Nhật Bản vừa chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi xuất khẩu. Quyết định của Tokyo được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng này.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xuống rất thấp
Từ tranh cãi lịch sử đến xung đột thương mại
Tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã dấy lên hồi tháng 10.2018 khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai. Dù Nhật Bản luôn cho rằng, vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, cho phép Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD, nhưng các luật sư Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quyết định của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản. Tháng 1-2019, Nhật Bản đã yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao, nhưng phía Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết.
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, căng thẳng thẳng mại Nhật Bản-Hàn Quốc bắt đầu bùng phát, khi Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Biện pháp này của Nhật Bản được cho là sẽ ảnh hưởng đến các "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display, khi Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.
Hàn Quốc cáo buộc động thái của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn đề lao động thời chiến. Nhằm đối phó với quyết định của Nhật Bản, Chính phủ, Phủ Tổng thống và đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành Hàn Quốc đã quyết định đầu tư mỗi năm 1.000 tỷ won (hơn 850 triệu USD) để xúc tiến ngành vật liệu bán dẫn trong nước. Khoản tiền trên sẽ được đầu tư vào phát triển vật liệu, linh kiện và thiết bị bán dẫn, nâng cao sức cạnh tranh của ngành này. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đẩy nhanh công tác chuẩn bị để nộp đơn khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh. Nhật Bản cũng lên kế hoạch loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách trắng" các quốc gia được nhận ưu đãi trong xuất khẩu của Tokyo.
Căng thẳng thương mại leo thang
Ngày 2.8, căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã bị đẩy lên một cấp độ mới khi Nội các Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã chính thức phê chuẩn đề xuất loại bỏ Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" trong một động thái mà Seoul cho là để trả đũa phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc đòi một số công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị ép buộc lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên. Theo quyết định mới, từ ngày 28.8 tới, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt với từng đơn hàng một. Tokyo cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định với các đơn hàng xuất khẩu. Hiện "Danh sách Trắng" có 27 quốc gia, như Mỹ, Anh, Pháp… theo đó, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng mà chỉ cần một giấy phép chung. Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào "Danh sách Trắng" từ năm 2004 và Hàn Quốc là nước đầu tiên bị loại khỏi danh sách này.
Sau khi Nội các Nhật Bản phê chuẩn các kế hoạch loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Tổng thống Hàn Quốc gọi hành động này là việc mở rộng các biện pháp hạn chế thương mại và là một thách thức lớn với quan hệ song phương, đồng thời tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu. Ông Moon cũng cho rằng cuối cùng Nhật Bản đã phớt lờ những nỗ lực của Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế nhằm tháo gỡ tình hình bằng con đường ngoại giao. Vì vậy, Tokyo là bên làm nghiêm trọng tình hình và phải chịu "hoàn toàn trách nhiệm" với những việc sẽ diễn ra. Dù Hàn Quốc không mong muốn vòng xoáy trừng phạt lẫn nhau nhưng vì Tokyo áp dụng "biện pháp trả đũa bất công" với Seoul nên Chính phủ Hàn Quốc sẽ có các biện pháp tương ứng. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết, nước này cũng sẽ loại Nhật Bản ra khỏi “Danh sách trắng” các đối tác thương mại tin cậy của Hàn Quốc. Còn Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha thì chỉ trích quyết định trên là "đơn phương và tùy tiện" và Seoul sẽ có thể xem xét dừng Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật.
Trong khi đó, các đảng đối lập ở Hàn Quốc cũng đã tổ chức các cuộc họp khẩn với sự tham gia của các nhà lập pháp để đưa ra các biện pháp đối phó.
Đều chịu thiệt hại
Theo giới quan sát, với tình hình căng thẳng thương mại Nhật-Hàn tiếp tục leo thang, cả hai nền kinh tế đều sẽ phải chịu thiệt hại với phần lớn hơn nghiêng về phía Hàn Quốc, đồng thời đe dọa đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Các chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) dự báo, nếu doanh nghiệp Hàn Quốc bị thiếu 30% nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn do biện pháp siết chặt xuất khẩu của Nhật Bản, thì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc sẽ bị giảm 2,2%, trong khi GDP của Nhật Bản giảm 0,04%. Trong trường hợp Seoul đáp trả tương tự bằng việc siết chặt quy chế xuất khẩu với Tokyo, thì GDP Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ giảm lần lượt 3,1% và 1,8%.
Nếu tình hình diễn tiến xấu hơn nữa, doanh nghiệp Hàn Quốc bị thiếu tới 45% nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn, thì khi đó GDP của Hàn Quốc sẽ giảm tới 4,2%. Trường hợp Hàn Quốc đáp trả bằng cách siết chặt quy chế xuất khẩu với Nhật Bản thì GDP có thể giảm tới 5,4%.
Còn nếu mâu thuẫn giữa hai nước lan rộng trở thành chiến tranh thương mại, sản lượng của ngành công nghiệp điện, điện tử Hàn Quốc sẽ bị giảm 20,6%, của Nhật Bản giảm 15,5%. Ngược lại, sản lượng của Trung Quốc sẽ tăng 2,1%, giành vị trí độc quyền.
Không chỉ tác động tới nền kinh tế của Hàn Quốc và Nhật Bản, giới chuyên gia cũng cảnh báo về tác động toàn cầu mà căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế châu Á vốn có mối quan hệ đan xen chặt chẽ có thể gây ra. Giới chuyên gia cho rằng, các chuỗi cung ứng công nghệ sẽ chịu ảnh hưởng to lớn bởi các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc chiếm hơn 70% sản lượng chip nhớ toàn cầu và khi đó sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm hơn nữa.
Giới chuyên gia cho rằng, căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và biện pháp tốt nhất để giải quyết mối căng thẳng này là con đường ngoại giao.
Theo TTXVN