Cầu Phú Lương qua sông Thái Bình trên đường 5 nhộn nhịp, ai cũng biết. Nó kéo vùng quê yên ả gần với thành phố đang mạnh mẽ sinh sôi. Cầu mở nhịp yêu thương, sông đắp bồi năm tháng. Trong dòng chảy lớn lao ấy thấp thoáng có dòng nhỏ của riêng tôi.
Tuổi thơ, chiều chiều gánh dậm trên đê. Dù giỏ đầy hay vơi cũng dành thời gian ngắm sông và trò chuyện. Chuyện về những cánh buồm bao lần vội vã ra đi chỉ để lại đôi bờ nắng lóa. Đò chẳng một lần sang ngang để bên này và nắng lóa bên kia gặp gỡ . Họ có đánh dậm không? Có mái rạ khói lan? Có trồng na, trồng bưởi? Họ có gọi sông Thái Bình là sông Cái như chúng tôi không?
Ao ước rồi cũng thấu: Mẹ con tôi quyết định lên “tỉnh” thăm bố tôi đang làm việc ở cơ quan. “Tỉnh” nằm bên kia sông Cái. Muốn sang, chúng tôi phải qua một cây cầu, mà cầu thì xa lắm. Ôi, hồi hộp làm sao! Ý nghĩ về một cây cầu làm tôi thao thức . Mong ngóng được qua sông nên tôi guồng bộ gần hết nửa ngày đường không mệt. Khi cầu lờ mờ hiện, tôi thảng thốt kêu lên: Cầu cong vồng thế kia ai mà leo lên được!… Tới gần, xấu hổ: Cầu không cong, đó là khung nhịp cong thôi.
Đi trên cầu gần tới giữa sông thì mẹ tôi hai mắt nhắm nghiền, run bần bật. Ra vẻ đàn ông, tôi bảo mẹ: Cứ bám chặt lấy con, lần theo tay vịn mà đi, chẳng có gì đáng sợ. Nói vậy, nhìn nước chảy xiết thẳm sâu tôi cũng hơi rờn rợn nơi chân. Thế rồi cũng qua được sông: Tôi đã lớn!
Lên cấp ba, học sinh nông thôn phải trọ trên thị xã. Dẫn đưa tôi, mẹ quẩy đôi sọt vừa gạo vừa khoai. Tôi khoác túi sách vở cùng chai mắm cáy. Lẽo đẽo theo sau, chân bước sàn cầu. Con dẫm phải giọt mồ hôi của mẹ!
Tuần nào cũng đi về, tôi quen thuộc cầu qua từng thanh ván lát. Thích thú với lửa hàn tỏa từ vòm cao. Quen nhịp rung mỗi khi cầu căng thân đón đưa tàu hỏa. Lo lắng khi nước cả, man mác buồn sông trôi.Yêu những con thuyền nhọc nhằn bờ than bãi cát, căng chão thả neo. Đôi khi giữa cầu dừng chân gọi gió. Gió từ mặt sông, gió từ cánh buồm, gió từ làng xa tắp… gió bốn phương.
Gần cuối cấp ba, tôi có giấy gọi nhập ngũ. Chiến trường đang nóng lên mà. Tự hào chia tay quê hương, thày bạn và… không thể nào quên cây cầu sông nước tuổi thơ. Thanh sắt à, tay vịn!… Đang xoa xoa vỗ vỗ chợt nghe cô bạn nhè nhẹ sau lưng: “Không thể trách ai vô tình được nữa?”... Thế là lắng đọng không gian, thế là tay lan can nhích nhích và rồi tay chạm vào tay.
Sau mấy năm xa, đến một lần về thăm quê chuẩn bị đi Nam, người yêu dẫn tôi ra đò Gốc Mít. Em kể: “Đò ngang này ở phía hạ lưu, cách cầu đến hơn cây số… Mỹ đánh gẫy cầu Phú Lương. Để thông “cuống họng” Hà Nội - Hải Phòng, để nuôi kháng chiến phải giữ bằng được giao thông. Bây giờ có thêm cầu tạm đường sắt, cầu phao và hàng chục bến phà anh ạ… Riêng ngày 23-12-1965, vùng cầu hứng chịu năm chục quả bom. Người chết, nhà cháy… Nhưng sông vẫn xanh trong!...” Tôi nhìn sâu vào mắt người yêu để hiểu cầu, hiểu sông và cũng là để hiểu em. Ấy thế mà ngồi dưới thuyền, khi nhìn thấy cầu gẫy tôi lặng thắt run run. Bất giác tay tìm chỗ vịn cũng may gặp tấm vai em.
Bây giờ cầu Phú Lương mới ngược xuôi mấy làn xe. Ban ngày kiêu dũng như muốn nhấc cả thành phố bay lên. Ban đêm, lưng trời mặt nước sao sa như vũ hội thanh bình. Nhưng từ thành phố về quê, tôi vẫn thích đi theo cầu sắt cũ. Có lúc dừng lại chỗ tay nắm tay nhau, em bảo: "Cầu không già anh nhỉ?". "Đúng! em không già, anh không già và sông vẫn thế"…
Tôi không hiểu cái lý của người ta khi không dựng ở đây một nhóm tượng đài, mặc dù để giữ cầu, quân dân vùng cầu đã bắn nhiều chục máy bay Mỹ tan thây. Sông vẫn trong xanh.Trên dòng sông năm tháng của tôi, cầu Phú Lương thân yêu vẫn uy nghi như một tượng đài.