Thời gian qua, khi các vụ án xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, thì các thế lực thù địch, phản động lại triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước.
Rất nhiều thủ đoạn
Với sự phát triển của công nghệ nói chung, internet nói riêng, một số tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông hải ngoại vốn thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, RFI, VOA… lợi dụng việc cơ quan điều tra khởi tố, điều tra các vụ án, đã đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc bản chất vụ việc, chống phá Đảng, Nhà nước với các thủ đoạn tinh vi.
Ngày 24.3, Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam, về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự, các phần tử cơ hội chính trị đã xuyên tạc bản chất vụ việc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. RFA cho rằng, việc bắt bà Phương Hằng theo điều 331 là “không hợp lý”. Việt Tân thì vu cáo “Công an sử dụng điều 331 để khởi tố bà Phương Hằng là sai trái”; “quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt”.
Ngày 29.3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, về tội thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại điều 211 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng tán phát ngay thông tin “ngân sách cạn kiệt nên mới bắt giữ ông Quyết nhằm tịch thu tài sản nuôi bộ máy”; “ông Quyết là mắt xích trọng yếu, sân sau của một phe cánh đang thất thế nên bị thanh trừng”. Họ còn cho rằng, ông Quyết bị xử lý 2 lần cho một hành vi phạm tội, bị “Bộ Công an ép tới đường cùng”.
Các đối tượng tung ra nhiều bài viết xuyên tạc liên quan đến vụ Công ty Việt Á. Chúng cho rằng một Thứ trưởng của Bộ Công an được nhận chức mới là do có công trong vụ Việt Á; rằng “vụ Việt Á được thâu về Ban Chỉ đạo Trung ương quản lý, tức là tạm thời đưa về đó để dàn xếp, hoạch định lại việc sắp xếp ghế cho hài hoà”, từ đó chúng xuyên tạc về công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước.
Một số trang mạng xã hội của các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn lợi dụng các vụ án tung ra những luận điệu bôi xấu chế độ. Nhiều bài viết vu cáo Việt Nam chống tham nhũng bằng cách hô hào khẩu hiệu, đổ lỗi việc để xảy ra những vụ án như vậy là do chế độ, Đảng, Nhà nước. RFA viết rằng, “Vụ Việt Á, mọi việc trở nên tồi tệ”. Chúng còn hạ thấp vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn phỏng vấn, phát tán các video, hình ảnh, bài viết với nội dung sai trái, cực đoan của những đối tượng gắn mác chuyên gia, học giả, những cá nhân tự cho mình là những “nhà phản biện” để ra sức bóp méo, đả phá xung quanh vụ án. Chúng cho rằng “Ban Chỉ đạo vào cuộc chỉ để giải quyết hậu quả”, tệ nạn tham nhũng bị “thủng từ gốc”; công cuộc phòng chống tham nhũng “chỉ trên khẩu hiệu”, không đạt kết quả đáng kể nào do “chế độ độc đảng”.
Với những thông tin sai lệch, suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hòng bóp méo chủ trương phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Từ đó gây tâm lý hoài nghi, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.
Không thể đổ lỗi, quy kết
Việc bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như với các công ước quốc tế về quyền con người. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Các vụ án thời gian qua đều được khởi tố, điều tra và truy tố một cách có căn cứ và đúng pháp luật, bảo vệ đầy đủ các quyền của công dân. Vì vậy, không thể quy kết công an bắt người trái pháp luật hay vi phạm quyền tự do dân chủ.
Công tác nhân sự của Đảng ta được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, chuẩn bị công phu, cách làm cẩn trọng, dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Những ý kiến về việc dàn xếp, sắp đặt cán bộ mà các đối tượng cơ hội chính trị đưa ra chỉ là những chiêu trò xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm uy tín của lãnh đạo cấp cao và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng với phương châm “Sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, không dung túng. Các vụ án liên quan đến tham nhũng đều do sự tha hóa quyền lực và lòng tham của cá nhân. Do đó, không thể đổ lỗi là do chế độ, Đảng, Nhà nước.
Theo đánh giá mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không vì chống dịch mà chùng xuống. Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của các vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời rà soát, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý theo quy định. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Việc xử lý các vụ án thời gian qua một lần nữa chứng minh cho chủ trương “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết tâm cao trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị, chứ không phải “khẩu hiệu suông, mị dân” như luận điệu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.
Đồng thời, với tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, cũng như âm mưu của kẻ địch lợi dụng các vụ án để chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải luôn nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc phá hoại công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không để bị lôi kéo, kích động.
Theo VOV