Đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng trong hoàn cảnh càng khó khăn, ngặt nghèo, những tấm lòng nhân ái càng được phát lộ.
Nó giúp chúng ta có thêm niềm tin vào sự tử tế trong cuộc sống hiện đại.
Những chuyến xe 0 đồng gửi điểm nóng dịch bệnh
Hơn 100 tấn rau củ, quả này là tấm lòng của người dân tỉnh Lâm Đồng gửi đến tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 và các khu cách ly tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tỉnh đoàn Lâm Đồng
Tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi các địa phương lần lượt “chao đảo” vì Covid-19.
Ngay từ đầu năm 2021, khi Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi đến các tỉnh miền Nam trở thành “điểm nóng” tâm dịch, hàng trăm nghìn chuyến hàng chở lương thực từ tươi sống cho tới đồ khô đã được trao tặng cho các nhân viên y tế, người dân, lao động thất nghiệp ở các khu vực dịch bệnh. Sự hỗ trợ này không chỉ kịp thời bù đắp phần nào sự thiếu thốn về mặt vật chất cho người dân vùng dịch, mà còn là nguồn động viên lớn về mặt tinh thần cho họ.
Hành động nhân văn ấy của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp là minh chứng cho thấy tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của dân tộc Việt Nam, rằng sẽ không ai bị bỏ rơi trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Giảm tiền thuê nhà, miễn phí nhà trọ
Chị Đặng Tuyết Hương (Ninh Kiều, Cần Thơ) miễn tiền nhà trọ 3 tháng và tặng quà cho người lao động
Khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trải qua giai đoạn giãn cách xã hội, hầu hết các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Gánh nặng tài chính đè nặng lên vai các chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cũng như những người thuê nhà đang bị mất việc làm.
Từ đó, các chủ nhà, cửa hàng kinh doanh bắt đầu miễn giảm cho người thuê để cùng nhau chia sẻ gánh nặng tài chính trong bối cảnh đại dịch khó khăn.
Đặc biệt, có những chủ nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn sẵn sàng cho người lao động khó khăn vào ở miễn phí khi có phòng trống. Chị Đặng Tuyết Hương (Ninh Kiều, Cần Thơ) là một trong số những chủ nhà trọ đã miễn 3 tháng tiền thuê cho 25 phòng trọ của gia đình. Chị nói mặc dù thu nhập của chị cũng bị giảm sút vì phải đóng cửa nhà hàng, nhưng chị vẫn muốn san sẻ bớt khó khăn với mọi người.
Không chỉ hỗ trợ bà con ở trọ, chị Hương còn đóng góp gạo, nhu yếu phẩm cho chợ 0 đồng ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, trao hàng trăm thùng mì cho bà con bán vé số dạo…
Những cá nhân như chị Hương là hình mẫu khuyến khích cộng đồng cùng chung tay san sẻ với các hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn khó khăn.
Anh bộ đội nhận đỡ đầu 3 trẻ mồ côi
Hai vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên và 3 anh em mồ côi được anh nhận đỡ đầu
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên (trợ lý quân khí, Ban Chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) là người đã nhận đỡ đầu cho 3 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ trao tro cốt những người mất vì Covid-19, anh Kiên đã vô cùng xúc động trước hoàn cảnh mồ côi của những đứa trẻ đáng thương. Lòng trắc ẩn của một ông bố 2 con đã khiến anh quyết định nhận đỡ đầu cho 3 anh em mồ côi nghèo khó đang ở cùng bà ngoại năm nay đã 87 tuổi.
Việc làm của anh được gia đình, đơn vị, đồng đội, bạn bè và cộng đồng ủng hộ. Hiện tại, 3 cháu đang sống cùng bà ngoại tại phường 8, quận 4. Hàng tuần, anh mang lương thực gửi cho mấy bà cháu, hằng ngày, anh gọi điện hỏi thăm tình hình các cháu. Cuộc sống của anh từ khi có thêm 3 đứa con bị đảo lộn hoàn toàn.
Ngoài vấn đề tài chính, anh phải sắp xếp thời gian rất khéo léo để thỉnh thoảng đón các cháu về nhà dạy bảo, chăm sóc. Từng sống trong hoàn cảnh nghèo khó nên các cháu cũng không được tạo điều kiện học tập tốt như những đứa trẻ khác. Anh Kiên lại trở thành “gia sư” phụ đạo online cho các cháu.
Trong tương lai gần, anh đặt mục tiêu sẽ xây lại cho 4 bà cháu căn nhà mới, đồng thời dành thời gian quan tâm để các cháu ổn định tâm lý hơn.
Tặng xe máy cho người nghèo
Anh Nguyễn Thanh Tòng (phải) tặng chiếc xe máy SH cho anh Lê Xinh Dân
Đầu tháng 8, anh Lê Xinh Dân (sinh năm 1982) bị khách lừa lấy mất chiếc xe máy mưu sinh. Không biết phải làm thế nào, anh ngồi vất vưởng bên ngoài ngôi nhà xảy ra sự việc, thu hút sự chú ý của người dân qua lại.
Câu chuyện của anh được ai đó ghi lại và đưa lên mạng xã hội. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, anh Nguyễn Thanh Tòng (sinh năm 1971) sống ở gần đó đọc được câu chuyện của anh Dân. Anh Tòng đã tìm cách liên hệ và mời anh Dân qua nhà mình.
Sau khi hỏi thăm tình hình, anh Tòng ngỏ ý tặng chiếc xe máy SH của mình cho người xe ôm. Anh Tòng cũng cho biết chiếc xe máy vợ chồng anh tặng cho anh Dân không phải là chiếc đầu tiên gia đình tặng cho những hoàn cảnh khó khăn. Gia đình anh đã từng trao tặng hơn chục chiếc xe máy các loại cho nhiều người nghèo.
Ông chủ quán cơm tấm Sài Gòn cũng cho biết anh thường làm từ thiện ở quy mô gia đình - tự tìm đến các hoàn cảnh trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa để tặng quà chứ không đi theo hội nhóm nào cả. Những người được anh tặng xe cũng là những người lao động lương thiện, chăm chỉ làm ăn nhưng không có phương tiện đi lại, hoặc cả gia đình chỉ có 1 chiếc xe.
Ông chủ quán cơm tấm cho biết trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn này, anh rất cảm thông với những người lao động chịu thương chịu khó và muốn làm gì đó để giúp họ vượt qua hoàn cảnh.
Anh Huỳnh Bảo Toàn bên cạnh chiếc xe máy mới sẽ tặng cho người giao hàng va chạm xe với mình
Cũng giống như anh Tòng, nhiều câu chuyện tặng xe khác cũng từng được báo chí nhắc đến trong thời gian qua. Gần đây nhất là câu chuyện bác bảo vệ bị lừa lấy mất xe, sau đó đã được một mạnh thường quân tặng một chiếc xe mới. Trước đó là trường hợp một người đàn ông giao hàng va chạm với một chiếc xe ô tô sang trọng. Nhưng không những không bị bắt đền, người đàn ông này còn được chủ xe tặng một chiếc xe máy mới thay cho chiếc xe máy “cà tàng” anh đang đi.
Những tấm lòng thơm thảo giữa hoàn cảnh khó khăn của đại dịch cho thấy lòng tốt vẫn còn rất nhiều xung quanh chúng ta.
Theo Vietnamnet