Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng...
Cụ thể, luật thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ thông qua xét hồ sơ sang kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
Luật cũng quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.
Theo quy định mới, các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền là những đối tượng phải có giấy phép hành nghề.
Như vậy, so với quy định cũ, luật mới bổ sung thêm 3 đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề gồm dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng. Theo quy định này, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được gọi chung là giấy phép hành nghề.
Cụ thể, cấp mới giấy phép hành nghề được áp dụng đối với các trường hợp: người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề; người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề; người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.
Theo quy định mới, việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng. Hội đồng Y khoa quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định mới cũng bổ sung chính sách hỗ trợ học phí cho nhiều chuyên ngành như tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.
Cụ thể, hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành trên nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
Trước đó, chương trình hỗ trợ chỉ áp dụng với người học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần.