Cảnh giác với trộm cắp vặt

01/02/2016 08:24

Bọn tội phạm trộm cắp tài sản thường lộng hành vào dịp gần Tết Nguyên đán, gây lo ngại, bức xúc trong nhân dân.




Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1978 ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận, Kinh Môn) bị Toà án
Nhân dân TP Hải Dương tuyên án 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản


Mất đủ thứ

Gần một tuần nay, ông Bùi Huy H. ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) cùng người thân phải đi khắp các cửa hàng cầm đồ trong huyện mong tìm được chiếc xe máy vừa bị mất cắp hôm 23-1. Ông H. kể lại: "Tôi đi xe về và dựng ngay ngoài sân nhà. Vì nghĩ sẽ đi luôn nên tôi chủ quan không khoá lại, cổng nhà cũng chỉ khép hờ. Đến lúc quay ra thì không thấy xe đâu nữa, cổng mở toang. Tôi đã trình báo công an xã, công an huyện, nhưng tôi nghĩ khó mà tìm lại được". Chỉ vì một phút bất cẩn, chủ quan, gia đình ông H. đã mất chiếc xe máy mà vợ chồng ông phải dành dụm khá lâu mới có được.

Cũng hơn một tháng nay, câu chuyện mất bò của gia đình bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang) trở thành bài học cảnh giác cho bà con khắp trong làng ngoài xóm. Nhà bà Hiền có 5 con bò. Do kinh tế khó khăn nên đây là tài sản quý giá nhất của cả gia đình. Sáng sáng, bà Hiền thường lùa đàn bò ra bãi đất trống cho chúng ăn cỏ, chiều lùa về chuồng khóa lại. Tiếng là khóa nhưng chủ yếu để đàn bò không bỏ đi chứ bà cũng không nghĩ đến việc đề phòng mất trộm. Đêm 17-12, kẻ trộm đã lẻn vào cắt khóa, dắt trộm toàn bộ số bò trị giá cả trăm triệu đồng của gia đình bà Hiền.

Chuyện mất trộm chó, mèo, gia súc, gia cầm ở các làng quê không còn là chuyện hiếm. Có gia đình nuôi chó, mèo nhiều năm nhưng chỉ cần sơ sẩy vài phút đã bị bắt trộm. Ông Nguyễn Văn Quyến ở thôn Vé, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) cũng từng bị mất trộm con chó đã nuôi 5-6 năm. "Về vật chất thì con chó chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng vì đã nuôi nó lâu năm, nó cũng gắn bó với mọi người nên khi bị mất chúng tôi rất bức xúc", ông Quyến nói. "Của đau con xót" nên nhiều người dân đã tự tìm cách bảo vệ tài sản của mình và không ít trong số những cách làm đó đã để lại hậu quả đáng tiếc. Đã có không ít vụ việc chỉ vì con chó mà phải đổi cả mạng người hay những vụ việc chăng điện quanh chuồng gà để chống trộm cũng khiến người khác thiệt mạng...

Không xem nhẹ việc điều tra


Theo thống kê, trong năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 410 vụ trộm cắp tài sản, tăng 24 vụ so với năm 2014. Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ việc được người dân báo hoặc do cơ quan công an phát hiện, ngoài ra còn nhiều vụ việc trộm cắp vặt không được người dân khai báo thì không thể thống kê hết được. Người dân thường cho rằng tài sản bị mất có giá trị không lớn nên không khai báo với cơ quan công an khiến lực lượng chức năng rất khó nắm bắt thông tin. Trong khi đó, những tài sản được coi là “vặt” lại thường được bọn trộm dễ dàng mang đi tẩu tán. Việc truy tìm  đối tượng và tài sản bị mất vì thế gặp khó khăn. Những kẻ trộm cắp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí tiếp tục thực hiện nhiều vụ việc khác gây bức xúc dư luận.

Trộm cắp vặt bị phát hiện nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe cũng là nguyên nhân khiến nạn trộm cắp ở nhiều nơi chưa bị đẩy lùi.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết của Công an tỉnh vừa qua, Trung tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ: Việc lực lượng công an coi trọng điều tra, khám phá các vụ án trộm cắp vặt, mất cắp xe đạp, con gà trị giá vài triệu đồng của người dân ngay từ cơ sở sẽ giúp người dân tin tưởng vào lực lượng công an hơn, tạo dựng hình ảnh đẹp hơn trong lòng nhân dân. Không nên vì nghĩ những vụ việc nhỏ lẻ mà xem nhẹ việc điều tra, khám phá, tránh gây bức xúc trong nhân dân.

Công tác phòng chống trộm cắp cũng không thể chỉ trông chờ vào mỗi lực lượng công an mà cần có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và đặc biệt là từ mỗi người dân. Mỗi gia đình cần nêu cao tinh thần cảnh giác trong quản lý tài sản, trách nhiệm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kịp thời tố giác với cơ quan chức năng các vụ việc mất trộm tài sản để điều tra, xử lý. Lực lượng công an cũng cần kiên quyết xử lý các đối tượng trộm cắp tài sản đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt; các đối tượng tái phạm, gây ra nhiều vụ trộm, cắp... Tập trung lực lượng điều tra, khám phá các vụ án trộm cắp, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm nhằm tạo niềm tin cho nhân dân. Các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những đối tượng trộm cắp đã bị xử lý hành chính; hoàn thiện hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần.

TÂM PHÚC

Theo quy định tại khoản 1 điều 138 Bộ luật Hình sự, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản (như trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...), chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hành vi trộm cắp dưới 2 triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 138 nói trên thì bị coi là vi phạm hành chính và bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với trộm cắp vặt