Góc nhìn

Cảnh giác những kẻ cơ hội chính trị trong chống tham nhũng, tiêu cực

LÊ QUÝ HOÀNG 05/12/2023 15:00

Thời gian qua, một số nhân vật nổi tiếng "dám nói, dám làm" lại bị phát hiện vi phạm kỷ luật, pháp luật, thể hiện sự bất nhất giữa nói và làm, cơ hội chính trị trong chống tham nhũng, tiêu cực.

thong-bao-hoi-nghi-giua-nhiem-ky-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii.jpg
Quang cảnh Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh: nhandan.vn

Phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: Hết sức tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người” để cảnh báo, phòng ngừa "căn bệnh" rất đáng lo ngại này trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây vừa là một biểu hiện, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...

Thời gian qua, cùng với những kết quả quan trọng của cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không ít cán bộ, đảng viên, có cả người đứng đầu các cấp bị kỷ luật, xử lý hình sự. Đáng nói trong đó, một số cán bộ lúc đương chức nổi tiếng với những phát ngôn mạnh mẽ, quyết liệt trong chỉ đạo, răn dạy cấp dưới và quần chúng phải phấn đấu sống tốt, nỗ lực cống hiến, tránh bị cám dỗ, rơi vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến sai phạm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức...

Thực tế, có không ít cán bộ đã hùng hồn rao giảng: Cán bộ, đảng viên, công chức phải làm việc vì dân, không được tham nhũng, tiêu cực; phải tuân thủ các giá trị đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ; phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể để nêu gương trước quần chúng... Thế nhưng sau đó không lâu, chính những cán bộ này bị pháp luật "sờ gáy" với loạt sai phạm ở thời điểm trước khi phát ngôn, thậm chí ở ngay thời gian đang hùng hồn phát biểu. Những cá nhân này đã thể hiện sự liêm chính giả tạo để lấp liếm, che giấu dư luận và tổ chức. Thậm chí, họ còn rốt ráo chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên cấp dưới với những vi phạm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến "căn bệnh" này, nhưng nguyên nhân căn bản nhất xuất phát từ sự rèn luyện không thường xuyên, liên tục, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sinh ra những thói hư tật xấu, thiếu gương mẫu, làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp, đồng đội và tập thể. Cũng có người bị những cá nhân không trong sáng lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc... dẫn đến tha hóa, tìm cách hạ uy tín của người khác.

Hiện tượng tiêu cực trên gây ra hậu quả lớn cho các cá nhân, tổ chức, khiến đồng chí, đồng nghiệp bất bình. Tập thể cơ quan, đơn vị nào có cán bộ như vậy dễ sinh ra mất đoàn kết, nếu người đứng đầu có tính xấu như vậy sẽ làm triệt tiêu tính đấu tranh tự phê bình và phê bình, dẫn đến tình trạng cấp dưới chán nản, có tư tưởng tiêu cực, người tốt không được ghi nhận có thể dẫn đến bất mãn, "tự diễn biến"; tạo môi trường thuận lợi cho những kẻ xu nịnh, bè phái, năng lực yếu tác oai tác quái. Hệ lụy nguy hiểm nhất là những cán bộ "nói một đằng, làm một nẻo", nói hay, làm dở khiến quần chúng nhân dân bức xúc, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên; thậm chí tạo ra tâm lý nghi ngờ những phát ngôn mạnh mẽ, hành động quyết liệt của những người đứng đầu thực sự có phẩm chất, năng lực tốt.

Để không mắc "bệnh" này, trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường giáo dục, nhắc nhở, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức thật sâu sắc, đầy đủ hàm ý của lời răn dạy này; quán triệt, thực hiện đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Đồng thời, phải duy trì thực hiện nghiêm túc các chế độ, nguyên tắc sinh hoạt Đảng; có biện pháp nhắc nhở, định hướng, yêu cầu đảng viên nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, cấp ủy, thủ trưởng cấp trên phải thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát, có biện pháp để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, yêu cầu cán bộ chủ trì, chủ chốt cấp dưới phải thực hiện đúng nguyên tắc tự phê bình gắn với phê bình, bảo đảm chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thực sự nêu gương trước quần chúng. Việc thực hành nêu gương phải được đặc biệt chú trọng, bảo đảm nói đi đôi với làm, người đứng đầu làm trước, nêu gương trước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, cán bộ không nêu gương, tung tin đồn xuyên tạc, nói xấu người khác hoặc gửi đơn thư tố cáo sai sự thật, nặc danh, mạo danh...

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cần quan tâm xây dựng môi trường làm việc, sinh hoạt văn hóa, văn minh, đoàn kết; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch những nội dung công việc, chế độ chính sách theo đúng quy định để tạo sự đồng thuận, thông suốt về tư tưởng, không còn những "khoảng tối", mập mờ tạo cơ hội cho tính xấu nảy sinh.

LÊ QUÝ HOÀNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác những kẻ cơ hội chính trị trong chống tham nhũng, tiêu cực