Reuters mô tả, ít nhất 7 người chết, hàng chục người bị thương khi cảnh sát Myanmar, dưới sự trợ giúp của quân đội xả súng vào đám đông biểu tình.
Hãng tin Reuters nhận định ngày 28.2 đã trở thành ngày đẫm máu nhất trong những ngày các cuộc biểu tình phản đối đảo chính bị chính quyền đàn áp và giải tán bằng vũ lực.
Cảnh sát có mặt từ sớm tại nhiều địa điểm ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Thoạt đầu là các phát súng chỉ thiên để giải tán, cảnh sát - dưới sự yểm trợ của quân đội - sau đó đã xả súng trực tiếp vào đám đông biểu tình. Lựu đạn gây choáng và hơi cay cũng được sử dụng để chia cắt đám đông nhưng bất thành.
Các hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông cho thấy những vết máu loang lổ trên vỉa hè Yangon. Một bác sĩ ở Yangon đề nghị giấu tên cho biết một người đàn ông đã chết khi được đưa tới bệnh viện với viên đạn ghim sâu vào ngực.
Theo mô tả của các nhân chứng, cảnh sát cũng ném lựu đạn gây choáng vào các giảng viên và sinh viên tập trung bên ngoài một trường y ở Yangon. Ít nhất 50 người đã bị bắt sau sự việc.
Trước đó, một cuộc biểu tình khác của giáo viên Yangon cũng kết thúc trong hỗn loạn khi cảnh sát thẳng tay xịt hơi cay khiến 1 người chết vì lên cơn đau tim.
Kyaw Min Htike, chính khách Myanmar khẳng định với Reuters cảnh sát đã nổ súng và giết chết ít nhất 3 người tại TP Dawei phía nam Myanmar. Hai trường hợp thiệt mạng khác cũng được ghi nhận tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, theo trang tin Myanmar Now.
Một người biểu tình ở Yangon bị cảnh sát bắt giữ ngày 28.2 - Ảnh: REUTERS
Hãng thông tấn AFP dẫn các nguồn tin riêng cho biết đạn thật đã được sử dụng và là nguyên nhân gây ra cái chết của 6 người biểu tình. Nhiều người bị thương sau khi trúng đạn cao su từ cảnh sát.
Cảnh sát và chính quyền quân sự Myanmar không đưa ra bình luận trước các thông tin trên. Phía cảnh sát trước đó thông báo một nhân viên của họ đã thiệt mạng khi đối mặt với người biểu tình.
Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ sau bài phát biểu của Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun.
Trong bài phát biểu ngày 26.2, ông Kyaw Moe Tun kêu gọi thế giới ngăn chặn quân đội Myanmar, khôi phục chính phủ được bầu dân chủ và chấm dứt các hành vi đàn áp nhân dân của quân đội.
Đại sứ Myanmar kết thúc bài phát biểu bằng việc giơ cao 3 ngón tay, một biểu tượng phản đối đảo chính đã xuất hiện tại hầu hết các cuộc biểu tình ở Myanmar. Hành động của ông Kyaw Moe Tun đã "tiếp thêm lửa" cho phong trào đấu tranh trong nước, nơi ông được ca ngợi như anh hùng.
Theo Tuổi trẻ