Nhiều người đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo khi mua hàng điện tử trả góp quy đổi tiền mặt nhất là khi thị trường mua sắm bước vào giai đoạn sôi động nhất trong năm.
Các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc qua giới thiệu từ những người đã từng được vay tiền của nhóm đối tượng để tư vấn cách thức "vay tiền nhanh, chỉ cần CMND/CCCD" "vay tiền không cần thanh toán lãi" thông qua việc mua hàng trả góp.
Bài viết của đối tượng lừa đảo nhằm dụ dỗ khách hàng trên mạng xã hội
Sau đó, hướng dẫn nạn nhân đến cửa hàng điện máy để mua hàng trả góp và hỗ trợ khoản tiền trả trước. Với mỗi hợp đồng trả góp thành công, các đối tượng sẽ đưa nạn nhân một số tiền nhỏ để thu mua sản phẩm, đồng thời lấy sản phẩm bán ra ngoài để chiếm đoạn số tiền chênh lệch (khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng, tùy theo giá trị của sản phẩm).
Sau khi sập bẫy, các nạn nhân sẽ mất một khoản phí cao để tiếp tay cho đối tượng lừa đảo đồng thời gánh chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền trong hợp đồng trả góp tại các công ty tài chính.
Để tránh tiền mất tật mang, cơ quan chức năng và các công ty tài chính khuyến cáo người dân nên tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, tìm hiểu kỹ về hợp đồng trả góp, đặc biệt là trách nhiệm thanh toán đối với hợp đồng do mình đứng tên và cảnh giác với các chiêu trò, lời dụ dỗ của các đối tượng xấu.
Khách hàng nên tiếp cận khoản vay từ các tổ chức tài chính được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước
Tính đến tháng 3.2021, có gần 16 công ty tài chính đang hoạt động trên thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, và khoảng 80% thị phần nằm trong tay 3 doanh nghiệp là FE Credit, Home Credit và HD Saison. Các công ty tài chính tiêu dùng vẫn luôn nỗ lực đẩy lùi tín dụng đen, kêu gọi người dân tiếp cận với những nguồn tin chính thống từ các tổ chức tài chính được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Người lao động