Cánh đồng tự quản môi trường ở Kinh Môn

11/06/2019 18:13

Từ khi Hội Nông dân các xã, thị trấn của huyện Kinh Môn xây dựng được tổ cánh đồng tự quản về môi trường đã giảm đáng kể tình trạng rác thải, vỏ bao bì thuốc trừ sâu vứt vương vãi...

Từ khi có các lù chứa rác, vỏ chai lọ, các cánh đồng ở huyện Kinh Môn đã sạch hơn

Cánh đồng sạch hơn

Hơn 1 năm nay, các cánh đồng lúa, trồng rau màu hay vùng chuyển đổi ở xã Thượng Quận tương đối sạch sẽ. Chỉ cần có vỏ bao bì, chai lọ thuốc cỏ, thuốc trừ sâu vứt không đúng chỗ là thành viên trong tổ cánh đồng tự quản về môi trường của các Chi hội Nông dân lại thu nhặt bỏ vào các lù ở đầu các cánh đồng. Hưởng ứng phong trào xây dựng cánh đồng tự quản về môi trường, năm 2018 xã Thượng Quận đã thành lập 7 tổ, mỗi tổ có 2 thành viên tham gia. Khi mới thành lập, định kỳ vào thứ bảy, chủ nhật, các thành viên lại ra quân đi thu gom, nhặt vỏ bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu, rác thải người dân vứt ở ngoài cánh đồng để gọn gàng trong các lù. Đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vứt rác, vỏ chai lọ bừa bãi. Đến nay, mặc dù tổ vẫn hoạt động nhưng công việc giảm đi đáng kể bởi ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên. Chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Bãi Mạc cho biết: “Trước đây, mỗi khi phun thuốc trừ sâu xong tôi thường vứt vỏ thuốc xuống các rạch nước hoặc đầu bờ ruộng. Bây giờ tôi đã để vào các lù mà Chi hội Nông dân đặt ngay đầu cánh đồng. Mỗi khi thấy có rác thải hoặc bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi tôi cũng nhặt để vào đúng nơi quy định”.

Mặc dù công việc không quá vất vả, thời gian linh hoạt nhưng do liên quan tới các chất độc hại nên lúc đầu việc huy động hội viên nông dân tham gia tổ tự quản môi trường ở một số nơi gặp khó khăn. Một số xã, thị trấn đã huy động người dân đóng góp để chi trả tiền công cho hội viên nông dân. Ông Nguyễn Nho Bộ, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phụ cho biết: “Xã hiện có 10 tổ tự quản môi trường ở các cánh đồng với 100 hội viên nông dân tham gia. Theo quy định, HTX Dịch vụ nông nghiệp của xã sẽ thu của người dân mỗi năm 1 kg thóc/sào để chi trả công cho những người tham gia vào các tổ thu gom”. 

Nâng cao ý thức của người dân

Việc thành lập các tổ cánh đồng tự quản về môi trường là chủ trương đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực của Huyện ủy Kinh Môn. Những năm qua, để bảo vệ mùa màng, hoa màu khỏi sâu bệnh, nông dân phải sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Sau khi sử dụng, người dân thường vứt vỏ bao bì thuốc trừ sâu, chai lọ ngay ở đầu bờ hoặc xuống kênh mương. Đây đều là những vật liệu khó phân hủy, hơn nữa nhiều chất độc hại còn sót trong các chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và đất. 

Năm 2017, Huyện ủy Kinh Môn ban hành Chỉ thị 05 về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn". Hội Nông dân được giao nhiệm vụ xây dựng các tổ cánh đồng tự quản về môi trường. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 77 tổ cánh đồng tự quản về môi trường; 100% chi hội ở các xã Thượng Quận, An Phụ, Thất Hùng... đều có tổ tự quản. Hầu hết các mô hình đều hoạt động theo hình thức tự nguyện. Ông Bùi Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kinh Môn cho biết: "Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tác động đến ý thức của người dân chung tay bảo vệ môi trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động các chi hội còn lại thành lập tổ này".

Mặc dù mang lại hiệu quả thiết thực nhưng các tổ cũng gặp khó khăn do không có kinh phí hoạt động. Hội Nông dân huyện Kinh Môn mong nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ các cấp chính quyền và người dân để duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ cánh đồng tự quản môi trường. 

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cánh đồng tự quản môi trường ở Kinh Môn