Góc nhìn

Cảnh tỉnh từ sự mất mát

YẾN NHI/Báo Tin tức 04/08/2024 14:26

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn, nhưng một khi đã xảy ra thì cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

00:00

Chú thích ảnh
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn lao động thương tâm tại Nhà máy nghiền xỉ phốt pho, xỉ lò cao tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

Dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn lao động làm 7 người chết, 3 người bị thương xảy ra cách đây chưa lâu tại Công ty CP Khoáng sản Yên Bái thì ngày 2/8 lại xảy ra vụ đứt thang tời khiến 3 công nhân thiệt mạng và 3 người bị thương tại công trình Nhà máy nghiền xỉ thải phốt pho, huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Trước đó, ngày 19/7, vụ đứt cáp cần cẩu xảy ra tại công trường thuộc dự án Crystal Holidays Habour Vân Đồn (Quảng Ninh) khiến một công nhân tử vong tại chỗ. Xa hơn là vụ tai nạn làm 3 người chết, 7 người bị thương cũng do đứt cáp thang vận chuyển xảy ra tại công trình sửa chữa trường mầm non Đông Yên B, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn, nhưng một khi đã xảy ra thì cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Mỗi vụ tai nạn lao động xảy ra đều là một bài học đắt giá.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động thường rất đa dạng, nhưng chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của người lao động, sự thiếu quan tâm, tắc trách của chủ sử dụng lao động, đến những lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động thời gian qua chủ yếu do lỗi chủ quan, chiếm tới 73% và những vụ tai nạn lao động liên quan đến các công trình xây dựng chiếm hơn 30% tổng số các vụ tai nạn.

Xâu chuỗi những vụ tai nạn lao động xảy ra liên tiếp thời gian gần đây cho thấy, phần lớn chủ dự án, công trình, người sử dụng lao động chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn lao động, chủ yếu là phó mặc cho chủ thầu và đơn vị thi công.

Nhiều chủ thầu quan niệm lao động trong lĩnh vực xây dựng chỉ mang tính thời vụ, do vậy không quan tâm đến việc tập huấn về an toàn cho người lao động, nếu có thì cũng làm chiếu lệ, đối phó.

Bên cạnh đó, các điều kiện và quy tắc bảo đảm an toàn lao động cũng bị xem nhẹ, như không trang bị đồ bảo hộ, để người đi lại trong khu vực công trường, không có hàng rào tạm và người cảnh giới khi triển khai thi công…

Có rất nhiều lỗ hổng trong công tác bảo đảm an toàn lao động và rất nhiều câu hỏi cần được trả lời: Quy trình thực hiện an toàn lao động? Trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát…

Những vụ tai nạn lao động thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như một lời cảnh tỉnh; đồng thời cho thấy công tác an toàn lao động vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Vẫn biết, khi tai nạn lao động xảy ra thì hậu quả sẽ khôn lường, nhưng nhiều doanh nghiệp, đơn vị, người sử dụng lao động vẫn có thái độ thờ ơ, phớt lờ, bất chấp các quy định bảo đảm an toàn cho người lao động. Trong khi đó, người lao động còn chủ quan, thiếu kiến thức và ý thức phòng ngừa, không tuân thủ quy định, quy trình bảo đảm an toàn khi làm việc.

Theo các chuyên gia về an toàn lao động, để xảy ra tai nạn lao động chắc chắn trách nhiệm phải thuộc về nhà thầu khi không tuân thủ quy trình, biện pháp thi công, thiết bị không bảo đảm an toàn… Tuy nhiên, cũng không thể đổ hết lỗi cho nhà thầu, bởi nếu tư vấn giám sát, đại diện chủ đầu tư làm việc có trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, thì không dễ gì họ bị nhà thầu "qua mặt".

Phân tích nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động, có thể thấy rằng, bên cạnh việc công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, thì còn do chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Các mức xử phạt (chủ yếu là phạt tiền) không có tác dụng phòng ngừa, dẫn đến việc coi thường tính mạng của người lao động. Thêm vào đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa hiệu quả, khiến các chủ đầu tư thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định về an toàn lao động.

Phải thấy rằng, nguyên nhân các vụ tai nạn lao động trước hết là do sự thiếu trách nhiệm, coi thường pháp luật cũng như sinh mạng con người của cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công, bộ phận tư vấn giám sát. Nhiều chủ đầu tư không làm hết trách nhiệm nên dẫn tới sự cố kỹ thuật, nghiêm trọng là xảy ra tai nạn gây chết người.

Không phủ nhận, việc thi công dự án luôn gặp nhiều khó khăn về mặt bằng thi công, sức ép về tiến độ, chất lượng công trình... Thế nhưng, không thể lấy đó để biện minh cho những sự cố đáng tiếc xảy ra, nhất là khi sự cố đó đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Đáng quan ngại, nguy cơ mất an toàn không chỉ ở bên trong những công trình xây dựng, mà còn lan ra khu vực xung quanh, gây bất ổn cho cộng đồng. Chỉ cần một sự bất cẩn nhỏ, lơ là trong thực hiện quy trình phòng bị về an toàn lao động là ngay lập tức tính mạng của người lao động bị đe dọa, cũng là nguy cơ gây hiểm họa cho cộng đồng.

Từ thực tế trên đã đặt ra vấn đề cần phải có chế tài mạnh đối với các nhà thầu thi công ẩu, không bảo đảm sự an toàn cần thiết. Nói cách khác, phải siết lại việc thực hiện quy định quản lý nhà nước về công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng, nhất là các công trình gần khu dân cư, khu đô thị.

YẾN NHI/Báo Tin tức
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh tỉnh từ sự mất mát