Hiện nay, học viên lái ô tô phải kiểm tra kết thúc môn học, kiểm tra kết thúc khóa học để được cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo. Sau đó mới được tham dự kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe. Như vậy có cần thiết không?
Kiểm tra trong đào tạo lái ô tô
Theo quy định đào tạo lái xe hiện hành, tất cả các môn học đều phải tổ chức kiểm tra kết thúc trong quá trình học. Sau khi đạt các môn, học viên còn phải vượt qua kỳ kiểm tra kết thúc khóa học bao gồm (1) môn Pháp luật giao thông đường bộ kiểm tra theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết, (2) môn Thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.
Do không có quy định chi tiết về kiểm tra kết thúc môn học, các cơ sở đào tạo thường kiểm tra kết thúc các môn Pháp luật giao thông đường bộ và Thực hành lái xe như kiểm tra kết thúc khóa học.
Mặt khác, bộ 600 câu hỏi sát hạch lý thuyết không chỉ về Pháp luật giao thông đường bộ mà còn có các nội dung của 4 môn lý thuyết còn lại. Nên thực chất là một nội dung mà kiểm tra đến 2-3 lần.
Trong khi đó, quy định về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, gồm cả lái ô tô, lại chỉ có kiểm tra kết thúc mô đun, không có kiểm tra kết thúc khóa học. Người học hoàn thành tất cả các mô đun thì được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
Do vậy, ít nhất là nên bỏ việc kiểm tra kết thúc khóa học trong đào tạo lái xe.
Trong giáo dục nghề nghiệp, người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trình độ sơ cấp thì được cấp chứng chỉ sơ cấp. Người có chứng chỉ hoàn toàn đầy đủ điều kiện về năng lực và pháp lý để làm công việc được đào tạo tại mọi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Nhưng riêng nghề lái ô tô thì không, cần phải có giấy phép lái xe mới có thể tham gia thị trường lao động như những nghề sơ cấp khác.
Như vậy, ở đây giấy phép lái xe của nghề lái ô tô đóng vai trò như chứng chỉ sơ cấp ở những nghề khác. Còn chứng chỉ sơ cấp của nghề lái ô tô lại hầu như không có giá trị gì. Không thể dùng chứng chỉ này để làm bất cứ công việc nào.
Ở các nước phát triển trên thế giới, hay ngay cả trong khối ASEAN, đào tạo lái ô tô chỉ bao gồm học và sát hạch lý thuyết, thực hành. Không có việc kiểm tra kết thúc môn học, khóa học trước khi sát hạch như Việt Nam. Cũng không có việc cấp chứng chỉ sơ cấp. Thứ duy nhất được cấp là giấy phép lái xe.
Vì thế, không những nên bỏ kiểm tra kết thúc khóa học mà còn cần bỏ cả việc cấp chứng chỉ sơ cấp, cũng như kiểm tra kết thúc môn học. Vừa để giảm chi phí và thời gian cho người học, vừa hội nhập quốc tế.
Cấu trúc các bài sát hạch lý thuyết lái ô tô Việt Nam
Trung Quốc được coi là quốc gia có bài sát hạch lý thuyết lái xe khó nhất thế giới, cần đúng 90/100 câu hỏi trong 45 phút, với bộ đề hơn 1.600 câu về luật giao thông và kỹ thuật lái xe. Sau đó còn thêm 1 bài lý thuyết nữa về an toàn giao thông, với 45/50 câu đúng trong 30 phút. Thời gian học lý thuyết bắt buộc là 5 giờ.
Ở Nhật Bản, để có giấy phép lái xe tạm thời thì cần làm đúng 45/50 câu hỏi lý thuyết và đạt 90/100 điểm thực hành trong hình. Để có giấy phép lái xe chính thức, cần đạt 90/100 câu hỏi lý thuyết và hoàn thành một bài sát hạch thực hành nữa. Việc học lý thuyết và thực hành tại cơ sở đào tạo lái xe là không bắt buộc.
Tại Singapore, người học phải đúng 45/50 câu hỏi ở kỳ sát hạch lý thuyết cơ bản để có giấy phép học lái xe. Sau đó phải đạt 45/50 câu hỏi ở kỳ sát hạch lý thuyết kết thúc mới được đăng ký sát hạch thực hành. Thời gian mỗi kỳ sát hạch lý thuyết là 50 phút và bộ đề mỗi kỳ gồm 600 câu. Cũng không bắt buộc học lý thuyết và thực hành tại cơ sở đào tạo lái xe.
So với 3 nước trên, số câu hỏi trong đề sát hạch lý thuyết và trong bộ câu hỏi của Việt Nam là khá ít ỏi. Do đó, hoàn toàn có thể tăng số lượng kỳ sát hạch lý thuyết, số câu hỏi trong mỗi đề và ngân hàng câu hỏi để tăng khối lượng tri thức được kiểm tra, đánh giá lên nhiều hơn hiện nay.
Việc này không những sẽ thay thế cho kiểm tra kết thúc môn học, khóa học, mà còn nâng cao chất lượng sát hạch lái xe. Việc học lý thuyết cũng không cần phải tập trung tại cơ sở đào tạo, mà nên là trực tuyến không đồng bộ.
Tương tự, phần sát hạch thực hành cần bổ sung các tiêu chí về lái xe phòng thủ, lái xe sinh thái, do sát hạch viên hoặc máy tính chấm điểm, thay vì lặp lại đến 3 lần như hiện nay mà ít chú trọng đánh giá hành vi lái xe an toàn.
TN (theo Tuổi trẻ)