Cảnh sát giao thông huyện thiếu phương tiện

31/10/2014 02:13

Do chưa có đầy đủ biển báo hiệu giao thông, chưa được trang bị máy đo tốc độ nên cảnh sát giao thông ở nhiều huyện đành “bó tay” với vi phạm...



Cảnh sát giao thông Tứ Kỳ đo tốc độ phương tiện trên tỉnh lộ 391


Không có phương tiện kỹ thuật, cảnh sát giao thông ở nhiều huyện đang gặp khó khăn trong xử lý vi phạm điều khiển xe chạy quá tốc độ của người tham gia giao thông.


 “Bó tay” với vi phạm

Ngày 23-10, cùng tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông, trật tự-cơ động huyện Thanh Miện làm nhiệm vụ trên tỉnh lộ 392B đoạn qua thị trấn Thanh Miện, chúng tôi ghi nhận rất nhiều người điều khiển xe máy chạy với tốc độ cao qua đây. Tuy nhiên, do không được trang bị máy đo tốc độ nên lực lượng chức năng chỉ có thể dừng xe, xử lý những trường hợp đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu... Theo Công an huyện Thanh Miện, tình trạng người điều khiển xe máy chạy quá tốc độ trên địa bàn huyện rất phổ biến. Trong năm nay, đơn vị đã 1 lần phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh) tổ chức xử lý vi phạm này. Chỉ trong 2 buổi sáng 30-4 và 1-5, công an đã xử lý tới 129 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 20 triệu đồng. Thiếu tá Phạm Văn Hưởng, Đội phó  Đội Cảnh sát giao thông, trật tự-cơ động cho biết, bên cạnh khó khăn do không có máy đo tốc độ, hiện nay một số biển báo hiệu giao thông trên địa bàn huyện cũng chưa hợp lý khiến công tác tuần tra, kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao. Điển hình như trên tỉnh lộ 392 và 392B đoạn qua thị tứ Lam Sơn chỉ có 1 biển báo hiệu hết khu vực đông dân cư, không có biển báo vào khu vực đông dân cư nên không có căn cứ để kiểm tra, xử lý vi phạm tốc độ.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Hà đã xảy ra 2 vụ tự gây tai nạn giao thông (TNGT) làm 2 người chết và 2 người bị thương. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến những vụ tự gây TNGT là người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra hồi 10 giờ ngày 29-1 trên đường liên xã Tân An-Quyết Thắng. Chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1992 ở xã Thanh Hải) điều khiển xe máy chở anh Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1996, ở cùng xã) đã không làm chủ tốc độ khi đi vào đường cong, tự gây tai nạn. Hậu quả chị Tuyết chết, anh Đức bị thương nặng. Mặc dù TNGT do chạy quá tốc độ diễn biến phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông huyện chưa xử lý được trường hợp vi phạm nào. Nguyên nhân của tình trạng trên cũng là do Công an huyện không có máy đo tốc độ. Thiếu tá Vũ Mạnh Khiêm, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự-cơ động, Công an huyện cho biết: “Đơn vị đã nhiều lần đề nghị với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh phối hợp xử lý vi phạm trên địa bàn huyện nhưng chưa được. Ngoài ra, huyện hiện có một số điểm đông dân cư, lưu lượng phương tiện lớn nhưng chưa có biển báo hiệu giao thông hạn chế tốc độ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn như: trung tâm các xã Hồng Lạc, Thanh Bính, Cẩm Chế, Việt Hồng...”

Chuyển biến ở Tứ Kỳ, Ninh Giang   


Theo Công an huyện Tứ Kỳ, qua phân tích tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 26 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn huyện thì có tới 14 vụ mà nguyên nhân dẫn đến tai nạn là vi phạm tốc độ (chiếm 53,9%). Từ thực tế trên, tháng 7-2014, Công an huyện đã đề xuất Ban An toàn giao thông huyện trang cấp cho lực lượng cảnh sát giao thông 1 máy đo tốc độ ngày và đêm. Mới đưa vào sử dụng từ tháng 9 đến nay, công tác tuần tra, kiểm soát, kiềm chế TNGT trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực. Điều này thể hiện rõ trên tỉnh lộ 391. Là tuyến đường “nóng” về TNGT (chiếm 73,1% tổng số vụ TNGT toàn huyện) nhưng từ tháng 9 đến nay, tại đây không xảy ra vụ tai nạn nào. Đại úy Trương Tiến Quỳnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự-cơ động (Công an huyện) cho biết, hiện trên tỉnh lộ 391 có 3 điểm kiểm tra tốc độ. Nếu trước đây mỗi năm, đơn vị phối hợp 1 lần với Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm thì nay việc kiểm tra chủ động và thường xuyên hơn. Từ khi được trang cấp máy, đơn vị đã xử phạt 368 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 140 triệu đồng, tạm giữ 30 phương tiện và 5 giấy phép lái xe.

Đưa máy đo tốc độ vào sử dụng từ tháng 7-2014 đến nay, Công an huyện Ninh Giang đã phát hiện, xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 30 triệu đồng. Theo Đại úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự-cơ động (Công an huyện), sau 3 tháng vừa kiểm tra, xử lý, vừa thực hiện tuyên truyền trên quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn huyện, đến nay tình trạng người điều khiển xe máy chạy quá tốc độ đã giảm rõ rệt. Gần 3 tháng nay, huyện  cũng không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào. Hiện nay dù lực lượng công an không đo tốc độ thì người tham gia giao thông cũng không còn đi nhanh như trước. Một mặt là họ sợ bị xử phạt, mặt khác là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân đã được nâng lên.

Qua phân tích của các cơ quan chức năng, điều khiển xe chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT, đặc biệt đối với các vụ nghiêm trọng. Hiện nay, ngoài 2 huyện Tứ Kỳ và Ninh Giang, các huyện khác trong tỉnh vẫn chưa có máy đo tốc độ để chủ động kiểm tra, xử phạt lỗi vi phạm này. Ban An toàn giao thông tỉnh và các huyện cần quan tâm trang cấp phương tiện, thiết bị kỹ thuật để lực lượng công an có điều kiện thực thi tốt nhiệm vụ.

HẠO NHIÊN

Vi phạm vẫn phổ biến


Mặc dù lực lượng chức năng xử lý rất mạnh hành vi vi phạm tốc độ trên các tuyến đường trong thành phố nhưng các trường hợp vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý 3.876 trường hợp điều khiển xe chạy quá tốc độ, chiếm khoảng 30% tổng số trường hợp vi phạm.  Để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cần tăng cường  phổ biến, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông để người tham gia giao thông tự giác chấp hành.

Trung tá
LÊ VĂN LƯỢNGĐội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP Hải Dương

Cần xử lý nghiêm vi phạm vào ban đêm


Hiện nay, tôi thấy lực lượng cảnh sát giao thông thường xử lý vi phạm quá tốc độ vào ban ngày. Trong khi đó, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ thường diễn ra vào buổi tối, ban đêm, nhất là ở các khu vực công cộng, tập trung đông người... Những người vi phạm chủ yếu là thanh, thiếu niên. Việc này không chỉ gây nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện mà còn nguy hiểm với người xung quanh. Thực tế rất nhiều tai nạn giao thông làm chết người xảy ra vào buổi tối. Để bảo đảm an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp chạy quá tốc độ vào ban đêm.

NGUYỄN VĂN DŨNG Xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang


Công khai các điểm “bắn tốc độ”


Thực tế có rất nhiều người có ý thức khi lái xe nhưng vô tình vi phạm và bị xử phạt. Ở nhiều tỉnh phía Nam hay một số địa phương lân cận như Bắc Giang, Quảng Ninh... tôi thấy thường cắm biển báo có nội dung: “Đoạn đường cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra tốc độ”. Để phòng ngừa tai nạn giao thông do phóng nhanh, vượt ẩu, theo tôi các cơ quan chức năng của tỉnh cần nghiên cứu, khảo sát các tuyến đường và đặt biển báo nói trên. Bên cạnh việc thể hiện sự công khai trong kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông, loại biển báo trên còn có tác dụng rất tốt để tuyên truyền, nhắc nhở các lái xe giảm tốc độ tại những đoạn đường nguy hiểm.


HOÀNG THẾ CƯƠNG Khu 8, phường Hải Tân, TP Hải Dương




(0) Bình luận
Cảnh sát giao thông huyện thiếu phương tiện