Đây là khu du lịch trọng điểm quốc gia, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải thuộc Chính phủ. Có lẽ vấn đề phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền phải được làm rõ hơn. Tôi cũng chưa đồng tình với phần tranh luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi đại biểu cho rằng UBND TP Đà Nẵng không cần phải tham khảo ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà nẵng. Một chính quyền kiến tạo, hành động và dân chủ thì ý kiến của một người dân cũng phải được tôn trọng lắng nghe, huống chi đây là ý kiến của một hiệp hội đại diện cho cả một ngành kinh tế của địa phương.
HOÀNG VĂN BẢO(Nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh)