Các bác sĩ đã lấy được 5 khối bã thức ăn, trong đó có bã măng khô ở lòng ruột non, khối to nhất có kích thước khoảng 6x3 cm. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị tắc ruột.
Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện vừa tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân N.V.V. (57 tuổi, ở Hà Nội) bị tắc ruột do bã thức ăn.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều lần. Sau khi thăm khám, bệnh nhân có chẩn đoán bị tắc ruột và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Các khối bã thức ăn chủ yếu là măng khô gây tắc ruột bệnh nhân
Các bác sĩ đã lấy ra được 5 khối bã thức ăn trong lòng ruột non, khối to nhất có kích thước khoảng 6x3 cm, khối nhỏ nhất kích thước khoảng 4x2 cm. Khối bã chủ yếu là măng khô không tiêu hóa được, dẫn đến vón cục lại trong dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non, gây tắc. Đây là món ăn được các gia đình dùng nhiều trong dịp Tết cổ truyền vừa qua.
Theo các bác sĩ, tắc ruột do khối bã thức ăn thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, người không nhai được kỹ đồ ăn, bệnh nhân sau cắt dạ dày, bệnh nhân bị viêm tụy mạn, suy tụy hoặc ở những bệnh nhân tâm thần tự ăn lông và tóc... Việc sử dụng một lượng lớn thực phẩm có nhiều chất tanin như: Quả hồng ngâm, ổi, xoài xanh hay chất bã xơ như măng khô… có thể là một trong những nguy cơ hình thành bã thức ăn trong quá trình tiêu hóa.
Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ acid dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc gây tắc ruột.
Những triệu chứng thường gặp của tình trạng tắc ruột là đau bụng thượng vị, trướng bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, đầy bụng sau ăn, bí trung đại tiện... Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi gặp những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời, tránh biến chứng tắc ruột đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo Người lao động