Lễ cầu an và thả hoa đăng là một nghi lễ đặc trưng được tổ chức tại Lễ hội truyền thống đền Kiếp Bạc hằng năm, nhằm tôn vinh công đức to lớn của Hưng Đạo Đại vương và quân dân Đại Việt hy sinh qua các triều đại để bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Bế mạc Liên hoan diễn xướng hầu Thánh tại đền Kiếp Bạc
Hàng nghìn nhân dân địa phương và du khách tề tựu dự lễ cầu an và thả hoa đăng trên dòng Lục Đầu giang lịch sử
Đêm Vạn Kiếp lung linh huyền thoại
Đến Côn Sơn-Kiếp Bạc một lần trong đời là mong muốn của mọi người dân đất Việt. Còn ở lại được với đêm Kiếp Bạc để tự tay thả một bông hoa đăng xuống dòng Lục Đầu giang lịch sử là may mắn của bất cứ người nào. Trong đoàn du khách từ Hải Phòng về Kiếp Bạc những ngày diễn ra lễ hội, bà Hoàng Thị Thảo ở Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết năm nay bà cùng gia đình sẽ ở lại Kiếp Bạc để tham gia Lễ cầu an và thả hoa đăng. "Tôi đã nhiều lần đến Côn Sơn-Kiếp Bạc nhưng chưa một lần được dự lễ cầu an. Sau khi tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, năm nay cả nhà sẽ dự buổi lễ này. Gia đình tôi cũng có nhiều liệt sĩ, nên buổi lễ này sẽ càng ý nghĩa", bà Thảo nói.
Mảnh đất Vạn Kiếp in đậm dấu ấn lịch sử lẫy lừng, gắn với công lao của các bậc quân vương, quân và dân Đại Việt trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc. "Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thủy bất thu thanh", nghĩa là: Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm/ Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh.
Tối 13.9, nghi thức cầu an được bắt đầu. Các nhà sư trang nghiêm cử hành nghi lễ để tưởng nhớ, tri ân công đức cao dầy của các bậc thánh vương, quân và dân Đại Việt trong công cuộc bảo vệ đất nước chống ngoại xâm. Cầu cho các vong hồn được siêu thoát, cầu các vị Phật thánh, thần tiên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mùa màng tốt tươi, cá tôm đầy thuyền, người dân đất Việt an khang, thịnh vượng, đất nước mãi mãi thái bình.
Trước đền Kiếp Bạc là dòng sông Lục Đầu huyền thoại chạy qua với chiều dài hơn 10 km, chỗ rộng nhất hơn 1 km chảy sát qua đất Vạn Kiếp. Sông Lục Đầu hội nước 4 dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Bốn dòng sông ấy, ngoài các tên quen thuộc, đều có thêm một tên Hán tự có chữ "đức" đứng sau: sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu (Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), sông Lục Nam (Nhật Đức), dòng chính về xuôi thì có tên là sông Thái Bình. Người xưa coi Lục Đầu giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ, mang thái bình, yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân.
Với hệ thống sông Lục Đầu, cùng với đường bộ thuận tiện, từ Kiếp Bạc có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng, nên đây là vị trí chiến lược, "quyết chiến điểm" mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ.
8.000 ngọn hoa đăng được thả xuống dòng Lục Đầu để cầu siêu thoát cho linh hồn các binh sĩ, nhân dân Đại Việt tử trận trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước
Ở thế kỷ X, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Cầu. Khu vực Vạn Kiếp - bến Lục Đầu là chiến tuyến Vạn Xuân của vua Lý. Tại đây, quân dân Đại Việt đã tiêu diệt hàng nghìn quân xâm lược, góp phần bảo vệ đất nước dưới triều Lý.
Thế kỷ XIII, đế quốc Nguyên Mông đều lấy Lục Đầu giang là mục tiêu đánh chiếm để làm bàn đạp tấn công lên Kinh thành Thăng Long. Tháng 6.1285, Hưng Đạo Đại vương tổ chức đánh trận Vạn Kiếp lịch sử, tiêu diệt trên 20 vạn quân Nguyên Mông ở đoạn sông này. Phó tướng Lý Hằng của giặc bị tiêu diệt tại trận. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để chạy thoát thân. Chiến thắng Vạn Kiếp đã kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ hai của dân tộc. Tháng 3.1288, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông lần thứ ba, Hưng Đạo Vương tổ chức cuộc phản công chiến lược đánh đuổi quân giặc từ Kinh đô Thăng Long dồn về Vạn Kiếp. Tại bến sông lịch sử này, Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy quân dân khóa chặt đường rút quân của quân Nguyên Mông về phía bắc Lạng Sơn, ép chúng phải rút chạy theo đường ra Biển Đông, để tổ chức trận đánh quyết chiến chiến lược tại Bạch Đằng. Tháng 6.1288, Hưng Đạo Vương tổ chức trận Bạch Đằng tiêu diệt 30 vạn quân Nguyên Mông, đập tan ý đồ xâm lược, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba. Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông, đem lại thái bình cho đất nước, Hưng Đạo Vương về nghỉ tại thái ấp của ông ở Vạn Kiếp.
Nghi lễ linh thiêng và nhân văn của người dân đất Việt
Ngọn tháp 9 tầng tượng trưng cho trục nối, giao thoa trời - đất, âm - dương
Lễ cầu an trên sông Lục Đầu là một nghi lễ linh thiêng, mang ý nghĩa lịch sử văn hóa và nhân văn sâu sắc và tồn tại mãi với Lễ hội đền Kiếp Bạc hàng trăm năm qua.
Vạn Kiếp núi non hùng vĩ/ Lục Đầu sông nước mênh mang/ Hào khí ngất trời muôn thuở/ Võ công sáng chói ngàn năm!
Nghi lễ được tổ chức trên đê sông Lục Đầu, bến Vạn Kiếp không thể thiếu đàn tháp với 9 tầng tượng trưng cho trục nối, giao thoa trời - đất, âm - dương. Hoa văn ở các tầng thể thiện cả Phật - Đạo - Nho tạo nên một bức tranh đa sắc màu lộng lẫy, biểu hiện của sự hòa hợp tam giáo. Hàng nghìn hoa đăng lung linh, dập dềnh theo sóng nước Lục Đầu giang huyền thoại làm bừng sáng cả góc trời Vạn Kiếp. Trên không trung, dàn pháo bông vụt sáng, rực rỡ cả không gian. Tất cả tràn ngập trong không khí thiêng liêng, huyền ảo. Một cảm giác nhẹ nhàng, phấn chấn và siêu thoát thực sự choáng ngợp, chắc hẳn sẽ đọng lại trong lòng mỗi người sự biết ơn, niềm kiêu hãnh, tự hào.
Việc dựng đàn tháp cầu an trên đường thần đạo, nội minh đường đền Kiếp Bạc và trên đê sông Lục Đầu là biểu thị nét đẹp văn hoá tâm linh trong việc ứng nhân, xử thế và gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc.
Màn bắn pháo bông rực rỡ kết thúc cho buổi lễ cầu an và thả hoa đăng
Tương truyền, tại khúc sông Lục Đầu, Trần Hưng Đạo thả kiếm, sau này đã hình thành một bãi bồi chạy dài rất giống hình thanh kiếm, dân gian gọi đó là Cồn Kiếm. Bãi bồi ngày nay vẫn còn trên dòng sông Lục Đầu trước cửa đền Kiếp Bạc. Huyền thoại bãi kiếm thần của Trần Hưng Đạo, muốn nhờ sóng nước Lục Đầu hay siêu thực hơn là lấy cái Đức sáng của Thiên, Minh, Nhật, Nguyệt gột rửa chiến tranh, để giữ vững thái bình. Triết lý tư duy chiến tranh - hoà bình. Đó là một cổ mẫu từ thời huyền thoại - huyền tích với biểu tượng Lửa - Nước nhằm cầu tạnh, chống lũ lụt hay cầu mưa của cư dân nông nghiệp cổ.
Đêm tiết thu tháng tám, buổi lễ càng thêm ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người dân đất Việt. Không chỉ tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc ở các triều đại mà còn cầu cho vong hồn kẻ bại trận trên sông Lục Đầu.
Quả thực là:
Núi Trán Rồng muôn ngọn lô xô
Sông Lục Đầu ngàn thu sóng vỗ
Một vùng tú khí chung linh vạn thuở võ công bất hủ.
TIẾN HUY - THÀNH CHUNG