Cấp tiểu học vẫn thiếu phòng học, vì sao?

01/09/2015 05:10

Năm học 2015-2016, nhiều trường tiểu học trong tỉnh vẫn thiếu phòng học, thậm chí trầm trọng hơn trước. Nguyên nhân khá đa dạng và đòi hỏi cần có chiến lược đầu tư lâu dài.



Học sinh Trường Tiểu học Lương Điền vệ sinh bàn ghế để chuyển sang học nhờ tại Trường THCS Lương Điền


Thiếu ngày một nhiều

Những ngày cuối tháng 8, Trường Tiểu học Lương Điền (xã Lương Điền, Cẩm Giàng) nhộn nhịp các hoạt động chuẩn bị đón năm học mới. Hơn 10 bộ bàn ghế được làm mới, vận chuyển sang Trường THCS Lương Điền ở gần đó. Cô giáo Phạm Thị Lộc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết năm học 2015-2016, trường phải mượn thêm 1 phòng học vốn là phòng họp của Trường THCS để 1 lớp sang đó học. Đó không phải là lớp duy nhất của trường phải đi học nhờ mà trước đó đã có 1 lớp học ở Trường THCS, 5 lớp học ở nhà văn hóa các thôn. Năm học mới này là năm thiếu phòng học nhiều nhất từ trước tới nay của nhà trường và đây cũng là trường thiếu phòng học thuộc diện nhiều nhất tỉnh. Hiện Trường Tiểu học Lương Điền thiếu tới 14 phòng học, ngoài 7 phòng đi học nhờ, còn 7 phòng ở trong trường được cải tạo, sửa chữa từ những phòng được xây từ năm 1976, đã xuống cấp. Tình trạng thiếu phòng học đã xảy ra từ 5 năm nay và ngày càng thiếu nhiều. Chỉ lo thu xếp có đủ phòng học cho học sinh đã khó khăn, trường không “mơ” đến các phòng chức năng đầy đủ theo quy định.

Tình trạng thiếu phòng học ở bậc tiểu học đã diễn ra từ vài năm trở lại đây và ngày càng phổ biến. Nếu như trước đây các trường thiếu phòng học tập trung chủ yếu ở TP Hải Dương thì nay đã xuất hiện tại nhiều huyện, thị xã. Tính đến đầu năm học 2015-2016, huyện Cẩm Giàng thiếu hơn 30 phòng học, Kim Thành 24 phòng học, Nam Sách thiếu 17 phòng học, TP Hải Dương và thị xã Chí Linh mỗi nơi thiếu hơn 10 phòng học.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tốc độ tăng học sinh bậc tiểu học những năm gần đây quá nhanh khiến cơ sở vật chất của các trường không đáp ứng kịp. Kinh phí xây dựng một phòng học mới từ hơn 100 triệu đồng trở lên, tùy thuộc vào tính chất phòng (xây mới hoàn toàn, chồng tầng, cơi nới...) là con số không nhỏ nên các địa phương khó có thể đầu tư được toàn bộ số phòng thiếu. Ông Nguyễn Tiến Nhuận, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Thành cho biết ngành đã chủ động tham mưu cho chính quyền các xã đầu tư xây dựng phòng học nhưng nguồn kinh phí có hạn nên số lượng xây mới không bằng số lượng lớp tăng. Năm học này cả huyện tăng 24 lớp tiểu học nhưng chỉ cố gắng xây được thêm 6 phòng và hiện chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ngoài nguyên nhân phổ biến là thiếu vốn đầu tư, có những trường tiểu học bị “kẹt” vì các nguyên nhân khác. Tại TP Hải Dương, một số trường như Trường Tiểu học Bình Minh, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng có diện tích đất nhỏ, không đủ xây dựng tòa nhà mới, trong khi các tòa nhà cũ chỉ được xử lý móng để xây số tầng như hiện tại, không thể chồng tầng tăng số phòng học. Trường Tiểu học Đặng Quốc Chinh (TP Hải Dương) năm học này thiếu 2 phòng học nên chỉ tuyển được 66 học sinh dù chỉ tiêu được giao là 115. Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Bí thư phường Lê Thanh Nghị, tình trạng thiếu phòng học của Trường Tiểu học Đặng Quốc Chinh đã diễn ra vài năm nay nhưng phường không thể đầu tư xây dựng mới vì vướng “quy hoạch treo”. Theo quy hoạch của UBND TP Hải Dương, trường sẽ được xây mới hoàn toàn trong dự án khu dân cư Trái Bầu, còn cơ sở vật chất hiện tại của trường sẽ được chuyển giao cho trường mầm non sử dụng. Trong khi chờ dự án này được thực hiện, trường vẫn tiếp tục trong tình trạng không có đủ phòng học như hiện tại.

Cần giải pháp lâu dài

Trường Tiểu học Kim Tân (Kim Thành) vừa đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 năm 2014. Đến đầu năm học 2015-2016, trường đã lâm vào tình trạng thiếu phòng học do tăng lớp. Nhà trường và Hội Phụ huynh học sinh đã phát động xã hội hóa được 150 triệu đồng để xây mới 2 phòng và ngăn 1 phòng từ phòng thư viện, tạm thời giải quyết được tình trạng thiếu phòng học. Tuy nhiên, cô giáo Phạm Thị Nhã, Hiệu trưởng nhà trường vẫn rất lo âu vì theo dự báo căn cứ từ số trẻ đang học mầm non, sang năm trường sẽ tiếp tục tăng 2 lớp nữa. Khi đó, nếu không xây thêm được phòng thì trường sẽ phải lấy phòng tin học làm lớp học thường nhật.

Thiếu nhiều phòng học nhưng không thể để học sinh không có chỗ học nên các trường đều phải tìm cách xoay xở giống như Trường Tiểu học Kim Tân. Cách phổ biến nhất là lấy các phòng học bộ môn, phòng họp giáo viên làm phòng học. Vì vậy, nói một cách chính xác thì ở nhiều trường tiểu học không thiếu phòng học nhưng thiếu phòng chức năng (vì đã biến phòng chức năng thành phòng học). Sau khi chuyển đổi công năng các phòng trong trường mà vẫn thiếu thì các trường thường đi mượn nhà văn hóa các thôn, khu dân cư để tổ chức lớp học hoặc mượn phòng của trường THCS.

Tất cả những biện pháp này đều là cách giải quyết “giật gấu vá vai” nên có nhiều bất cập. Thiếu phòng chức năng khiến các hoạt động giảng dạy trong trường gặp nhiều khó khăn. Các phòng học nằm ở nhà văn hóa thường cách xa trường, không thuận lợi cho học sinh và phụ huynh di chuyển, đồng thời không tạo được cho học sinh môi trường học đường thân thiện cần thiết. Khi học sinh tiểu học “học nhờ” ở trường THCS thì có bất cập là độ dài tiết học, hiệu lệnh trống của trường THCS không phù hợp với cấp tiểu học. Vì vậy, để giải quyết được tình trạng thiếu phòng học cần có sự đầu tư lâu dài. Số lượng lớp học sẽ tăng, số lượng phòng học sẽ thiếu đều được ngành giáo dục dự báo trước vài năm nên nếu đầu tư xây dựng trước thì sẽ giải quyết được tình trạng này. Tuy nhiên, vì kinh phí đầu tư xây dựng phòng học khá lớn nên chính quyền các địa phương cần tập trung nguồn lực rốt ráo hơn nữa để tháo gỡ khó khăn này cho ngành giáo dục.

VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Cấp tiểu học vẫn thiếu phòng học, vì sao?