Trong những năm gần đây, cát tặc hoành hành ở nhiều nơi làm sạt lở đê bao, kè hộ đê, đất bãi sông.
Một đoạn đê bao ở thôn An Quý, xã Nguyên Giáp (Từ Kỳ) bị sạt xuống sông do "cát tặc".
Ảnh chụp sáng 19-4
Sáng 19-4, có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy khoảng 30 m thân đê bao ở thôn An Quý, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) bị sạt gần hết. Đê bao bị sạt khiến đất bãi trồng ngô, lạc, chuối đổ ụp xuống sông Luộc. Bà Phạm Thị Bóng ở đội 4, thôn An Quý, có đất canh tác ở bãi sông cho biết: "Thời gian gần đây, nhiều tàu lớn từ TP Hải Phòng liên tục đến hút cát. Tàu thường hoạt động về đêm và sáng sớm. Mỗi ngày, đê và bờ sông lại bị sạt lở thêm".
Cuối năm 2011, "cát tặc" hoạt động rầm rộ trên sông Luộc qua địa bàn xã này đã làm sạt lở 60 m đê bao bảo vệ hoa màu ở thôn Quý Cao. Gần 5.000 m
2 đất công điền ở bãi sông giao cho các hộ dân canh tác rau màu cũng biến mất vì "cát tặc". Sau một thời gian tạm lắng, đến nay, "cát tặc" lại hoạt động táo tợn hơn năm trước. Theo UBND xã Nguyên Giáp, từ đầu năm đến nay, lúc cao điểm có 7 tàu lớn của TP Hải Phòng và địa phương khác đến hút cát. 3 chủ tàu và nhiều lao động sinh sống tại xã Nguyên Giáp cũng hút cát trên tuyến sông này. Nhiều đoạn đê bao, bờ sông đã bị sạt lở nghiêm trọng, có chỗ sạt sâu vào bờ 10 m. 60 m đê bao thôn An Quý bị sạt lở năm ngoái đã được đầu tư đắp lại. Tuy nhiên, đoạn đê này lại tiếp tục có nguy cơ biến mất. Chính quyền xã đã tổ chức lực lượng ngăn chặn nhưng không có hiệu quả. Người dân canh tác ở bãi sông rất bức xúc trước thực trạng này. Ngày 18-4, UBND huyện Tứ Kỳ đã có kế hoạch ngăn chặn tàu hút cát trái phép. Ngay sáng 19-4, cơ quan chức năng đã phục kích để bắt “cát tặc” nhưng trên sông không thấy chiếc tàu nào hút cát.
Một tàu hút cát trái phép gần bờsông xã Lai Vu (Kim Thành). Ảnh chụp sáng 19-4
Nạn khai thác cát trái phép là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự cố sạt lở bờ sông Lai Vu (xã Lai
Để xử lý triệt để nạn khai thác cát trái phép, chính quyền xã rất cần sự hỗ trợ của chính quyền cấp huyện. Ngoài ra, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các huyện với nhau mới ngăn chặn có hiệu quả. Nếu không có sự phối hợp thì việc bắt giữ "cát tặc" chỉ giống như "đá ném ao bèo".
Ông Đào Quang Thảnh Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (Kim Thành)
|
Vu) và kè Tường Vu (xã Cộng Hòa, đều ở huyện Kim Thành) vào năm 2010. Những tưởng sau khi gây ra các sự cố đê điều và bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử phạt, "cát tặc" sẽ không dám đến khu vực này nữa. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi vào những ngày gần đây, một số tàu vẫn lén lút khai thác cát trái phép ở gần khu vực đã từng xảy ra sự cố. Việc sạt lở bờ sông Lai Vu (xã Lai Vu) rất nguy hiểm, vì bờ sông nằm sát chân đê. Sau sự cố này, cơ quan chức năng đã phải đầu tư xây dựng một đoạn kè hộ bờ. Sáng 19-4, theo quan sát của chúng tôi, một số đoạn bờ sông qua xã Lai Vu (chỉ cách chân đê khoảng 15 m) vẫn bị sạt lở. Trên sông, một chiếc tàu không mang biển hiệu đang sử dụng 6 vòi hút cát. Vị trí tàu hút cát cách bờ sông khoảng 100 m, cách kè Lai Vu khoảng 200 m. Khi thấy chúng tôi, tàu tắt máy, nhổ neo đi về phía huyện Thanh Hà. Bà Nguyễn Thị Huế ở thôn Quyết Tâm đang chăm sóc ngô ở bãi sông cho biết: "Thời gian gần đây, thỉnh thoảng có 1-2 tàu đến hút cát. Trong 2 năm qua, nhà tôi đã bị mất 0,5 sào đất bãi. Khi tàu vào gần bãi, tôi đã nhiều lần yêu cầu không cho khai thác nhưng chủ tàu vẫn cố tình hút cát". Theo ông Đào Quang Thảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, thời gian qua, có một số tàu nhỏ vẫn thỉnh thoảng đến khai thác cát trái phép gần kè Tường Vu. Chính quyền xã tổ chức lực lượng ngăn chặn thì tàu lại dạt sang phía bờ sông bên kia. Có lần, tàu thò vòi hút sát kè Hồng Lạc (Thanh Hà). Tại khu vực cống Nại Thượng trên đê tả sông Lạch Tray thuộc xã Đại Đức (Kim Thành), mấy tháng gần đây, nhiều tàu đến hút cát sát chân cống, đe dọa độ an toàn của công trình.
Tại nhiều địa phương, "cát tặc" làm sạt lở bãi sông khiến đất canh tác của người dân bị thu hẹp. Mỗi năm, hàng chục héc-ta đất bãi màu mỡ ở các xã: Đức Chính (Cẩm Giàng), Đồng Lạc (Chí Linh), Đại Đồng, Tứ Xuyên, Hà Thanh, Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), Nam Tân, Nam Hưng (Nam Sách), Thanh Hải, Thanh Sơn (Thanh Hà), Việt Hưng (Kim Thành)... đã biến mất. Bãi sông có tác dụng như "tấm đệm", bảo vệ công trình đê điều trước diễn biến của dòng chảy. Việc bãi sông mất dần, có nơi không còn đất bãi nữa, đã gián tiếp ảnh hưởng tới an toàn đê điều. Do vậy, bảo vệ bãi sông cũng là bảo vệ an toàn đê điều. Nhiều vụ xô xát đã xảy ra giữa người dân canh tác ven sông và lao động trên tàu cát, làm mất an ninh, trật tự địa phương.
Nhu cầu sử dụng cát lớn, kinh doanh cát có lợi nhuận cao, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa triệt để là những nguyên nhân chính khiến "cát tặc" vẫn hoành hành. Đã qua nhiều năm nhưng việc xử lý cát tặc vẫn như "bắt cóc bỏ đĩa". Ở nhiều nơi, sau khi cơ quan chức năng xử lý nghiêm, nạn hút cát trái phép có tạm lắng nhưng sau đó lại bùng lên.
Chính quyền các cấp cần phối hợp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt, xử phạt nghiêm minh để ngăn chặn nạn hút cát trái phép. Cần quy hoạch các điểm khai thác cát để đáp ứng nhu cầu đời sống. "Cát tặc" hoạt động trên sông, khi địa phương này đuổi thì lại dạt sang bờ bên kia. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương với nhau thì rất khó bắt giữ. Do vậy, muốn ngăn chặn "cát tặc", cần tăng cường phối hợp liên xã, liên huyện, liên tỉnh. Xử lý nghiêm minh để tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".
Ảnh hưởng đến công trình giao thông đường thủy
Đoạn kè chỉnh trị dòng từ H3 đến H4 trên sông Kinh Thầy thuộc địa phận thôn Ninh Xá, xã Lê Ninh (Kinh Môn) đã bị sạt lở do “cát tặc”, khiến giao thông đường thủy nội địa qua khu vực này và hoạt động của bến phà Ninh Xá mất an toàn. Đoạn kè được xây dựng năm 2005 do Cục Đường thủy nội địa quản lý, thuộc cụm kè Kênh Giang. Ông Đoàn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Lê Ninh cho biết: "Chính quyền xã nhiều lần đuổi “cát tặc” nhưng do hạn chế về nhân lực, phương tiện nên không hiệu quả. Hiện nay, thỉnh thoảng vẫn có một số tàu đến khai thác cát ở đây. Đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương ngăn chặn triệt để tình trạng này. Nếu không xử lý kịp thời, cả đoạn kè và bến đò Ninh Xá có nguy cơ sạt xuống sông".
|
NINH TUÂN - LÊ HIỀN