Những động thái cứng rắn của cả Mỹ và Trung Quốc đang tác động rất lớn tới triển vọng không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung và dài hạn của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gây ra những tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế trên thế giới
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo nâng mức thuế lên cao hơn đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 550 tỷ USD của Trung Quốc nhằm đáp trả quyết định của Trung Quốc áp thuế bổ sung lên 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ là những động thái mới nhất khiến “cuộc chiến” thương mại Mỹ-Trung bị đẩy lên một nấc thang mới. Những động thái “ăn miếng, trả miếng” liên tiếp của hai nước đang gây ra những tác động nguy hiểm không chỉ đối với hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc mà còn đối với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Những bước đi nguy hiểm
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ hơn 1 năm qua đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Việc hai nước liên tục áp thuế lẫn nhau khiến cả hai nền kinh tế đều chịu thiệt hại. Đến nay, Mỹ đã áp thuế đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Đáp lại, Bắc Kinh cũng đã áp mức thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Gần đây, quan hệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi sau khi vòng đàm phán song phương Mỹ-Trung tại Thượng Hải hồi cuối tháng 7 vừa qua không thu được kết quả như mong đợi. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã công bố kế hoạch áp thuế 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc kể từ ngày 1.9 tới. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều sẽ phải chịu thuế. Tuy nhiên, kế hoạch trên của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản ứng từ giới doanh nghiệp Mỹ vì cho rằng việc tăng thuế sẽ tác động nghiêm trọng tới các công ty và người tiêu dùng Mỹ, nên vào ngày 13.8, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút lại một phần kế hoạch trên, tạm thời hoãn tăng thuế đối với khoảng 60% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đến ngày 15.12 tới. Các mặt hàng được hoãn áp thuế bao gồm hàng điện tử và tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game, màn hình máy tính và một số mặt hàng đồ chơi, giày dép và quần áo… Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc hoãn áp thuế này là nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động mua sắm của người dân khi mùa lễ hội đang đến gần.
Tuy nhiên, trong một động thái được cho là nhằm đáp trả chính sách thuế mới của Washington đối với hàng hóa Trung Quốc, ngày 23.8, Ủy ban Chính sách thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ. Theo đó, từ ngày 1.9 tới, sẽ có 5.078 loại hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có nông sản, dầu thô, máy bay cỡ nhỏ... sẽ phải chịu mức thuế bổ sung từ 5% đến 10%. Ngoài ra, Trung Quốc quyết định sẽ nối lại việc áp thuế bổ sung 25% hoặc 5% đối với ô tô và linh liện nhập khẩu từ Mỹ. Việc áp thuế bổ sung đối với ô tô và linh kiện này có hiệu lực từ ngày 15.12 tới.
Phản ứng sau chính sách tăng thuế trên của Trung Quốc, ngày 23.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức đáp trả bằng thông báo nước này cũng sẽ tăng thêm 5% thuế đối với các hàng hóa của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ đã quyết định sẽ tăng thuế từ 25% lên 30% nhằm vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1.10 tới. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 15% nhằm vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1.9. Trong cuộc họp với đoàn đàm phán thương mại Mỹ tại Nhà Trắng ngay sau thông báo áp thuế trả đũa Trung Quốc, Tổng thống Trump còn kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ dừng các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để chuyển về nước hoặc tính sang các phương án khác.
Như vậy từ 1.9 tới, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế sẽ là 550 tỷ USD. Phản ứng lại “đòn” áp thuế mới của Mỹ, ngày 24.8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo phản đối mạnh mẽ quyết định của Mỹ tăng thuế với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD và cảnh báo các hậu quả mà Washington sẽ phải gánh chịu nếu không chấm dứt "những hành động sai lầm".
Những tác động tiêu cực với Mỹ và Trung Quốc…
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo áp đặt mức thuế cao hơn đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 550 tỷ USD của Trung Quốc để đáp trả quyết định mới nhất của Bắc Kinh áp thuế bổ sung nhằm vào khoảng 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ đã tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên một tầng nấc mới. Với những “đòn” thuế quan mới này, tính tới cuối năm nay, hầu như mọi hoạt động xuất và nhập khẩu giữa hai quốc gia đều bị tác động bởi tình trạng căng thẳng thuế quan. Rất nhiều công ty Mỹ phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc đang đặc biệt lo ngại trước những diễn biến mới này.
Theo các nhà phân tích, những động thái cứng rắn của cả Mỹ và Trung Quốc đang tác động rất lớn tới triển vọng không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung và dài hạn của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 6%, thấp hơn mức mục tiêu đề ra và thấp hơn mức dự báo của Reuters đưa ra vào tháng 7 vừa qua là 6,2%. Giới chuyên gia lo ngại, một khi Trung Quốc bị cuốn vào vòng xoáy "trả đũa thuế quan", thiệt hại đối với Bắc Kinh sẽ giống như "con dao hai lưỡi", bởi các công ty Trung Quốc phải gia tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm và dịch vụ tăng theo dẫn tới doanh thu giảm. Những biện pháp này còn có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn nếu Bắc Kinh không có những điều chỉnh chính sách phù hợp cũng như tiếp tục bế tắc trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Còn đối với Mỹ, các đòn đáp trả thuế quan của Trung Quốc cũng như các biện pháp trừng phạt đối với các công ty của Mỹ đang ảnh hưởng đáng kể tới nền sản xuất Mỹ, nhất là gây thiệt hại đối với ngành nông nghiệp. Tăng trưởng của Mỹ hiện đang chậm lại, có thể giảm sâu xuống dưới 2% GDP, bất chấp cam kết về mức tăng trưởng 4% năm 2019. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc đang khiến sản xuất và chi tiêu vốn tại Mỹ bị suy yếu và FED chưa có một giải pháp hữu hiệu nào để chống lại những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế toàn cầu.
… và với các nước khác
Không những tác động tiêu cực đến nền kinh tế của hai nước Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn đang gây ra những tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế trên thế giới. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới suốt một năm qua đã khiến các thị trường tài chính toàn cầu nhiều phen hỗn loạn trong khi nền kinh tế thế giới cũng chao đảo.
Bằng chứng là việc phản ứng của thị trường từ những động thái áp thuế mới của hai nước là việc thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc trong phiên giao dịch ngày 23.8 khi các chỉ số chính đều mất điểm do lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Thị trường tài chính thế giới trong phiên đầu tuần ngày 26.8 cũng phản ánh mối quan ngại sâu sắc của giới đầu tư. Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua, với tỉ giá 7,14 NDT đổi được 1 USD. Tại Tokyo, đồng Yen đã tăng giá mạnh so với USD, do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào đồng bản tệ của Nhật Bản để tích trữ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu các thị trường chứng khoán ở châu Á đồng loạt giảm điểm khi mở cửa ngày giao dịch 26.8. Các chỉ số Nikkei Nhật Bản, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc), hay chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) đều giảm điểm.
Trong khi đó, các nền kinh tế Đông Nam Á cũng đã bắt đầu gặp bất lợi do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kể từ cuối năm 2018. Theo các số liệu thống kê chính thức, trong quý II.2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 5 trong số 6 nền kinh tế chủ chốt trong khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đã giảm so với quý I, trong đó Thái Lan và Singapore là những nước có tỷ lệ tăng trưởng giảm mạnh nhất do nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của các nước này như hàng điện tử bị sụt giảm.
Cụ thể, trong quý II.2019, nền kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng với tỷ lệ 2,3%, thấp nhất trong gần 5 năm qua, buộc Thái Lan ngày 19.8 vừa qua đã phải hạ dự báo tăng trưởng cho cả năm 2019 xuống còn từ 2,7%-3,2%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó (từ 3,3% đến 3,8%).
Tỷ lệ tăng trưởng của Singapore trong quý II.2019 cũng chỉ đạt 0,1%, thấp nhất trong 10 năm qua do sự sụt giảm trong ngành điện tử, buộc Singapore vào tuần trước cũng đã phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ ngưỡng 1,5-2,5% trước đó xuống còn 0-1%.
Tăng trưởng ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã chạm mức thấp nhất trong 2 năm khi chỉ đạt 5,05% trong quý II.2019 do sự giảm giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu như dầu cọ. Việt Nam cũng chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng nhẹ khi GDP tăng 6,7% trong quý II sau khi đạt mức tăng 6,8% trong quý I.2019. Kinh tế Philippines cũng chứng kiến sự suy giảm tương tự, từ 5,6% xuống còn 5,5%.
Malaysia tuy đạt tốc độ tăng trưởng 4,9% trong quý II.2019, tăng 0,4% so với quý trước, nhờ đà tăng trưởng 7,8% của chi tiêu dùng của khu vực tư nhân, song Ngân hàng trung ương Malaysia vẫn tỏ ra thận trọng khi nhận định những rủi ro do sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh các căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn.
Các bước đi “ăn miếng, trả miếng” của Mỹ và Trung Quốc trong hơn 1 năm qua cũng đã giáng mạnh vào các nền kinh tế ở châu Âu, trong bối cảnh châu Âu đang trở nên mong mạnh hơn do các cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy và Anh, trong khi nước Đức, nước vốn là trụ cột chính của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu, cũng đang bên bờ vực suy thoái, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp Đức. Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) cho rằng kinh tế Đức có thể tiếp tục sụt giảm trong quý III.2019 sau khi đã giảm 0,1% trong quý II, xuất phát từ việc các đơn đặt hàng giảm mạnh và tâm lý của các nhà sản xuất bị ảnh hưởng, khiến kinh tế Đức đến nay chưa có dấu hiệu khả quan. Hiện ngày càng có nhiều công ty Đức đang thu hẹp quy mô sản xuất do số người bi quan lấn át số người lạc quan…
Có thể thấy rõ, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, ảnh hưởng xấu đến việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ, từ đó gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu.
TRỌNG ĐỨC (TTXVN)