Ẩm thực

Canh rau sắn nấu chua ở Hải Dương

MINH NGUYÊN 21/07/2024 10:00

Lá sắn nấu canh chua từng là món ăn dân dã của người dân Phú Thọ và một số tỉnh miền núi nhưng nay đã trở thành món khoái khẩu của nhiều gia đình ở Hải Dương.

1000000186.jpg
Canh rau sắn chua nấu cá mang lại cảm giác độc lạ cho bữa ăn mùa hè

Ít người biết lá sắn có thể ăn được, hầu hết mọi người chỉ trồng sắn lấy củ. Nhưng ở vùng cao, người dân coi lá sắn giống như rau muống, rau cải… để nấu canh, xào, luộc.

Nhiều năm gần đây, người vùng cao về Hải Dương làm công nhân cũng thường tìm kiếm lá sắn nấu canh. Món này dần được chia sẻ rộng rãi đến cộng đồng hàng xóm, dân cư xung quanh. Lá sắn nấu canh chua thường là loại lá nhỏ, củ nhỏ như ngày xưa chứ không phải loại sắn củ to như bây giờ. Món ăn này vào mùa hè giúp giải nhiệt, làm mát cơ thể. Lá sắn phải chọn phần lá non trên ngọn, sau đó rửa sạch, muối chua rồi mới cho vào nấu.

Lá sắn nấu chua với cá là món ăn nhiều người yêu thích vào mùa hè. Nguyên liệu dùng để nấu món này cũng rất đơn giản, gồm: lá sắn đã muối chua, cá chép sông và các gia vị như tỏi, muối, mì chính.

Tuy nhiên, để có được món lá sắn chua không phải đơn giản. Nhiều người muối làm lá bị hỏng nếu không biết cách. Lá sắn khi lấy về phải rửa sạch, lúc rửa vò thật kỹ cho đến khi nhàu lá mới mềm, để ráo nước. Sau đó trộn phần rau đã vò với 1 ít muối để rau nhanh chua. Nếu bỏ quá ít muối thì phần rau sắn muối chua sẽ nổi váng và hỏng. Vì vậy, phải canh lượng muối phù hợp cho từng lượng rau sắn. Sắn đã trộn muối sẽ được cho vào chum hoặc bình sứ, đổ thêm 1 ít nước vào muối trong vòng 4-5 ngày. Khi đó, phần rau sắn sẽ trải qua quá trình ủ chua cho đến chín hẳn. Khi lá sắn chua thì vớt ra, rửa sạch váng, để ráo nước, không dùng phần nước chua đã muối.

Cá mua về làm sạch vẩy, rửa sạch rồi cắt vừa miếng ăn. Nếu muốn cá không còn vị tanh thì có thể dùng gừng, tỏi để ướp rồi cho vào rán áp chảo. Sau khi rán cá xong bắc nồi lên xào hành khô cho thật thơm với khoảng 3 quả cà chua rồi cho cá vào đảo qua, 5 phút sau cho nước vào xâm xấp thịt cá đun cho kỹ khoảng 10 phút rồi cho lá sắn vào đun khoảng 45 phút và nêm gia vị mắm muối cho vừa. Khi tắt bếp bỏ thêm tỏi vào cho thơm rồi bắc ra thưởng thức.

Thông thường khi nấu riêu chỉ đun tầm 20 phút là được ăn nhưng với lá sắn phải đun từ 45 phút-1 tiếng thì mới hết mùi hăng của lá sắn và tránh việc người nào ăn không quen sẽ bị say.

z5638264065094_5ba8b84b638867b283870ae0b91970f9.jpg
Lá sắn sau khi hái về chỉ lấy phần lá non, rửa và vò nhàu trước khi ủ chua

Nhiều người lại thích nấu canh lá sắn chua với sườn non. Với công thức nấu như trên, chỉ thay cá bằng sườn non là có món canh sườn non lạ miệng, thơm ngon. Để nấu được món này, sườn non phải chọn phần thịt màu hồng tươi, xương dẹt và nhỏ, có nhiều sụn. Loại này ăn ngon hơn loại sườn xương to, tròn.

Chị Hoàng Thị Mến, quê ở Phú Thọ đang làm dâu ở huyện Thanh Hà cho biết rau sắn nấu chua là món ăn phổ biến của người dân Phú Thọ, khi về đây chị đã nấu món này cho cả nhà ăn. Ban đầu mọi người ngạc nhiên vì chưa ăn lá sắn bao giờ, thường mọi người chỉ trồng sắn để lấy phần củ chứ không ăn lá. Lâu dần, mọi người trong gia đình cũng coi lá sắn như một món rau thông thường, dễ ăn. “Mùa hè nóng bức như thế này có bát canh rau sắn chua giải nhiệt, thanh mát thì ngon hết ý”, chị Mến nói.

Theo người xưa kể lại thì thành phần dinh dưỡng của sắn mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ nếu biết cách chế biến. Lá sắn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn ngừa suy dinh dưỡng, phù nề… Nhiều người còn dùng lá sắn sao khô làm vị thuốc giúp thanh lọc cơ thể. Muốn món này ngon đậm đà hơn thì khi thưởng thức nên pha thêm chút mắm tỏi, gừng để chấm cá, sườn. Như vậy canh ăn với cơm, cá, sườn sẽ rất cuốn trong ngày oi nóng.

MINH NGUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Canh rau sắn nấu chua ở Hải Dương
    ss