Theo thông tin báo chí, đến hết ngày 19-8-2016, hạn cuối cùng đợt I học sinh đăng ký vào các trường đại học, nhưng nhiều trường không đạt chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gia hạn tuyển sinh đợt I đến hết ngày 21-8-2016. Theo đó, các trường đại học: Bách khoa Hà Nội thiếu 700 chỉ tiêu, Ngoại thương 400 chỉ tiêu, Xây dựng 500 chỉ tiêu, Mỏ-Địa chất thiếu 2.000 chỉ tiêu... Ở tỉnh nhà, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương còn thiếu 200 chỉ tiêu, các Trường Đại học Hải Dương, Trường Đại học Sao Đỏ thiếu rất nhiều. Đây là một hiện tượng hiếm gặp trong công tác tuyển sinh những năm qua, nhất là đối với những trường đại học ở tốp đầu.
Qua những số liệu trên cho thấy học sinh đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng không nhiều như trước. Trước đây nhiều người quan niệm bằng mọi giá phải vào được đại học. Vào đại học là vinh dự cho bản thân, gia đình, dòng họ. Ngày nay, quan niệm trên đã dần thay đổi, nhận thức về đào tạo đã thực chất hơn. Nhiều gia đình cho rằng học đại học rất tốn kém nhưng khi ra trường vẫn phải chạy vạy mất nhiều tiền mới kiếm được việc. Thậm chí, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học hiện cũng không tìm được việc làm. Từ đó, nhiều phụ huynh và học sinh đã cân nhắc kỹ hơn giữa đi học đại học và học nghề. Do vậy, xu hướng học nghề tăng lên.
Theo Viện Khoa học lao động - xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cả nước hiện có 191.000 người có trình độ đại học trở lên, 94.800 người trình độ cao đẳng và 59.100 người trình độ trung cấp chuyên nghiệp đang thất nghiệp. Từ thực tiễn này khiến chúng ta suy nghĩ nhiều đến công tác giáo dục và đào tạo ở nước ta. Có thể đang tồn tại sự thiếu cân đối giữa đào tạo và việc làm, giữa số lượng và chất lượng, hoặc đào tạo không gắn với sử dụng, đào tạo cái mà xã hội (doanh nghiệp) không cần. Nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Quá nhiều thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp gây lãng phí sức lao động và tiền của của nhân dân. Việc hoạch định kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo không phù hợp với thực tế, không gắn kế hoạch đào tạo với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế của nước ta phát triển và hội nhập, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển dụng rất bài bản, khắt khe. Do đó, công tác đào tạo phải gắn với sử dụng, bảo đảm học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội, doanh nghiệp. Ở một số nước có nền kinh tế phát triển, các nhà trường có mối liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, có nhà trường còn ký hợp đồng với các tập đoàn đào tạo theo đơn đặt hàng cho từng ngành nghề cụ thể.
Nước ta cần khắc phục ngay tình trạng thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng. Đại hội XI của Đảng đã đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu công tác đào tạo vẫn theo cách cũ như hiện nay thì nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội không thực hiện được như kế hoạch đề ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
HOÀNG VŨ (Bình Giang)