Căng thẳng leo thang sau vụ Philippines bắn tàu cá Đài Loan

30/05/2013 08:23

Căng thẳng giữa Đài Loan và Philippines tiếp tục có những bước leo thang căng thẳng sau khi tuần duyên Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan hôm 9-5.


Căng thẳng giữa Đài Bắc và Manila (Ma-ni-la) xung quanh vụ Cảnh sát biển Philippines (Phi-líp-pin) hôm 9-5 bắn vào một tàu cá Đài Loan khiến một ngư dân hòn đảo này thiệt mạng đã leo thang tới mức Tổng thống Philippines ngày 13-5 kêu gọi phía Đài Loan bình tĩnh và Washington (Oa-sinh-tơn) phải lên tiếng dàn hòa.




Khu vực xảy ra vụ cảnh sát biển Philippines bắn tàu cá Đài Loan, khiến 1 ngư dân thiệt mạng


Philippines "xuống thang", Đài Loan chưa nhượng bộ

Vụ việc ngày càng trở nên nghiêm trọng khi phía Philippines đã chấp nhận "xuống thang" nhưng phía Đài Loan vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ.

Ngày 15-5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III (Bê-ni-nô A-ki-nô III) chính thức lên tiếng xin lỗi Đài Loan về vụ việc trên. Ông Aquino cử Chủ tịch Văn phòng văn hóa và kinh tế Manila tại Đài Bắc (MECO), ông Amadeo R.Perez (A-ma-đê-ô R.Pê-rét) làm đại diện đến Đài Loan truyền đạt lời chia buồn và xin lỗi của Tổng thống cũng như người dân Philippines đến gia đình nạn nhân Hung Shih-cheng (65 tuổi) và người dân Đài Loan về vụ việc đáng tiếc này. "Đại sứ đã chuyển lời chia buồn và xin lỗi sâu sắc của Tổng thống và người dân Philippines đến gia đình ông Hung Shih-cheng cũng như người dân Đài Loan về sự mất mát không may ngoài ý muốn này", phát ngôn viên Tổng thống Philippines, ông Edwin Lacierda (Ét-uyn La-xi-ê-đa) cho biết.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu ngày 16-5 cho rằng, hòn đảo này nhận thức được thông báo của ông R.Perez nhưng cho rằng "không chấp nhận được" vì phía Philippines chưa thực sự có thiện chí giải quyết vụ việc. Phía Đài Loan khẳng định đó là một vụ “giết người có chủ đích”, với bằng chứng là nhiều vết đạn trên tàu cá Đài Loan, trong đó có 18 phát đạn tại ca-bin, nơi ngư dân Hung Shih-cheng và 3 ngư dân còn lại trên tàu tránh đạn. Ngoài ra, ông Mã cho rằng, ông R.Perez không đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc và điều này cho thấy sự thiếu thành khẩn của Manila. Ngay lập tức, người đứng đầu Đài Loan cho áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Philippines, gồm một cảnh báo "đỏ" về du lịch, yêu cầu người dân Đài Loan không thăm Philippines và ngừng các trao đổi giữa quan chức cấp cao hai bên, cũng như các trao đổi về thương mại và học thuật, đóng băng việc tuyển dụng lao động Philippines và triệu hồi đại diện tại Manila về nước.

Song song với trừng phạt về ngoại giao, Đài Loan còn gia tăng khả năng quân sự ở vùng biển tiếp giáp giữa hai bên. Ngày 17-5, Đài Loan đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân gần vùng biển phía bắc Philippines. Trong cuộc tập trận này, Hải quân Đài Loan cử một tàu chiến lớp Kidd và 2 tàu khu trục nhỏ lớp Lafayette cùng đội tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển của hòn đảo này tiến hành tập trận tại vùng biển ở vùng chồng lấn “đặc quyền kinh tế” của Đài Loan và Philippines. Cuộc tập trận còn có 2 máy bay chiến đấu mang tên lửa Mirage 2000-5. Cuộc tập trận rầm rộ này đã được truyền hình Đài Loan tường thuật và đưa tin. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan La Thụ Hà cho biết: “Cuộc tập trận được tổ chức nhằm thực hành hoạt động tuần tra chung giữa hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ ngư dân của chúng tôi cũng như các hoạt động cứu hộ trên biển”.

Trước đó, làn sóng phẫn nộ đòi trừng phạt Philippines dâng cao ở Đài Loan. Người dân Đài Loan không chỉ tập trung biểu tình trước cửa Văn phòng MECO tại Đài Bắc, giận dữ đốt cờ Philippines mà giới tin tặc hòn đảo này còn khơi mào một cuộc chiến tranh mạng với Philippines. Trong ngày 10-5, tin tặc Đài Loan đã tập kích các website Chính phủ Philippines và làm tê liệt website của Tổng thống Benigno Aquino III. Đáp lại, tin tặc Philippines tấn công website của lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, các cơ quan phòng thủ, kinh tế và lực lượng tuần duyên.

Về phần mình, Philippines kêu gọi Đài Loan bình tĩnh, không để mọi việc xấu đi. Ngày 18-5, Manila bác cáo buộc của Đài Bắc cho rằng lực lượng tuần duyên Philippines đã cố tình sát hại ngư dân Đài Loan. Phát ngôn viên Ricky Carandang (Rích-ki Ca-ran-đang) của Tổng thống Aquino đã bác cáo buộc trên, đồng thời nêu rõ: "Công tác điều tra đang được tiến hành vì thế nên tránh mọi tuyên bố hấp tấp với ý định làm rối tung vấn đề và kích động sự giận dữ".

Theo các nhà phân tích, ông Mã Anh Cửu nhân cơ hội này muốn thể hiện thái độ cứng rắn với Philippines nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri khi tín nhiệm của ông đối với dân chúng đang xuống thấp.

Trung Quốc lợi dụng “đục nước béo cò”

Lợi dụng quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Đài Loan, Trung Quốc bộc lộ rõ ý định lôi kéo Đài Bắc về phía mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 13-5 đã lên tiếng kêu gọi Philippines nhanh chóng “điều tra kỹ lưỡng vụ việc và cung cấp các chi tiết liên quan”. Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ nổ súng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh và Văn phòng quan hệ với Đài Loan tại Bắc Kinh đã lập tức lên án Philippines và bày tỏ chia sẻ với Đài Loan.
Các nhà phân tích cho rằng, sự sốt sắng quá mức của Bắc Kinh là có mục đích. Theo đó, trong trường hợp căng thẳng Đài Loan - Philippines leo thang thành xung đột, Bắc Kinh sẽ đứng về phía Đài Bắc. Li Jiaquan (Li Giang-quan), một chuyên gia về quan hệ với Đài Loan của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh sẽ ủng hộ Đài Loan trừng phạt Philippines. Ông Li còn cho rằng, sự ủng hộ của Trung Quốc sẽ giúp Đài Loan - vốn yếu ớt và phụ thuộc vào Mỹ xích lại gần Bắc Kinh hơn, “bồi đắp thêm những tình cảm tích cực giữa hai bờ eo biển trong một nỗ lực chung chống sự xâm nhập của nước ngoài”. Ngoài ra, mưu đồ của Bắc Kinh còn được các nhà phân tích vạch rõ nhân cơ hội này, Trung Quốc kêu gọi Đài Loan góp sức cùng đại lục trong cuộc chiến giành chủ quyền trên Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Bằng chứng rõ nhất khi ngày 16-5, tờ Văn Hối ở Hồng Kông dẫn lời ông La Viện, một viên tướng “diều hâu” của Trung Quốc giở giọng hiếu chiến khi tuyên bố vụ tuần duyên Philippines bắn tàu Đài Loan đã mang lại cho Trung Quốc "cơ hội vàng" để chiếm 8 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông hiện đang do Philippines chiếm đóng trái phép.

Đài Loan cảnh giác

“Cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có sự làm việc với Trung Quốc đại lục về bất kỳ vấn đề nào trong vụ việc này”, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan David Lin (Đa-vít Lin) ngày 14-5 khẳng định. Cũng theo ông Lin, Đài Loan đã cố gắng thảo luận nhằm đạt được một thỏa thuận ngư nghiệp với Philippines, nhưng những nỗ lực đàm phán bao lâu nay đã gặp phải trở ngại rất lớn do sự quan ngại của phía Manila về thái độ của Bắc Kinh - vốn luôn yêu cầu các nước khác phải tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Rõ ràng, Đài Loan cũng chẳng muốn “cậy nhờ” đến Bắc Kinh mà muốn có một tiếng nói ở Biển Đông, muốn đàng hoàng đàm phán với Manila như đã từng thành công với Hiệp định thiết lập một khu vực đánh bắt cá chung trong vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (Xen-ca-cu)/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông với Nhật Bản hồi tháng 4 vừa qua.

 Sự sốt sắng của Bắc Kinh không được phía Đài Bắc đón nhận và Bắc Kinh cũng chẳng dễ có thể chen vào mối quan hệ đồng minh tay ba Mỹ - Đài Loan - Philippines"

Giáo sư Alexander Huang Chieh Cheng

Bên cạnh đó, giới học giả Đài Loan cũng góp những tiếng nói cảnh báo chính phủ chớ “mắc bẫy” Bắc Kinh. Giáo sư Alexander Huang Chieh Cheng (A-lếch-xan-đơ Hu-ang Chi Cheng) tại Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Đại học Tamkang (Đài Loan) nhận định, Đài Loan có thể sẽ không lựa chọn hợp tác với Trung Quốc đại lục bởi e ngại những hành động của đại lục trong tranh chấp có thể làm phức tạp mối quan hệ giữa Washington, Manila và Đài Bắc. Bởi cũng như Philippines, Đài Loan là một đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng có một hiệp ước phòng thủ chung với Washington.

Không nằm ngoài dự đoán này, Washington ngày 14-5 đã lên tiếng thúc giục các bên liên quan “kiềm chế các hành động khiêu khích”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaky (Gien Pxa-ki) bày tỏ “lấy làm tiếc cái chết bi thảm của một chủ tàu cá Đài Loan trong một cuộc đối đầu trên biển với một tàu tuần tra của Philippines hôm 9-5". "Mỹ đã liên lạc với cả chính phủ Philippines và các nhà chức trách Đài Loan liên quan đến vụ việc này. Và chúng tôi hoan nghênh cam kết của chính phủ Philippines để tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch" - bà Psaky cho biết thêm.

Theo Giáo sư Alexander Huang Chieh Cheng, sự sốt sắng của Bắc Kinh không được phía Đài Bắc đón nhận và Bắc Kinh cũng chẳng dễ có thể chen vào mối quan hệ đồng minh tay ba Mỹ - Đài Loan - Philippines.

PHƯƠNG LINH(biên soạn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng leo thang sau vụ Philippines bắn tàu cá Đài Loan