Hình tượng người mẹ là một đề tài muôn thuở. Không thể tính được có biết bao nhà thơ đã cảm xúc những dòng sâu lắng nhất về người đã sinh thành ra mình, nuôi nấng mình nên người. Cả đời mẹ, như Hà Cừ viết "Lui cui mẹ cứ tảo tần/Lo toan cho đứa ở gần ở xa". Như trong một bữa ăn, Nguyễn Ngọc Oánh nhớ mãi: "Quả cà cõng mấy củ khoai/Con thút thít mẹ nghẹn hai ba lần". Để rồi lại cồn cào day dứt: "Đã có lần con khóc giữa chiêm bao/Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó".
Trông ra bờ ruộng
Trông ra bờ ruộng năm nào Mưa bay trắng cỏ, ào ào cánh sen Mẹ tôi nón lá bước lên Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu
Quanh quanh vẫn một mảnh bờ Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên Mẹ tôi gạt cỏ bước lên Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn
Xòe tay tính tháng tính năm Tính người? Nào biết xa xăm cõi người Gié thơm ai đã gặt rồi Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình... HỮU THỈNH
|
|
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã tạc hình mẹ khi "Trông ra bờ ruộng". Bài thơ lục bát có ba khổ, khổ thơ nào cũng có hình mẹ và bờ ruộng mà cả đời mẹ gắn bó. Bờ ruộng ấy đến nay vẫn hiện hữu, nhưng nhà thơ lại nhớ những "năm nào":
Trông ra bờ ruộng năm nào
Mưa bay trắng cỏ, ào ào cánh sen
Mẹ tôi nón lá bước lên
Mạ non đầu hạ, trăng liềm cuối thuĐầu hạ và cuối thu chỉ là hai mốc thời gian, để rồi lan tỏa ra một không gian và cả thời gian vô tận: Quanh năm vẫn một mảnh bờ/Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên...
Hai câu thơ mang tính khái quát. Sau những câu thơ sâu nặng ấy, có người nhìn xuống mâm cơm: Bao giờ mẹ về bát cơm ủ ấm/Chỉ nhìn con ăn đã thấy no lòng (Trần Mạnh Thường). Hay ngước lên cao: Mẹ tôi nhóm trấu trong chiều/Khói xanh lên tận cánh diều ngày xưa (Hoàng Vũ Thuật). Nhưng Hữu Thỉnh đã khéo léo đưa hình ảnh mẹ trở lại nơi bờ ruộng, rất sống động:
Mẹ tôi gạt cỏ bước lên
Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằnVâng, cây lúa và cỏ dại chen lấn nhau, làm cuộc mưu sinh của mẹ vô cùng vất vả!
Trở lại câu thơ mở đầu "Trông ra bờ ruộng năm nào", nghĩa là nhớ về một thời xa vắng. Tác giả viết tiếp khổ thơ thứ ba với hai câu lục bát, có dấu hỏi chấm (?), làm người đọc cũng sững sờ:
Xòe tay tính tháng tính năm
Tính người? Nào biết xa xăm cõi ngườiSững sờ bởi mấy chữ "nào biết xa xăm cõi người". Có nhà thơ bật lên tiếng khóc: Run run ngọn cỏ lá cây/Con nghe giọng mẹ vơi đầy lời ru (Lâm Xuân Vy), hoặc tư vấn mình trước anh linh mẹ: Mẹ ơi, con là đám mây nước mắt/Bóng con lướt qua má mẹ ướt đầm (Đỗ Minh Tuấn). Nhưng với Hữu Thỉnh, cái tài của nhà thơ đã đưa ta trở lại với "mẹ" và "cánh đồng". Lại là một nét chấm phá khi tác giả "trông ra bờ ruộng":
Gié thơm ai đã gặt rồi
Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình...Không! Mẹ vẫn còn nguyên đấy chứ! Mẹ vẫn hiển hiện sau mùa gặt để rồi lại tiếp tục "nắng nôi một mình". Lại nhớ câu thơ Nguyễn Hữu Phách đã viết: Sấm động trên nguồn chớp nhằng dưới bể/Chỉ một mình mẹ biết, mẹ hay. Cao quý làm sao bóng hình người mẹ cả đời chỉ muốn ôm vào mình mọi lo toan vất vả...
VƯƠNG BẠCH