Minh họa: Văn Hà
Chiếc xe Toyota dừng trên đê. Người lái xe xuống mở cửa sau cho sếp. Ông Bình bệ vệ trong bộ com-lê màu trắng bước xuống xe tìm lối sang bãi bồi ngoài bờ đê, nơi có rừng cây bạch đàn cao vút, đều tăm tắp. Ông dang tay ôm cây bạch đàn, hít mùi thơm cay cay trên vỏ, ước lượng tuổi của chúng. Hai bàn tay vừa chạm nhau khít một vòng. Ông khoan khoái bước đi bước lại, qua các gốc, tìm khoảng cách, rồi đứng lặng hồi lâu nhìn trời, nhìn bờ đê, nhìn dòng sông như sống lại một thời quá khứ. Rồi ông bước lên xe lao xuống chân đê trên con đường nhựa chạy dài vào khu dân cư nhộn nhịp, xưa kia là con đường mòn xuyên giữa cánh đồng lúa mênh mông. Xe dừng lại bên quán cà phê, anh lái xe chạy vào hỏi thăm người đàn bà trung tuổi đang bán hàng: “Chị cho tôi hỏi nhà thầy Tình ở trong khu làng này?”. Chị chủ quán ngơ ngác: “Thầy Tình nào?” Thầy Tình là Hiệu trưởng trường tư thục Hoa Đào bốn mươi năm trước?”. Chị chủ quán “à” lên một tiếng.
Rồi theo sự chỉ dẫn của chị, ông Bình đi tìm người con trai cả của thầy Tình ở ngôi biệt thự 233 trong khu Cẩm Hoa Viên. Vào nhà, ông Bình mới biết thầy Tình đã mất cách đây vài năm. Bây giờ đứng trước tấm ảnh thầy trên bàn thờ, hai tay ông run run dâng nén nhang, mắt nhoè lệ… Ông như thấy thầy Tình đang đứng trước mặt đưa tay xoa đầu ông: “ Bình chui phải không?”
*
Bình là đứa trẻ nổi tiếng ở xóm Trại ngoài đê sông Đáy, có hơn hai chục mái nhà mới mọc lên trên bãi nổi dọc chân đê. Nói đúng hơn là những cái lều lợp tôn, lợp lá, ni-lông, dựng bằng những cây tre tạm bợ. Già trẻ, trai gái đều sống bằng nghề ve chai, hay đi ăn xin. Không hộ khẩu, không điện, nước, chỉ có những lối mòn lầy lội, bụi bẩn dẫn đến chỗ chui ra chui vào. Người lớn gầy yếu đi liêu xiêu, trẻ con lôi thôi nhếch nhác, quần áo cái chật, cái rộng không hợp với người, vì toàn đồ đi nhặt, đi xin.
Những ai có việc đi ngang qua xóm bờ đê đều đi thật nhanh như sợ có ma rình rập. Chính vì vậy mà những cư dân ở đây ngày ngày tách biệt với thế giới xung quanh. Bên trong đê chỉ một vài cây số, làng xóm đông vui, xa hơn nữa là thị trấn Lý Phủ, tối tối đèn điện sáng một góc trời.
Bình là đứa trẻ duy nhất của xóm vô gia cư được đi học, còn phần đông là không biết đọc, không biết viết tên mình. Mẹ Bình sống bằng nghề đánh dậm, tuy không dễ kiếm tiền bằng đi ăn xin, nhặt ve chai nhưng bù lại được nhiều ông bố, bà mẹ trong xóm kính nể vì đã xin cho con được đi học.
Từ bé Bình đã thích đọc, thích viết, cầm quyển sách là nâng niu, nhặt được tờ báo là vuốt ve cất giữ. Năm lên sáu tuổi Bình giục: “Mẹ xin cho con đi học?”. Người mẹ buồn rầu: “Nhà nghèo lấy tiền đâu đi học? Cả xóm này có đứa nào đi học đâu?”. Bình giậm hai chân khẳng khiu như hai cái ống giang đang đứng trên tổ kiến lửa giật áo mẹ giẫy nẩy: “Con thích đi học, nếu không sẽ nhảy sông”. Câu nói vô tình hay hữu ý từ miệng đứa trẻ làm bà nổi da gà choáng váng vì biết tính con đã nói là làm, đã làm là làm đến cùng không sợ. Từ đó bà mang nỗi lo trong lòng.
Vào đầu hè, bà đi nhiều nơi xin học cho con, nhưng không ở đâu nhận vì Bình không có giấy khai sinh, hộ khẩu. Bà buồn rầu, chán nản, không còn cách nào, đành bỏ mặc con mình cho số phận như bao đứa trẻ xóm bên sông. Rồi mải kiếm sống bà quên việc xin học cho con.
Biết mẹ vất vả không xin được học, Bình lầm lỳ, toan tính ít nói hơn mọi ngày. Những lúc buồn, nó lên trên đê, trèo lên cây đa nhìn dòng sông, nhìn ngôi trường xa xa trong làng.
Mấy hôm sau bà cố tới trường tư thục Hoa Đào, một trường bán công mới thành lập cách xa nhà khoảng 2 km. Thường trực trường là thầy hiệu phó, người cao gầy, mặt xám đen dài như “bắp chuối”. Ông ngồi vắt hai chân lên bàn đọc báo, ngước nhìn người đàn bà lôi thôi, nhếch nhác bước vào phòng, khép nép dựa chiếc nón ở góc tường, rụt rè ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Bà lúng túng chưa biết mở đầu thế nào thì tiếng thầy hiệu phó ồm ồm: “Bà đi đâu?”. Người đàn bà run rẩy nói lí nhí: “Em đến xin học cho cháu”. Giọng thầy như quát: “Giấy tờ đâu?” Bà ú ớ: “Em không có”. “Bà về mang đến đây”. Câu nói đã nhàm, nhưng bà không đứng lên nổi vì không có chỗ để về lấy giấy. Người đàn bà ngồi như chết cho đến khi thầy hiệu phó trợn mắt, vò nhàu tờ báo vứt xuống chân bàn, tiện chân đá chiếc nón ra cửa. Bà lao theo nhặt chiếc nón cắp vào nách, chạy ra giữa cổng trường, đứng dưới nắng hè rừng rực đang uốn những ngọn cỏ quăn queo. Bà ngước nhìn dòng chữ chạy dài trên mái trường: “Dạy thật tốt, học thật tốt”. Mắt bà nhoè đi, hai dòng nước mắt quyện mồ hôi tuôn từ hai hố mắt thâm quầng, sâu thẳm, đăm chiêu dưới gò má cao rám nắng, loang lổ tàn nhang.
Bà cùng quẫn, định đi ra bờ sông. Có lẽ ở đó sẽ giải toả cho bà. Thôi, phó mặc trời. Đời bà đã khổ lại không giúp gì đời con. Bà kiệt sức đứng liêu xiêu dưới ánh nắng trưa hè, ngửa mặt lên trời hai tay ôm ngực như một phản ứng tự nhiên trong con đường cùng không lối thoát, trút nỗi niềm than với trời đất: “Còn ở đâu nhận con tôi vào học không? Nó sẽ nhảy sông mất”. Vừa lúc ấy, thầy Tình hiệu trưởng dắt chiếc xe đạp Thống Nhất đi ngang qua nghe giọng quen quen liền quay lại. Thầy nhận ra người đàn bà đánh dậm, bán cá chợ chiều trên thị trấn. Thầy thích mua những mớ cua, cá con sống, con chết trong giỏ tre đeo trên cán dậm. Người đàn bà quay lưng đi thầy gọi: “Chị lại tôi hỏi. Chị xin học cho cháu nào?”. Người đàn bà thẫn thờ, buông tiếng thở dài: “Thầy hỏi làm gì?”. Bối rối nhận ra người khách quen ở chợ chiều, như người đắm thuyền vớ được mảnh ván, người đàn bà cởi mở: “Em đến xin học cho cháu mà không có giấy khai sinh?”. Thầy Tình trầm ngâm hồi lâu rồi nhẹ nhàng: "Mời chị vào phòng tôi”.
Nhờ thầy Tình, Bình được đi học, nhưng những kỳ xét học sinh tiên tiến, học sinh giỏi hay đi thi thời ấy, Bình không được đi vì không phải là học sinh chính thức, hồ sơ chỉ có tờ sơ yếu lý lịch không dấu. Bình trở thành cậu học trò cá biệt của trường, thường là đề tài tranh cãi trong cuộc họp. Thầy cô thông cảm bỏ qua, người nguyên tắc thì nhân việc đó muốn hạ uy tín của thầy Tình. Tất cả chỉ vì cái giấy khai sinh. Tuy vậy Bình vẫn đi học hết lớp một, lớp hai… trong sự bao dung của đa số thầy cô, bạn bè. Trong kỳ thi kiểm tra, bao giờ Bình cũng được điểm cao nhất trường.
*
Chuyện học của Bình bắt đầu rắc rối từ kỳ thi xét học sinh giỏi hết cấp. Bình được cô giáo báo cáo là tấm gương trước toàn trường vì tất cả các môn đều loại giỏi. Nhiều thầy cô quý mến, bạn bè khâm phục. Nhưng thằng Tấn con thầy hiệu phó thì không bằng lòng ra mặt. Một hôm đi học về nó nói với bố: “Thằng Bình ở lớp con học chui đã mấy năm mà bố cứ để vậy. Bố cho nó nghỉ học là không đứa nào giỏi hơn con, bố cũng sướng”. Ông hiệu phó gật gù ngẫm đúng. Chuyện thằng Bình đã đưa ra họp hội đồng nhà trường nhiều lần nhưng chưa giải quyết dứt điểm. “Về lý thì sai, vì tình lại đúng. Nó là đứa trẻ có tội gì mà không được đi học. Chả nhẽ chỉ vì thiếu cái giấy khai sinh mà loại bỏ một học sinh giỏi hay sao?” - Lời thầy Tình hiệu trưởng, ban giám hiệu đã đưa ra bàn mãi. Nể thầy Tình nên chuyện cứ qua đi năm này sang năm khác. Hôm nay thằng Tấn nhắc, ông thấy chạnh lòng. Thầy Tình dám đứng ra bảo vệ thằng Bình, chả nhẽ ông lại không che chắn được con mình sao?
*
Một tuần sau thầy Tình được phòng giáo dục huyện gọi lên báo cáo trường hợp học sinh Bình. Thầy Tình không giấu sự thật, trình bày hoàn cảnh em Bình, báo cáo khả năng học tập của em và nhận trách nhiệm làm sai nguyên tắc. Ông trưởng phòng giáo dục nghe xong nhẹ nhàng rút ngăn kéo lấy lá đơn: “Anh đọc đi, lá đơn tố cáo tội của anh đấy. Đúng sai thế nào anh cũng phải làm bản kiểm điểm, chúng tôi sẽ điều tra sau”.
Sau khi xem hồ sơ của cháu Bình và bản kiểm điểm của thầy Tình, trưởng phòng giáo dục huyện ngồi trầm ngâm, vuốt mái đầu bạc trắng, dang hai cánh tay, ngả lưng ra sau chiếc ghế tựa tủm tỉm cười một mình: “Liều một phen được ăn cả, ngã không mất gì? Tay Tình làm được ta cũng thử xem. Cơ hội đang đến, nếu năm nay huyện có học sinh giỏi, ông sẽ được lên lương, lên chức. Mọi chuyện ông đã chuẩn bị sẵn, chỉ thiếu thành tích…” Trưởng phòng xếp bản kiểm điểm lại gọi thầy Tình đang ngồi ở phòng bên sang: “Anh Tình, tôi có ý kiến thế này, anh làm danh sách cho em Bình đi thi học sinh giỏi tỉnh đợt này, còn việc của anh tôi báo cáo lên trên”.
*
Đợt thi tuyển học sinh giỏi toàn tỉnh năm ấy không có danh sách thằng Tấn, con ông hiệu phó. Một nỗi nhục với nhà Tấn vì mấy năm liền Tấn đều được đi thi, năm nay lại không. Tất cả tại ông Tình bao che cho thằng Bình làm cho bố con ông mất mặt.
Ông hiệu phó hậm hực mấy ngày đêm không ngủ, nghĩ cách lên gặp trưởng phòng giáo dục huyện. Ông ngồi đối diện chất vấn: “Tại sao anh lại không cho con tôi đi thi?”. Ông trưởng phòng lạnh nhạt: “Con anh đi thi mấy năm, có được giải gì đâu? Năm nay tôi thay học sinh”. Thầy hiệu phó mặt đỏ gay: “Anh thay cháu nào, chứ không thể cho thằng Bình. Anh có biết nó là con riêng của anh Tình không? Thằng Bình không có bố. Anh Tình phải là cha nó nên mới dám liều bao che như thế”. Ông trưởng phòng nhìn xoáy ông hiệu phó: “Anh có bằng chứng gì không?”. Ông hiệu phó bị hỏi bất ngờ không trả lời được.
Trưởng phòng đứng lên chắp hai tay sau lưng, đi đi lại lại buông một câu lạnh lùng: “Việc đó tôi đã quyết, không phải việc của anh”. Lời trưởng phòng như bát nước lạnh hất vào mặt, làm thầy hiệu phó không nói được câu nào, vội đứng lên bước ra khỏi phòng dắt chiếc xe đạp Phượng Hoàng bó phanh kêu ken két.
*
Sau một chiều tan học thằng Tấn cùng với hai thằng bạn không biết ở đâu đứng đón đường trên đê, gần ngã ba rẽ về xóm Trại. Vừa trông thấy Bình hai thằng xúm lại giằng sách của Bình ném tung xuống chân đê rồi bẻ hai tay Bình quặt ra đằng sau. Sức yếu lại thấp hơn hẳn cái đầu nên Bình không làm gì được chúng. Thằng Tấn cầm con dao nhọn như chiếc lá tre dí vào cổ Bình: “Tao cấm mày đi thi, nếu mày đi đừng trách tao xin tí tiết”. Bình đã quen lời trêu chọc, gây sự của thằng Tấn nhưng lần này quá sức chịu đựng. Mặt Bình đanh lại, mím môi phun những tia nước bọt vào mặt Tấn, cùng lúc cơn gió cuốn tung cát bụi trên đê đáp vào mặt mấy đứa trẻ. Hai thằng giữ tay Bình phải bỏ ra để dụi mắt. Trước khi đi chúng còn quay lại nhắc: “Mày nhớ chưa?”.
Sáng sớm ngày đi thi, thầy Tình đến nhà đón Bình. Mẹ Bình lúng túng lấy vạt áo lau nước mắt: “Mời thầy vào nhà”, rồi không biết chỉ thầy ngồi đâu. Gian nhà mái tôn chật hẹp hơn chục mét vuông không bàn ghế, chỉ có hai mảnh chiếu trải hai đầu nhà. Bình đang ngồi ôm gối bên chồng sách. Thấy thầy, Bình vội đứng lên khoanh tay: “Em chào thầy”. Thầy Tình thoáng nhìn biết có chuyện nên giục Bình: “Em lên xe thầy lai đi cho nhanh”. Bình rưng rưng nước mắt: “Em không đi đâu!” Thầy Tình xúc động dang hai tay yếu ớt kéo Bình vào lòng vỗ nhẹ sau lưng ôn tồn: “Em bình tĩnh kể thầy nghe, thầy hứa sẽ giúp được em, đừng sợ…” Sau khi nghe Bình kể, thầy Tình giật mình vì đạo đức thằng Tấn xuống cấp. Mà cũng phải thôi, “rau nào sâu ấy”. Rồi sau này đời thằng Tấn sẽ ra sao khi có một ông bố như vậy.
Kỳ thi ấy, Bình đứng đầu danh sách học sinh giỏi toàn tỉnh. Bình được cấp học bổng toàn phần, đặc cách vượt cấp đi học tập trung ở tỉnh...
Thế mà đã mấy chục năm… Ông Bình vẫn mê mẩn, lặng phắc trước bàn thờ thầy Tình. Anh lái xe phải nhắc mấy lần ông mới chợt tỉnh. Ban giám hiệu trường tư thục Hoa Đào đang đợi ông. Lịch hôm nay về thăm trường, ông sẽ trao toàn bộ phần thưởng công trình nghiên cứu khoa học ở nước ngoài cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, học giỏi của trường. Một nghĩa cử nhớ thời thơ ấu của học sinh cá biệt “Bình học chui”.
Truyện ngắn của PHẠM XUÂN HIẾU