Cậu học trò khiếm thị đi tìm “ánh sáng”

03/06/2014 06:23

Bằng nghị lực và sự lạc quan, bạn Hoàng Văn Đạt, học sinh khiếm thị ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Hải Dương đã vượt lên, đạt nhiều thành tích trong học tập.



Hoàng Văn Đạt là học sinh khiếm thị đầu tiên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Hải Dương
đã đoạt giải nhất môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh 


Biến cố bất ngờ

"Em Đạt là cậu học sinh để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Đạt sống sâu sắc, chín chắn hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Ở em không có sự tự ti, mặc cảm thường thấy ở nhiều người khuyết tật.

Căn phòng trọ chật chội của hai chị em Đạt nằm trong một ngõ nhỏ ở đường Nhữ Đình Hiền, phường Tân Bình (TP Hải Dương). Từ 3 năm nay, chị gái của Đạt đã trở thành đôi mắt sáng đưa Đạt đến trường. Mùa đông cũng như mùa hè, ngày nào hai chị em cũng dậy từ 5 giờ nấu cơm ăn sáng, học bài... Đến 6 giờ 30, chị Hoàng Thị Hà, chị gái Đạt lại chở cậu đến trường, sau đó rẽ vào chợ mua thức ăn rồi mới đi làm. Vất vả, thiếu thốn nhưng căn phòng trọ nhỏ của hai chị em lúc nào cũng ríu rít tiếng nói, tiếng cười. Nhìn bề ngoài, khó có thể phát hiện ra Đạt là người khiếm thị. Ngày ngày, cậu vẫn đi bộ tập thể dục, chăm chỉ giúp chị làm việc nhà, vẫn say mê đàn, hát, sống lạc quan và vô tư đúng với lứa tuổi 21 của mình.

Biến cố đến với Đạt vào năm 2009. Khi đó, Đạt đang là học sinh lớp 10, Trường THPT Thanh Hà. Đang cùng bố mẹ thu hoạch vải, đột nhiên mắt Đạt đau nhức không thể chịu nổi rồi mờ hẳn đi, đến mức Đạt không thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh. Trên đường đến bệnh viện, Đạt đã không còn nhìn thấy ánh sáng. Lúc nghe bác sĩ kết luận mắt em bị Glocom, không thể hồi phục được nữa, Đạt không hề khóc. Em vẫn bình tĩnh nói với bác sĩ: “Bác sĩ cố gắng điều trị cho cháu, thà rằng méo mó có hơn không...” Sau khi phẫu thuật, ánh sáng trở lại với em trong phạm vi... 10 cm. Thị lực quá yếu khiến ước mơ đến trường của Đạt dang dở. Sau một năm bảo lưu kết quả, Đạt quyết tâm quay trở lại trường học. Thế nhưng chỉ được 21 ngày, em phải nhập viện vì thị lực suy giảm trầm trọng. Giai đoạn này, Đạt trở thành bệnh nhân thường trú tại bệnh viện. Có tuần, em phải lên viện tới 2 lần. Bố mẹ em gầy rộc đi vì đau buồn, mẹ và chị phải đút cho em từng thìa cơm, kinh tế gia đình kiệt quệ sau những lần điều trị. Ba năm, Đạt giấu trong lòng sự tuyệt vọng, chán chường. Ngoài thời gian ở bệnh viện, hằng ngày, em chỉ biết quanh quẩn ở nhà giúp bố mẹ những công việc lặt vặt. Đã có lúc em mất đi niềm tin vào cuộc sống. Khi chúng tôi hỏi: “Điều gì đã giúp Đạt vượt qua những ngày tháng đen tối ấy?”, Đạt hóm hỉnh bảo: "Em đã suy nghĩ và thấy mình còn trẻ quá, học hành dang dở, chưa làm được gì để báo hiếu được cho bố mẹ. Hơn nữa, bàn tay con gái có mấy ngón em còn chưa biết thì dễ gì mà từ bỏ cuộc sống được!”.

Đi qua bóng tối

Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, năm 2012, Đạt xin bố mẹ cho theo học lớp xoa bóp bấm huyệt của Hội Người mù huyện Thanh Hà. Sau đó, Đạt được cử lên Hội Người mù tỉnh để tiếp tục học chuyên sâu về Đông y. Bên cạnh lớp Đông y Đạt theo học có một lớp học ghi-ta dành cho người khiếm thị. Đạt cảm thấy rất thích thú nên đã xin theo học. Mặc dù vào học sau những học viên khác trong lớp đến 1 năm nhưng với sự yêu thích, cần cù, Đạt nhanh chóng trở thành học viên xuất sắc nhất lớp. Theo học ghi-ta được hơn 1 năm rưỡi thì Đạt mắc chứng viêm khớp. Các khớp ngón tay sưng tấy, đau nhức khiến Đạt phải bỏ học giữa chừng. “Em theo học Đông y để có một nghề nuôi sống bản thân, theo học ghi-ta để tìm niềm vui trong cuộc sống. Còn ước mơ của em vẫn là hoàn thành chương trình học phổ thông. Ngay từ lúc còn ở nhà điều trị, thấy bạn bè được đi học, em chỉ thèm được cùng các bạn đến trường thôi!”, Đạt tâm sự. Khát khao được học văn hóa, Đạt xin học tiếp chương trình phổ thông tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Hải Dương. Được đi học lại, Đạt cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đạt tự nhủ phải thật cố gắng để hồi phục những kiến thức cũ và theo kịp chương trình trên lớp. Đạt học bằng... tai là chủ yếu nên trên lớp, thầy cô viết đến đâu đọc đến đấy để Đạt dễ tiếp thu. Kỷ niệm khiến Đạt nhớ nhất là lần làm bài kiểm tra đầu tiên, Đạt loay hoay mãi mà không chép được đề bài trên bảng. Lúc ấy, cô Hương, giáo viên bộ môn đã chép đề giúp. Sau lần đó, cứ mỗi giờ kiểm tra, các bạn lại bảo nhau giúp đỡ Đạt. Nhiều hôm các bạn còn đưa đón Đạt đến trường.

Cô Lê Thị Bích Liên, giáo viên chủ nhiệm của Đạt cho biết: "Em Đạt là tấm gương về nghị lực, vượt khó trong học tập. Trong hai năm học tại trường, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Vừa qua, em còn đoạt giải nhất môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Em là học sinh khiếm thị đầu tiên của trung tâm từ trước đến nay đạt được danh hiệu này". Ở trường, Đạt không theo học chương trình giáo dục đặc biệt mà học cùng với các bạn học sinh bình thường khác. Mặc dù gặp nhiều khó khăn hơn các bạn trong việc tiếp thu kiến thức nhưng Đạt rất chăm chỉ và có phương pháp học tập của riêng mình. Đạt học giỏi đều các môn và đặc biệt có năng khiếu về các môn tự nhiên. Đạt cũng là một trong không nhiều học sinh viết văn giỏi ở trường.

Thầy Trần Hải Sức, giáo viên môn toán, là người đồng hành với Đạt trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cho biết: "Em Đạt là cậu học sinh để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Đạt sống sâu sắc, chín chắn hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Ở em không có sự tự ti, mặc cảm thường thấy ở nhiều người khuyết tật. Không ai có cảm giác em là một người khuyết tật, cần phải đối xử một cách khác biệt". Đạt có thái độ học rất nghiêm túc. Trong giờ học, Đạt rất chăm chú lắng nghe. Có điều gì chưa hiểu, sau giờ học, Đạt trực tiếp gặp hoặc gọi điện cho thầy cô để hỏi lại. Ngoài giờ học trên lớp, Đạt vẫn học và làm thêm về Đông y nhưng tất cả bài tập về nhà, Đạt đều hoàn thành tốt.

Đối với Đạt, việc có thể tiếp tục đến trường và đạt thành tích cao trong học tập là một điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu đó được tạo nên từ sự nỗ lực không ngừng của bản thân Đạt và hơn cả là tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô, bạn bè.           

KHÁNH CHI

(0) Bình luận
Cậu học trò khiếm thị đi tìm “ánh sáng”