Cấp thuốc ARV qua BHYT: Bệnh nhân HIV/AIDS lo lắng

21/08/2019 10:39

Việc sẽ phải tham gia BHYT để được thanh toán chi phí điều trị bằng thuốc kháng virus ARV khiến nhiều bệnh nhân HIV/AIDS băn khoăn, lo lắng.


Trung tâm Y tế TP Chí Linh là cơ sở đầu tiên trong tỉnh bắt đầu triển khai điều trị ARV thanh toán từ nguồn bảo hiểm y tế 

Hải Dương hiện có 1.456 bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Năm 2019, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/ AIDS hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 215 người, ngân sách tỉnh hỗ trợ 110 người, còn lại người bệnh tham gia BHYT tự nguyện, nâng tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT lên 99,2%.

Tại Phòng khám điều trị ngoại trú ARV của Trung tâm Y tế TP Chí Linh có 212 bệnh nhân đang được cấp thuốc điều trị. Từ tháng 5.2019, đây là cơ sở đầu tiên trong tỉnh bắt đầu triển khai điều trị ARV thanh toán từ nguồn BHYT. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS sẽ không còn hỗ trợ thuốc ARV và mua thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV, người bệnh sẽ phải tham gia BHYT để được thanh toán chi phí điều trị. Điều này khiến nhiều người bệnh băn khoăn.

Chị N.T.H, 32 tuổi ở TP Chí Linh không giấu được lo lắng khi phải thích ứng cùng một lúc với nhiều thay đổi về môi trường khám chữa bệnh mới (từ phòng khám ngoại trú riêng biệt sang Trung tâm Y tế), nhân viên y tế mới, các quy trình và thủ tục mới cũng như nỗi lo về tài chính khi không còn được chi trả toàn bộ cho việc khám, điều trị HIV như trước đây.

Anh N.K.T cũng là bệnh nhân ở đây cho biết: "Đa số những người đang sử dụng thuốc ARV chúng tôi đều sợ bị lộ thông tin khi chuyển cấp thuốc ARV qua BHYT. Nhiều người bệnh HIV/AIDS không muốn chuyển về địa phương điều trị, có người sẽ tự mua thuốc ở bên ngoài, thậm chí bỏ điều trị vì không đủ khả năng bảo đảm chi phí tự điều trị suốt đời".

Đã có thời gian hơn 4 năm gắn bó và thấu hiểu hoàn cảnh của từng bệnh nhân điều trị tại Phòng khám điều trị ngoại trú ARV của Trung tâm Y tế TP Chí Linh, dược sĩ Nguyễn Thị Yên chia sẻ: “Điều trị HIV/AIDS là một hành trình mệt mỏi và cô độc đối với bệnh nhân nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, nhân viên y tế và cộng đồng". Bệnh nhân điều trị ARV không chỉ đối mặt với những mệt mỏi về thể chất do tác dụng phụ của thuốc gây ra mà còn vấp phải sự kỳ thị, xa lánh của xã hội. Đó cũng là lý do nhiều người muốn che giấu thông tin về mình. Nếu bệnh nhân không hiểu được tầm quan trọng của điều trị sẽ dễ bỏ điều trị, sức khỏe giảm sút, dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khó điều trị.

Trong thời gian qua với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận chương trình điều trị với sự tư vấn chu đáo của cán bộ y tế nên người bệnh tuyệt đối tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, hiệu quả điều trị rất tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển giao này, người nhiễm HIV/AIDS sẽ phải làm quen với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế mới. Để giải tỏa những băn khoăn, lo lắng của người bệnh, các cơ sở y tế và cán bộ, nhân viên y tế cần tạo môi trường làm việc thân thiện với người nhiễm HIV/AIDS, tư vấn tận tình cho người bệnh về vấn đề tuân thủ điều trị ARV cũng như chia sẻ tâm tư tình cảm của họ.

Đến năm 2021, tất cả các cơ sở điều trị ARV trong tỉnh sẽ triển khai điều trị ARV thanh toán từ nguồn BHYT. Khi các nguồn hỗ trợ điều trị HIV/AIDS chấm dứt thì BHYT chính là “phao cứu sinh” giúp bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giảm bớt chi phí trong điều trị, duy trì sự sống. Người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT được hưởng rất nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội… Vì vậy, nhân viên y tế, gia đình và cộng đồng cần tiếp tục động viên người có HIV/AIDS tham gia BHYT.

 HẢI ĐƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp thuốc ARV qua BHYT: Bệnh nhân HIV/AIDS lo lắng