Những căng thẳng giữa Iran và Azerbaijan gần đây cùng với bất ổn trong khu vực làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai bên.
Căng thẳng giữa Iran và nước láng giềng phía Bắc là Azerbaijan đã lên cao trong nhiều tháng, với lo ngại xung đột có nguy cơ nổ ra. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến khác ở Nam Kavkaz, tình huống có thể khiến Iran can thiệp quân sự vào phía Armenia.
Baku đã đóng cửa đại sứ quán của mình ở Tehran vào tháng 1 năm nay sau khi một tay súng tấn công cơ quan đại diện ngoại giao của Azerbaijan, khiến 1 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Sau đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chính thức đổ lỗi cho Iran về vụ việc.
Tiếp theo, Azerbaijan đã khánh thành một đại sứ quán ở Israel vào cuối tháng 3.2023, một đối thủ trong khu vực của Iran, trước sự kinh ngạc của Tehran. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen thậm chí còn nói rằng hai bên đã "đồng ý thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Iran". Đầu tháng 4, Azerbaijan đã trục xuất 4 nhà ngoại giao Iran với lý do "có những hành động khiêu khích" và cáo buộc họ tuyển dụng người dân địa phương để làm gián điệp.
Mới đây, Ngoại trưởng Cohen, trước chuyến công du Turkmenistan, đã đến thăm Azerbaijan để khai trương đại sứ quán đầu tiên của Israel tại quốc gia này, nằm cách biên giới Iran chỉ 20 km.
Cùng với căng thẳng ngoại giao đang gia tăng, Iran cũng lo ngại về các hành động của Azerbaijan ở khu vực Nam Kavkaz. Cuộc chiến Nagorny-Karabakh từ tháng 9 đến tháng 11.2020, trong đó Azerbaijan chiếm được các khu vực lãnh thổ tranh chấp rộng lớn từ Armenia, khiến Tehran rất cảnh giác.
Trong một diễn biến liên quan, khi ảnh hưởng của Nga trong khu vực suy yếu do cuộc xung đột ở Ukraine thì ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận nhất của Azerbaijan, đã tăng lên rõ rệt. Bất chấp những nỗ lực hướng tới một thỏa thuận hòa bình và bình thường hóa quan hệ kể từ cuộc chiến năm 2020, căng thẳng giữa Baku và Yerevan đang gia tăng.
Trong bối cảnh đó, Iran hồi tháng 10 năm ngoái đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần biên giới với Azerbaijan. Vào ngày 9/4 vừa qua, trong khi tiếp thư ký Hội đồng An ninh Armenia, Iran đã lặp lại sự phản đối của mình đối với "bất kỳ thay đổi địa lý nào" ở Nam Caucasus.
Lằn ranh đỏ của Iran
Những căng thẳng chồng chéo, đan xen này làm gia tăng khả năng đối đầu quân sự giữa Iran và Azerbaijan. Các nhà phân tích thậm chí còn dự báo về một số kịch bản nhất định trong đó Tehran có thể hành động vũ lực chống lại Baku.
Emil Avdaliani, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học châu Âu và là học giả tại Geocase ở Tbilisi, Gruzia, nhận định: “Tôi nghĩ rằng Tehran có thể đáp trả mạnh mẽ hơn nếu họ thấy rằng ranh giới đỏ của mình bị vượt qua. Tehran thực sự không hài lòng với sự thay đổi cán cân quyền lực ở phía Bắc biên giới của mình và có khả năng sẽ tăng cường can dự với khu vực”.
Trong khi đó, Mohammad Ayatollahi Tabaar, Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Trường Quản trị và Dịch vụ Công Bush của Đại học Texas A&M, cảnh báo: “Nếu không có giải pháp trung gian và Baku cố gắng thực hiện một số tham vọng của mình bằng vũ lực, thì Iran sẽ không bị động như năm 2020. Lần này sẽ hành động".
Các nhà lãnh đạo Iran cũng cho rằng Tổng thống Aliyev đã cho phép Israel sử dụng lãnh thổ của Azerbaijan nước mình như một bệ phóng chống lại Tehran liên quan đến việc thiết lập đại sứ quán.
Về phần mình, Farzin Nadimi, nhà phân tích quốc phòng và an ninh, đồng thời là cộng tác viên của Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cũng nhận thấy các kịch bản mà Iran có thể can thiệp quân sự chống lại Azerbaijan.
Ông Nadimi nói: “Iran dường như có một chương trình nghị sự rõ ràng, đó là giữ cho các tuyến đường quá cảnh của nước này thông qua Armenia được mở và đảm bảo an toàn. Nếu Azerbaijan quyết định tiến vào Armenia để chiếm đất nhằm kiểm soát hành lang Zangezur, Iran rất có thể sẽ tìm cách ngăn chặn điều đó bằng cách triển khai lực lượng và thiết bị hạng nặng vào Armenia và dọc theo biên giới Armenia-Azerbaijan".
Theo Báo tin tức