Suốt 15 năm qua, bà Nhớn, 75 tuổi, vợ liệt sĩ Khúc Văn Tẹo ở thôn Điền Nhi, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) phải sống trong căn nhà tạm ọp ẹp, tối tăm...
Bà Nhớn trước căn nhà tạm ọp ẹp
Suốt 15 năm qua, bà Đoàn Thị Nhớn, 75 tuổi, vợ liệt sĩ Khúc Văn Tẹo ở thôn Điền Nhi, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) phải sống trong căn nhà tạm ọp ẹp, tối tăm, chỉ cao hơn 2m, rộng 6m2 lợp ngói phi-brô xi-măng, nhiều viên gạch đã mục ruỗng, nền đất. Nhiều đồ đạc như: chăn, bàn, quạt, quần áo… bà Nhớn phải đi xin người khác hoặc người dân thương tình mang cho. “Nhiều đêm mưa to dột khắp nhà, tôi không ngủ được phải ngồi co ro đợi trời sáng. Mùa bão chỉ sợ sập nhà. Mùa hè nóng bức không chịu được. Mong Nhà nước quan tâm để đời tôi bớt khổ”, bà Nhớn cho biết. Phần lớn diện tích đất của bà Nhớn đã để lại cho con trai là Khúc Văn Hưởng (sinh năm 1965). Dù tuổi cao, sức yếu, bà vẫn phải tự nấu ăn. Nhiều lần, gia đình anh Hưởng khóa cổng đi làm, bà Nhớn phải tắm, giặt giũ nhờ hàng xóm. Bà Nhớn còn bị nhiều loại bệnh như: thần kinh, hen suyễn, thấp khớp. Bệnh thần kinh đã nhiều lần tái phát. Vì bệnh này, có lần bà Nhớn đã bỏ nhà đi.
Hiện nay, bà Nhớn được hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ với mức 870 nghìn đồng/tháng. Số tiền này phải chi cho quá nhiều thứ như: mua thuốc chữa bệnh, sinh hoạt hằng ngày... Thế nên, bà phải chi tiêu tằn tiện.
Một số người hàng xóm cho biết, gia đình anh Hưởng ít quan tâm, chăm sóc cho bà Nhớn. Nhà anh Hưởng không phải là nghèo, bởi vợ chồng anh đều còn sức lao động, có nguồn thu hằng tháng, con cái đã trưởng thành. Bà Nhớn còn có một người con gái đã lấy chồng ở thôn khác nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên không giúp được gì nhiều. Đã đành trách nhiệm trước tiên thuộc về chính những người con của bà Nhớn, nhưng chính quyền xã Toàn Thắng có biết trường hợp này để sẻ chia, giúp đỡ? Trong nhiều năm liền, nguyện vọng của bà Nhớn là có một căn nhà chắc chắn hơn liệu có đến được với cơ quan chức năng?
NGỌC LỘC - MINH ANH